Giá dầu tăng mạnh, đại gia dầu mỏ Saudi Arabia lãi gấp đôi
Năm 2020, Saudi Aramco kinh doanh ảm đạm vì nhu cầu dầu lao dốc. Nhưng lợi nhuận của tập đoàn đã tăng gấp đôi trong năm 2021 nhờ giá tăng cao.
Theo CNBC, hôm 20/3, Saudi Aramco - công ty dầu mỏ quốc doanh của Saudi Arabia - vừa công bố lợi nhuận ròng tăng gấp đôi sau một năm lên 110 tỷ USD.
Cụ thể, thu nhập ròng của Aramco đã tăng 124% từ 49 tỷ USD trong năm 2020 lên 110 tỷ USD vào năm 2021. Nguyên nhân là giá dầu thô tăng cao, hoạt động lọc dầu và hóa chất hiệu quả hơn và thương vụ mua lại 70% cổ phần của SABIC thành công.
Các con số khá gần với dự báo trước đó của giới phân tích. Sau thông tin, giá cổ phiếu của Aramco trên Sàn giao dịch Saudi Tadawul đã tăng vọt 4%.
Hưởng lợi lớn
Aramco hưởng lợi nhờ giá dầu tăng cao trong năm 2021. Giá dầu thô Brent tăng khoảng 50% trong vòng 12 tháng lên mức 80 USD/thùng vào cuối năm 2021. Ngay từ trước xung đột giữa Nga và Ukraine, tình trạng thiếu hụt nguồn cung đã cộng hưởng với một loạt yếu tố khác đẩy giá năng lượng và hàng hóa tăng cao.
"Các điều kiện kinh tế đã được cải thiện đáng kể, nhưng triển vọng vẫn còn mờ mịt bởi những yếu tố vĩ mô và địa chính trị khác nhau", ông Amin Nasser - Giám đốc điều hành Aramco - bình luận.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vừa cảnh báo thị trường dầu mỏ đang hướng tới "cuộc khủng hoảng nguồn cung lớn nhất trong nhiều thập kỷ" bởi hàng loạt lệnh trừng phạt nhắm vào Nga và người mua tránh xa dầu Nga.
"Chúng tôi nhận thấy nhu cầu dầu đang tăng cao. Nhưng không may, năng lực sản xuất dự phòng trên toàn cầu bị thu hẹp. Cùng với đó là nguồn cung thấp và thiếu đầu tư", ông Nasser nhận định.
IEA cũng vừa cảnh báo các chính phủ trên khắp thế giới cần đưa ra những động thái quyết liệt nhằm cắt giảm nhu cầu dầu. Cuộc chiến ở Ukraine đang gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu.
Các khuyến nghị, bao gồm tăng cường làm việc từ xa và di chuyển bằng phương tiện công cộng, dành cho những nền kinh tế tiên tiến như Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Nếu làm theo kế hoạch này, nhu cầu toàn cầu có thể sụt giảm, bù đắp phần nào lỗ hổng nguồn cung dầu Nga do các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Việc IEA đưa ra kế hoạch khẩn cấp nhằm giảm nhu cầu dầu cho thấy thế giới có rất ít lựa chọn để thay thế nguồn cung dầu của Nga - nhà sản xuất dầu thứ hai thế giới.
Thúc đẩy sản lượng và đầu tư
Báo cáo kết quả kinh doanh của Aramco được công bố chỉ vài giờ sau khi chính quyền Saudi Arabia xác nhận cuộc tấn công bằng tên lửa nhắm vào một cơ sở của Aramco hôm 20/3.
Cụ thể, vào sáng sớm chủ nhật, phiến quân Houthi ở Yemen đã tấn công các cơ sở kinh tế và dân sự tại miền Nam Saudi Arabia bằng máy bay không người lái, tên lửa hành trình và đạn đạo. Truyền thông nhà nước đưa tin cơ sở của Aramco ở thành phố Jazan bị tấn công bởi một máy bay không người lái chở đầy chất nổ.
Theo ông Nasser, vụ tấn công may mắn không gây ra thiệt hại về người hay ảnh hưởng đến khả năng cung cấp của công ty. "Chúng tôi đã chứng minh khả năng phản ứng nhanh chóng và hiệu quả của mình", ông nhấn mạnh.
"Chúng tôi có thể khôi phục hoạt động nhanh chóng, đồng thời đảm bảo uy tín về nguồn cung đối với khách hàng", ông Nasser nói thêm.
Chúng tôi đang làm phần việc của mình. Nhưng điều đó là chưa đủ. Các công ty trong ngành cũng cần tăng sản lượng và thúc đẩy đầu tư
Ông Amin Nasser, Giám đốc điều hành Aramco
Aramco cũng tuyên bố sẽ trả 18,8 tỷ USD cổ tức quý IV/2021 vào quý I/2022. Công ty khuyến nghị dùng 4 tỷ USD lợi nhuận giữ lại để trả cổ phiếu thưởng cho nhà đầu tư.
Theo khuyến nghị, cứ sở hữu 10 cổ phiếu thì cổ đông được nhận một cổ phiếu thưởng. Như vậy, tổng cổ tức năm 2021 là 75 tỷ USD tiền mặt cùng với cổ phiếu thưởng.
Hồi năm 2020, Aramco chứng kiến lợi nhuận lao dốc 44% do nhu cầu đi lại sụt giảm vì các hạn chế nghiêm ngặt trên toàn cầu nhằm chống dịch. Vào thời điểm đó, ông Nasser đã mô tả năm tài chính 2020 là một trong những năm "thách thức nhất từ trước tới nay".
Công ty cũng cho biết sẽ đầu tư nhằm tăng công suất sản xuất dầu thô lên 13 triệu thùng/ngày vào năm 2027, mở rộng sản xuất chất lỏng sang hóa chất và tìm cách tăng sản lượng khí đốt lên hơn 50% vào năm 2030.
"Chúng tôi đang làm phần việc của mình. Nhưng điều đó là chưa đủ. Các công ty trong ngành cũng cần tăng sản lượng và thúc đẩy đầu tư", ông Nasser bình luận. Ông cho rằng nhu cầu dầu sẽ tiếp tục tăng cao trong những năm tới.
Chi tiêu vốn năm 2021 của Aramco là 31,9 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2020, chủ yếu được thúc đẩy bởi các hoạt động liên quan đến gia tăng sản lượng dầu thô, Nhà máy khí Tanajib và những chương trình tăng cường khai thác khác.
Aramco dự kiến chi tiêu vốn năm 2022 vào khoảng 40-50 tỷ USD. Con số này dự kiến còn tăng cao hơn nữa trong những năm tới.