Giá dầu tại châu Á đi xuống khi hy vọng về gói kích thích kinh tế mới của Mỹ bị dập tắt
Giá dầu tại thị trường châu Á đi xuống trong phiên giao dịch ngày 7/10
Giá dầu tại thị trường châu Á đi xuống trong phiên giao dịch ngày 7/10, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump xóa tan hy vọng về gói kích thích thứ tư nhằm vực dậy nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Ngoài ra, giá dầu cũng chịu áp lực đi xuống bởi lượng dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước tăng mạnh hơn dự kiến.
Vào lúc 17 giờ 09 theo giờ Việt Nam tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu thô Brent giao kỳ hạn mất 74 xu Mỹ, tương đương 1,7%, xuống 41,91 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ giảm 89 xu, tương đương 2,2%, xuống 39,78 USD/thùng. Ngày 6/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo Chính phủ nước này sẽ hoãn các cuộc đàm phán với đảng Dân chủ về gói hỗ trợ kinh tế mới có giá trị ít nhất là 1.600 tỷ USD nhằm giúp nền kinh tế vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Harry Tchilinguirian, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa tại BNP Paribas, cho biết động thái mới nhất của ông Trump đã tạo ra nhiều bất ổn kinh tế, không có dấu hiệu tích cực nào về triển vọng tiêu thụ dầu mỏ. Giá dầu thô cũng bị ảnh hưởng bởi dữ liệu từ Viện Dầu mỏ Mỹ cho thấy kho dự trữ dầu của Mỹ đã tăng 951.000 thùng trong tuần tính đến ngày 2/10. Stephen Innes, chuyên gia chiến lược thị trường cho biết, thị trường dầu đã giảm từ mức cao nhất trong hai tuần sau khi Tổng thống Trump dập tắt hy vọng về một thỏa thuận kích thích trước cuộc bầu cử. Trong khi đó, các công ty năng lượng đã bảo vệ các giàn khoan ngoài khơi và sơ tán công nhân khi cơn bão Delta sắp đổ bộ đe dọa hoạt động sản xuất dầu của Mỹ ở Vịnh Mexico. Đây là lần thứ sáu trong năm nay hoạt động sản xuất dầu mỏ của Mỹ bị các cơn bão lớn gây gián đoạn. Tại Na Uy, liên đoàn lao động Lederne ngày 6/10 cho biết, họ sẽ mở rộng quy mô cuộc đình công trong lĩnh vực dầu mỏ từ ngày 10/10 nếu các công ty năng lượng và nghiệp đoàn không đạt được thỏa thuận về tiền lương. Sáu mỏ dầu và khí đốt ngoài khơi Na Uy đã đóng cửa vào ngày 5/10 do cuộc đình công này, cắt giảm 8% công suất sản xuất dầu mỏ của Na Uy./. Minh Trang (Theo Reuters)