Gia đình và xã hội đồng hành bảo vệ trẻ em gái
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã đạt nhiều bước tiến trong việc tăng cường luật pháp quốc gia để đối phó với tình trạng bạo lực đối với người chưa thành niên. Luật Trẻ em 2016, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017) và Bộ luật tố tụng hình sự 2015 đã có nhiều quy định quan trọng mới nhằm bảo vệ trẻ em, trong đó có trẻ em gái khỏi xâm hại tình dục cũng như các hình thức bạo lực khác một cách hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, để xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái (đối tượng dễ bị tổn thương, bị bạo lực hay xâm hại tình dục) thì rất cần sự chủ động của chính cha mẹ. Phụ huynh cần đồng hành cùng trẻ em gái trên mỗi bước đường của con…
Trẻ em gái và nỗi lo xâm hại tình dục
Một vị phụ huynh có hai con gái, một bé 5 tuổi và một bé 13 tuổi đã thẳng thắn chia sẻ tại một tọa đàm về bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại tình dục rằng, anh thật sự lo lắng mỗi khi con bước ra khỏi nhà vì các bé gái đang phải đối mặt với quá nhiều mối nguy hiểm, đặc biệt là tình trạng xâm hại tình dục. Việc truyền thông đưa tin những vụ xâm hại tình dục bé gái với nghi phạm lại chính là những người thân quen, hàng xóm… đang khiến môi trường sống của trẻ em gái bị đe dọa nghiêm trọng. Không chỉ có vậy, nhiều trẻ em gái còn phải đối mặt với tình trạng bạo lực gia đình, bị trừng phạt về thể chất, tinh thần hay phải sống trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, không được đi học, không được hưởng những dịch vụ thiết yếu trong xã hội. Tuy nhiên, theo nhiều cha mẹ thì vấn nạn xâm hại tình dục là vấn nạn nổi cộm nhất, đe dọa đến sự an toàn của trẻ em gái.
Từ năm 2002, WHO ước tính có tới 150 triệu bé gái và 73 triệu bé trai bị xâm hại tình dục. Một phân tích tổng hợp của WHO từ 65 nghiên cứu tại 22 quốc gia năm 2014 cho thấy, tỷ lệ xâm hại tình dục cao nhất xảy ra ở châu Phi (34,4%) và châu Á (23,9%), trong khi ở châu Mỹ và châu Âu lần lượt là 10,1% và 9,2%. Số liệu thống kê các vụ bị phát hiện ở trên cũng chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm” khi mà phần lớn hành vi xâm hại trẻ em chủ yếu xảy ra ở những nơi kín đáo hoặc ít ngờ tới, như trong nhà, ở trường học, thang máy… Còn tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) mỗi năm Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em bị xâm hại được phát hiện, trong đó trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm hơn 60%. Thống kê trên cũng cho thấy rằng trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người thân trong gia đình chiếm tỷ lệ cao với 21,3%; gần 60% số trẻ em bị xâm hại bởi người quen, hàng xóm. Ước tính, khoảng 68,4% số trẻ em từ 1 đến 14 tuổi phải chịu ít nhất một hình phạt thể chất hoặc tâm lý bởi các thành viên trong gia đình.
Phụ huynh đóng vai trò hàng đầu
Theo bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển bền vững (MSD), trong thời gian gần đây, với sự vào cuộc của báo chí truyền thông và các cơ quan chức năng, vấn đề xâm hại tình dục trẻ em đã được các gia đình quan tâm hơn. Tuy nhiên, chủ yếu nhận thức đã có, nhưng thực hành của cha mẹ về vấn đề này, đặc biệt là vấn đề giáo dục và đồng hành cùng con là chuyện “tưởng dễ mà không dễ chút nào”. Nhiều phụ huynh tâm sự không biết bắt đầu từ đâu và thế nào để nói với con về những vấn đề tình dục “nhạy cảm”, chứ chưa nói đến việc thực hành, giả định tình huống để hướng dẫn con cách xử lý.
Chị Nguyễn Quỳnh Hương (Đống Đa, Hà Nội) có một bé gái 7 tuổi, chị chia sẻ, do nhận thức được tầm quan trọng của cha mẹ trong việc bảo vệ con khỏi xâm hại tình dục, vợ chồng chị cũng chủ động tìm kiếm kiến thức về vấn đề này. Tuy nhiên, hiểu là một việc, đồng hành cùng con lại là một câu chuyện khác. Làm sao để hướng dẫn bé cách phòng, ngừa những nguy cơ xâm hại; làm sao để dạy một đứa trẻ 7 tuổi biết cách bảo vệ bản thân,… những câu hỏi của vợ chồng chị Hương cũng là nỗi băn khoăn riêng của đa số phụ huynh. Chưa kể, ở thành phố, do điều kiện kinh tế khá giả, nhiều bậc phụ huynh mới có thời gian quan tâm đến con, còn tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, kinh tế còn nhiều khó khăn, nhiều cha mẹ còn không có kiến thức về bảo vệ con khỏi xâm hại tình dục chứ chưa nói đến việc đồng hành cùng trẻ. Bà Lê Thị Khánh Vân, chuyên gia về trẻ em cho rằng, bản thân các phụ huynh vẫn chưa được dạy một cách hệ thống và khoa học về những nội dung này nên chưa có phương pháp dạy con một cách phù hợp. Bên cạnh đó, các phụ huynh thường có tâm lý e ngại, tránh nhắc đến những chủ đề nhạy cảm trước mặt con trẻ cho đến khi con đến tuổi dậy thì. Nhưng đến lúc đó thì cũng đã quá muộn bởi kẻ xâm hại tình dục trẻ em có thể là bất kỳ ai và không ai lường trước được thời gian và thời điểm xảy ra.
Rõ ràng, việc phụ huynh chủ động trong tìm hiểu kiến thức, cũng như đồng hành cùng con trong bảo vệ, chống xâm hại tình dục là vô cùng cần thiết. Khi mà tình trạng xâm hại tình dục vẫn đang trở thành vấn nạn nhức nhối, với những báo động về số vụ việc xâm hại cũng như sự nghiêm trọng của sự việc, thì ngoài sự vào cuộc của chính các bậc phụ huynh thì trẻ em gái cũng cần được toàn xã hội quan tâm. Có như thế, trẻ em gái mới thực sự sống trong một môi trường an toàn.