Giá điện tăng và nỗi lo của doanh nghiệp

Việc tăng giá điện là cần thiết để đảm bảo tài chính cho EVN và cung ứng điện ổn định, nhưng gây áp lực lớn cho doanh nghiệp (DN), đặc biệt trong bối cảnh thuế đối ứng từ Mỹ. Chi phí sản xuất tăng làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, đặc biệt với các ngành xuất khẩu và DN nhỏ và vừa. Một lộ trình tăng giá dài hạn, công bố trước 6 - 9 tháng, cùng với các chính sách hỗ trợ và minh bạch hóa chi phí sẽ giúp DN chuẩn bị tốt hơn, giảm thiểu tác động tiêu cực đến sản xuất và xuất khẩu.

Mong công khai lộ trình sớm

Thực tế cho thấy, giá điện tăng nhiều hay ít đều ảnh hưởng đến người dân và DN. Giá điện tăng đến mức nào thì người dân có nhu cầu sử dụng vẫn phải mua điện để dùng. Vì trong sinh hoạt, hộ gia đình nào cũng đều phải phụ thuộc vào điện - nguồn năng lượng sống chỉ do một nhà cung cấp mà chưa có thêm lựa chọn thứ hai.

Trong dây chuyền sản xuất của Công ty CP Dệt may Phú Vĩnh Hưng. Ảnh: Nguyên Dương

Trong dây chuyền sản xuất của Công ty CP Dệt may Phú Vĩnh Hưng. Ảnh: Nguyên Dương

Còn đối với DN thì đây cũng là một nỗi lo khi tăng giá vào đúng dịp cao điểm của nắng nóng. Bởi điện là "đầu vào của mọi đầu vào" sẽ tác động đến chi phí và hoạt động sản xuất. Với các DN tiêu thụ điện lớn như luyện kim, xi măng, hóa chất, thực phẩm đông lạnh... chi phí điện chiếm tỷ trọng đáng kể trong giá thành sản phẩm (khoảng 10 - 20% tùy ngành). Việc tăng giá điện, dù chỉ 4,8% bình quân, có thể làm chi phí sản xuất tăng thêm hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi tháng đối với các DN quy mô vừa và lớn. Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may Phú Vĩnh Hưng Nguyễn Việt Tùng dẫn dụ, một nhà máy tiêu thụ 1 triệu kWh/tháng ở giờ bình thường sẽ phải trả thêm khoảng 84 triệu đồng/tháng chỉ riêng cho phần tăng giá.

Chi phí điện tăng không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến DN sản xuất, kéo theo đến các ngành dịch vụ, vận tải và thương mại. Giá hàng hóa đầu ra buộc phải điều chỉnh, dẫn đến áp lực lạm phát nội địa và giảm sức mua của người tiêu dùng, ảnh hưởng đến doanh thu của DN.

Đồng tình tăng giá điện là cần thiết để Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN thoát lỗ) (lỗ hơn 21.000 tỷ đồng năm 2023) và đảm bảo đầu tư cho hạ tầng điện. Tuy nhiên, ông Nguyễn Việt Tùng đưa ra quan điểm, việc tăng giá 4 lần từ năm 2023 (3%, 4,5%, 4,8%, 4,8%) với chu kỳ 3 tháng/lần gây khó khăn cho DN trong việc lập kế hoạch sản xuất và đàm phán giá với khách hàng.

Một lộ trình tăng giá dài hạn (ví dụ, 5 năm với mức tăng 0,1 - 0,3%/năm như Ba Lan, Đức) sẽ giúp DN dự đoán chi phí, điều chỉnh giá bán và đầu tư công nghệ tiết kiệm điện. Bên cạnh đó, việc công bố tăng giá điện trước 6 - 9 tháng là hợp lý và cần thiết, đặc biệt với các ngành xuất khẩu. Bởi DN cần thời gian để đàm phán hợp đồng. Các hợp đồng xuất khẩu thường được ký trước 6 - 12 tháng với giá bán cố định. Giá điện tăng đột ngột khiến khiến DN không thể điều chỉnh giá bán, dẫn đến giảm lợi nhuận hoặc mất hợp đồng.

DN cần thời gian để đầu tư vào công nghệ tiết kiệm điện (như máy móc hiện đại, hệ thống năng lượng tái tạo), nhưng các dự án này thường mất 6 - 12 tháng để triển khai. Ngoài ra, DN nhỏ và vừa cần thời gian để điều chỉnh dòng tiền, vay vốn, hoặc cắt giảm chi phí khác để bù đắp chi phí điện tăng...

Ông Nguyễn Việt Tùng đề xuất, EVN và Bộ Công Thương cần công khai chi tiết cơ cấu chi phí sản xuất điện và tham vấn ý kiến DN trước khi tăng giá. Điều này giúp DN hiểu rõ lý do tăng giá và xây dựng lòng tin.

Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ DN như ưu đãi thuế, vay vốn lãi suất thấp, hoặc trợ giá điện cho một số ngành xuất khẩu chủ lực (dệt may, thủy sản) để giảm áp lực từ thuế đối ứng Mỹ. Đẩy mạnh cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) và giảm chi phí đầu tư điện mặt trời, điện gió để DN tự chủ một phần nguồn điện, giảm phụ thuộc vào lưới điện EVN...

Tăng giá điện được xem xét kỹ

Tại buổi trao đổi thông tin với các cơ quan báo chí về công tác điều hành đảm bảo điện và điều chỉnh giá bán lẻ điện mới đây, Phó Tổng Giám đốc EVN Võ Quang Lâm cho biết, việc tăng giá điện hiện dựa trên cơ sở của các quy định tại Nghị định 72 của Chính phủ ban hành tháng 3/2025, quy định phương pháp tính, thời gian điều chỉnh, biên độ dựa trên chi phí đầu vào cho phép EVN được tăng giá điện 3 tháng/ lần dựa trên sự thay đổi của các yếu tố đầu vào của nguồn điện.

Công nhân Truyền tải điện Lâm Đồng (PTC3) kiểm tra đảm bảo cung cấp điện ổn định hè 2025. Ảnh: Nguyên Dương

Công nhân Truyền tải điện Lâm Đồng (PTC3) kiểm tra đảm bảo cung cấp điện ổn định hè 2025. Ảnh: Nguyên Dương

Lãnh đạo EVN nhấn mạnh, dự báo tăng trưởng GDP năm 2025 và những năm tiếp theo lên cao từ 8% năm 2025 và hai con số trong những năm tiếp theo. Và ngay từ cuối năm 2024, EVN đã xây dựng các kịch bản tăng trưởng giá điện đáp ứng yêu cầu của tăng trưởng kinh tế.

EVN đặt ra mục tiêu tăng trưởng sản lượng điện thương phẩm năm 2025 là 12%, tương đương khoảng 33,6 tỷ kWh điện/năm. Theo ông Võ Quang Lâm, dư địa tăng trưởng chủ yếu của điện thương phẩm năm nay dựa vào điện than và điện khí và điện chạy dầu có giá thành cao hơn.

Ông Võ Quang Lâm cũng cho biết, việc điều chỉnh giá điện sẽ có tác động nhất định tới CPI. EVN đã phối hợp chặt chẽ với Cục Thống kê (Bộ Tài chính) để giám sát diễn biến chỉ số CPI và chỉ số diễn biến đầu vào cho sản xuất kinh doanh điện cũng như các chỉ số tác động đến GDP của toàn quốc. Riêng phần giá điện điều chỉnh tăng 4,8 % theo số liệu đánh giá của Cục Thống kê, dự kiến làm chỉ số giá tiêu dùng CPI năm 2025 tăng khoảng 0,09%.

Đồng thời bám sát tình hình diễn biến thủy văn 2025, 33,6 tỷ kWh này sẽ nằm cơ bản ở các nguồn điện được sản xuất ở các nhà máy điện có giá thành cao.

Năm 2025 do biến động của thời tiết EVN dự báo suy giảm của thủy điện 2025 so 2024 xấp xỉ khoảng 7.000 kWh. Trong đó nhiệt điện than sẽ tăng trưởng nhiều ở phân khúc các nhà máy dùng than nhập khẩu ở phía Nam.

Giá thành than trong giai đoạn 2021 - 2023 biến động tăng theo biến động địa chính trị của thế giới và trong 4 tháng đầu năm 2025 thì chi phí cho than, khí, dầu nhập khẩu tiếp tục tăng.

EVN đã thường xuyên rà soát tính toán để có thể báo cáo với các cơ quan điều chỉnh giá điện. Việc điều chỉnh vào ngày 10/5/2025 đã nghiên cứu và xem xét rất kỹ trên cơ sở các chi phí đầu vào, chi phí biến động, sự chi trả của người dân và DN để tìm thấy điểm trung hòa giữa các nhu cầu.

“Với trách nhiệm đảm bảo cung ứng điện, EVN còn phải đảm bảo công tác để nền kinh tế đảm bảo cạnh tranh, đảm bảo an sinh xã hội. Đây là vấn đề hết sức quan trọng” - ông Võ Quang Lâm khẳng định.

Liên quan đến giá điện 2 thành phần, EVN cũng đã có tính toán báo cáo với Bộ Công Thương, theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công Thương, EVN đang tiếp tục bổ sung thêm đối tượng khách hàng sinh hoạt để thực hiện giá điện hai thành phần. EVN sẽ hoàn thiện đề án giá điện 2 thành phần sớm nhất để trình Bộ Công Thương và Chính phủ trong thời gian tới...

Mức tăng giá điện dù ít hay nhiều đều có tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Cộng đồng DN đều mong muốn giá điện luôn ổn định, hoặc nếu có tăng cần phải được tính toán kỹ theo lộ trình và thời điểm thích hợp, khi đó mới phù hợp với sức chịu đựng của DN, góp phần hỗ trợ các DN trong bối cảnh còn đang rất nhiều khó khăn như hiện nay.

Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Trung Thành (Trung Thành Foods) Phí Ngọc Sơn

Nguyên Dương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/gia-dien-tang-va-noi-lo-cua-doanh-nghiep.708973.html