Giá dầu thế giới liên tục trồi sụt

Sau khi FED nâng lãi suất, lo ngại về tăng trưởng kinh tế chậm lại và nhu cầu nhiên liệu ít đi khiến giá dầu lao dốc. Nhưng tình trạng khan hiếm nguồn cung vẫn giữ giá ở mức cao.

Giá dầu thế giới liên tục trồi sụt trong vòng 24 giờ qua. Theo dữ liệu của Trading Economics, giá dầu Brent tiêu chuẩn quốc tế đã rơi từ hơn 121 USD/thùng xuống dưới ngưỡng 118 USD/thùng, rồi nhanh chóng lấy lại mốc này. Trong khi đó, dầu WTI được giao dịch quanh mức 115 USD/thùng, giảm nhẹ 0,26% so với 24 giờ trước đó.

Giá dầu lao dốc sau khi Mỹ nâng lãi suất làm dấy lên lo ngại về tăng trưởng kinh tế chậm lại và nhu cầu nhiên liệu ít đi. Tuy nhiên, giá nhanh chóng bật tăng bởi nguồn cung vẫn bị thắt chặt và tiêu thụ dầu tăng mạnh trong mùa cao điểm.

Giá dầu thô thế giới liên tục đảo chiều sau khi FED nâng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm, mức mạnh nhất trong gần 30 năm. Ảnh: Trading Economics.

Giá dầu thô thế giới liên tục đảo chiều sau khi FED nâng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm, mức mạnh nhất trong gần 30 năm. Ảnh: Trading Economics.

FED nâng lãi suất kỷ lục

"Giá dầu đã trồi sụt mạnh trong ngày qua nhưng cuối cùng chỉ ghi nhận mức giảm nhỏ. Thay vì thị trường năng lượng, giới đầu tư dồn nhiều sự chú ý hơn vào thị trường cổ phiếu và trái phiếu", ông Jeffrey Halley - nhà phân tích thị trường cấp cao tại Singapore - bình luận với Zing.

Theo ông, giá dầu hạ nhiệt phần nào sau khi tồn trữ dầu thô của Mỹ đi lên trong tuần qua. Cùng với đó là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế của nước này.

Cụ thể, hôm 15/6, ngân hàng trung ương Mỹ thông báo nâng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1994.

 Việc FED mạnh tay nâng lãi suất có thể làm gia tăng rủi ro suy thoái của nền kinh tế Mỹ, từ đó tạo áp lực lên nhu cầu dầu. Ảnh: Reuters.

Việc FED mạnh tay nâng lãi suất có thể làm gia tăng rủi ro suy thoái của nền kinh tế Mỹ, từ đó tạo áp lực lên nhu cầu dầu. Ảnh: Reuters.

Đến tuần trước, giới quan sát vẫn dự báo FED nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm. Nhưng lạm phát tháng 5 đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 41 năm, kéo tụt niềm tin của người tiêu dùng, buộc FED phải hành động mạnh tay hơn.

Theo giới quan sát, việc FED nâng lãi suất mạnh nhất trong gần 30 năm có thể đẩy nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái. FED cũng hạ dự báo tăng trưởng của Mỹ trong năm nay từ 2,8% (dự báo hồi tháng 3) xuống còn 1,7%.

Trong một nghiên cứu được công bố vào tháng 6, bà Anna Wong - chuyên gia kinh tế cấp cao tại Bloomberg - dự báo khả năng Mỹ rơi vào suy thoái trong năm 2022 là 25%, nhưng tỉ lệ này có thể lên tới 75% vào năm 2023. Triển vọng kinh tế suy yếu có thể tác động tiêu cực tới nhu cầu dầu.

Tuy nhiên, đà giảm không kéo dài trên thị trường dầu. "Tình hình cung - cầu, giá khí đốt tự nhiên tăng cao, các sản phẩm tinh chế tăng giá và sản lượng dầu của Nga lao dốc khiến giá dầu vẫn được neo ở mức cao", chuyên gia tài chính Halley nhận định.

Giá vẫn ở mức cao

Giới đầu tư vẫn dồn sự chú ý vào nguồn cung khan hiếm và nhu cầu mạnh mẽ do các lệnh trừng phạt của phương Tây nhắm vào dầu Nga. "Đó là một phiên giao dịch đầy biến động đối với tất cả thị trường", ông Howie Lee - chuyên gia kinh tế tại ngân hàng OCBC của Singapore - bình luận.

"Các yếu tố cơ bản chỉ ra bất cứ sự sụt giảm nào của giá dầu đều sẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn", ông nói thêm.

Tại Libya, sản lượng dầu sụt giảm do các nhà máy và cảng bị đóng cửa vì cuộc khủng hoảng chính trị của đất nước. Hôm 14/6, phát ngôn viên của Bộ Dầu mỏ Libya cho biết sản lượng dầu đã bị thu hẹp còn 100.000-150.000 thùng/ngày, giảm mạnh so với mức 1,2 triệu thùng/ngày hồi năm ngoái.

Tình hình cung - cầu, giá khí đốt tự nhiên tăng cao, các sản phẩm tinh chế tăng giá và sản lượng dầu của Nga lao dốc khiến giá dầu vẫn được neo ở mức cao

Ông Jeffrey Halley, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Singapore

"Trong giai đoạn bình thường, sự tăng giảm sản lượng dầu của Libya sẽ không tác động đáng kể tới thị trường. Nhưng với tình hình hiện tại, những biến động này đủ để giữ giá ở mức cao", ông Halley nhận định.

Ngoài ra, giới đầu tư tin rằng nhu cầu dầu tại Trung Quốc sẽ phục hồi khi đất nước 1,4 tỷ dân dần nới lỏng các hạn chế chống dịch. Điều này có thể thúc đẩy giá tăng cao hơn nữa.

"Nhu cầu ở Trung Quốc được khôi phục, cùng với khả năng nhu cầu tại các quốc gia thành viên OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) đi lên trong tháng 8, sẽ khiến giá dầu tiếp tục tăng cao trong quý III/2022", ông Baden Moore - Trưởng bộ phận Nghiên cứu hàng hóa tại Ngân hàng Quốc gia Australia - nhận định.

Ngân hàng đầu tư UBS vừa nâng dự báo giá dầu thô Brent tiêu chuẩn toàn cầu lên 130 USD/thùng vào cuối tháng 9 và 125 USD/thùng trong quý cuối năm. Trước đó, nhà băng này dự đoán giá dầu ở mức 115 USD/thùng.

Theo dữ liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, sản lượng dầu thô tại Mỹ đã tăng 100.000 thùng/ngày vào tuần trước lên 12 triệu thùng/ngày, mức cao nhất kể từ tháng 4/2020. Tồn trữ dầu thô và sản phẩm chưng cất của Mỹ cũng đi lên. Tuy nhiên, tồn trữ xăng tại Mỹ vẫn sụt giảm.

Thảo Phương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/gia-dau-the-gioi-lien-tuc-troi-sut-post1327069.html