Giá dầu thô 3/10: Bật tăng mạnh, OPEC+ có thể giảm sản lượng tới 1 triệu thùng/ngày
Giá dầu thô trong sáng nay 3/10 bật tăng mạnh trước thông tin OPEC+ có thể giảm sản lượng tới 1 triệu thùng/ngày để ngăn đà giảm giá dầu hiện tại.
Vào lúc 9h00 sáng nay (ngày 3/10, theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 11/2022 tăng 2,96% lên 87,67 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 10/2022 cũng tăng hơn 3% lên 81,92 USD/thùng.
Đà bật tăng mạnh của giá dầu thô chủ yếu nhờ thông tin Liên minh OPEC+ đang cân nhắc giảm sản lượng khai thác lên tới 1 triệu thùng/ngày nhằm ngăn chăn đà sụt giảm hiện nay của giá dầu thô. Mức giảm này tương đương 1% tổng nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu. Nếu được thực hiện, đây sẽ là lần giảm sản lượng mạnh nhất của OPEC+ kể từ khi quyết định giảm sản lượng khai thác 10 triệu thùng/ngày hồi năm 2020 khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu.
Liên minh OPEC+ dự kiến sẽ nhóm họp để ra quyết định chính thức vào ngày 5/10 tới đây. OPEC+, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Saudi Arabia đứng đầu và các nước khai thác dầu thô đồng minh do Nga lãnh đạo, hiện kiểm soát hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu. Trong phiên họp đầu tháng 9, liên minh này đã bất ngờ quyết định giảm sản lượng khai thác trong tháng 10 ở mức 100.000 thùng/ngày như một động thái hỗ trợ giá dầu thô.
Trước đó, Saudi Arabia đã nhiều lần phát tín hiệu cho thấy khối OPEC có thể giảm sản lượng khai thác để ngăn chặn tình trạng giá dầu thô giảm trên thị trường tương lai và nhấn mạnh diễn biến giá trên thị trường tương lai đang không phản ánh đúng thực trạng căng thẳng nguồn cung trên thị trường giao ngay. Một số quốc gia thành viên liên minh OPEC+ như Nigeria, Iraq, Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất cũng phát tín hiệu ủng hộ động thái trên.
Tính chung cả tuần giao dịch trước, giá dầu thô Brent và giá dầu thô WTI đã lần lượt tăng 2% và 1%.
Giá dầu thô hiện đang ở vùng đáy của 4 tháng trở lại đây trong bối cảnh thị trường lo ngại rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu đang ngày càng lớn hơn khi hàng loạt ngân hàng trung ương lớn mạnh tay siết chặt chính sách tiền tệ, khiến triển vọng nhu cầu sử dụng nhiên liệu giảm xuống. Việc Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, phong tỏa diện rộng nhiều thành phố lớn trong thời gian vừa qua nhằm kiểm soát dịch Covid-19 cũng khiến nhu cầu sử dụng dầu suy yếu.
Bên cạnh đó, đồng USD tăng giá lên mức cao nhất trong vòng 20 năm qua so với các đồng tiền chủ chốt khác cũng khiến hoạt động đầu tư trên thị trường dầu thô trở nên kém hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư đang nắm giữ các đồng tiền khác trên thế giới.
Một số nhà phân tích nhận định giá dầu thô đang tạo đáy quanh vùng giá 90 USD/thùng khi nhu cầu sử dụng nhiên liệu tại Trung Quốc có dấu hiệu tăng trở lại, việc xả bán dầu thô từ kho dự trữ chiến lược (SPR) của Hoa Kỳ sắp kết thúc, cũng như lệnh cấm nhập khẩu hoàn toàn dầu và các sản phẩm dầu từ Nga của Liên minh châu Âu (EU) sẽ có hiệu lực vào đầu tháng 12 này.
Chuyên gia giao dịch năng lượng cấp cao Rebecca Babin thuộc tập đoàn tài chính CIBC Private Wealth US (Hoa Kỳ) cho biết “Tôi cho rằng thị trường đang tạo đáy nhưng giá dầu thô sẽ còn dao động mạnh và dòng tiền đầu cơ sẽ tiếp tục rút khỏi thị trường.”
Chuyên gia phân tích Stephen Brennock thuộc hãng môi giới giao dịch dầu thô hàng đầu thế giới PVM (Anh) cũng nhận định mức giá 90 USD/thùng là ngưỡng giá “cứng” đối với liên minh OPEC+, do đó liên minh này sẽ hành động để giữ giá dầu thô không giảm sâu khỏi vùng giá sàn này.