'Gia đình hiếu học' - hạt nhân của xã hội học tập
PTĐT - 'Gia đình hiếu học' được coi là hạt nhân xây dựng xã hội học tập, xã hội càng có nhiều 'gia đình hiếu học' thì càng văn minh tiến bộ. Những năm qua, phong trào xây dựng 'gia đình hiếu học' ở tỉnh ta luôn được các cấp ủy, chính quyền và đông đảo tầng lớp nhân dân quan tâm triển khai thực hiện.
PTĐT - “Gia đình hiếu học” được coi là hạt nhân xây dựng xã hội học tập, xã hội càng có nhiều “gia đình hiếu học” thì càng văn minh tiến bộ. Những năm qua, phong trào xây dựng “gia đình hiếu học” luôn được các cấp ủy, chính quyền và đông đảo tầng lớp nhân dân quan tâm triển khai thực hiện.Ở phường Trường Thịnh, thị xã Phú Thọ, ai cũng biết và khâm phục gia đình ông Đàm Văn Đê, bà Chu Thị Dự bởi truyền thống hiếu học. Gắn bó với sự nghiệp trồng người trên 40 năm, nhớ lại những năm tháng công tác với đồng lương của giáo viên ít ỏi nên ngoài những giờ đi làm, vợ chồng ông đã luân phiên nhau đi làm thuê, trồng rau, nuôi lợn... để vừa có tiền chăm lo cho con cái, trang trải cuộc sống gia đình, vừa đi học để nâng cao trình độ. Vợ chồng ông vẫn luôn dạy con phải tuân thủ giá trị chung, không ngừng động viên con cái chăm chỉ học hành.
Không phụ lòng mong đợi của bố mẹ, 5 người con của ông bà đều học những trường Đại học danh tiếng, ra trường đều có công việc ổn định, là niềm tự hào của ông bà, niềm mơ ước của nhiều gia đình. Chính nhờ tình yêu thương, sự quan tâm chăm sóc và thấy được tinh thần cầu tiến, ham học, sự quan tâm đúng mực của vợ chồng ông nên các con của ông đã học tập phương pháp dạy con của bố mẹ mình, 5 người con của ông đều dạy dỗ con cái mình phát huy truyền thống hiếu học của gia đình, rèn đức, luyện tài, không ngừng tu dưỡng làm giàu lên vốn kiến thức của bản thân. Nhờ vậy, 9 người cháu của ông Đê đều học tại các trường chuyên, lớp chọn trong và ngoài tỉnh, có công việc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp lớn.
“Trải qua những năm tháng khó khăn, nhọc nhằn, bây giờ con cái đều đã trưởng thành là niềm hạnh phúc lớn nhất đối với tôi. Giờ đây nhìn tấm ảnh đại gia đình và những bằng khen, giấy khen của các con, cháu, tôi thấy rất tự hào và mãn nguyện” – ông Đê chia sẻ.
Nói đến gia đình hiếu học, không thể không nhắc đến gia đình ông Quách Đình Thi, bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết (phường Tiên Cát, thành phố Việt Trì) – gia đình có 2 cô con gái “ẵm” tới 3 giải Quốc gia về cho tỉnh. Ông Thi chia sẻ: Chúng tôi rất chú ý quan tâm, tạo điều kiện đầu tư cho các con trong học tập và rèn luyện, xác định rõ đầu tư cho con học tập là cả một quá trình lâu dài nhưng có trồng và chăm sóc cây thì cây mới cho quả ngọt.Với suy nghĩ như vậy, ông bà Thi – Tuyết đã rèn luyện cho hai con gái Quách Thùy Linh và Quách Thùy Dương cả về thể chất lẫn trí tuệ. Không phụ công của bố mẹ, thầy cô, hai con gái của ông đều dành được những suất học bổng du học Anh, hiện giờ đã về nước, cống hiến cho nước nhà.Không chỉ quan tâm, định hướng cho con cái xác định việc học là nhiệm vụ hàng đầu, ông Sái Minh Vệ (xã Lệ Mỹ, huyện Phù Ninh) luôn là tấm gương mẫu mực cho các con noi theo. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, ông đã tình nguyện hiến 700m2 đất để làm đường giao thông nông thôn. Ông Vệ quan điểm: Hiến đất để phục vụ chính nhu cầu đi lại của bản thân, đồng thời để các con thấy và học tập. Nhờ phương pháp dạy con như vậy, hai con của ông luôn cố gắng học tập, nhiều năm liền là học sinh giỏi các cấp, thi đỗ Trường Đại học Y Hà Nội.Trên đây chỉ là 3 trong những tấm gương sáng, là những bông hoa tươi thắm tiêu biểu trong vườn hoa khuyến học. Những hạt nhân này đã góp phần lan tỏa phong trào xã hội học tập trong toàn tỉnh.