Giá gạo tăng mạnh đẩy giá các sản phẩm mỳ, bún tăng theo

Giá lúa, gạo thế giới và trong nước tăng cao thời gian gần đây là tin vui đối với nhiều người trồng lúa trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Tuy nhiên, việc tăng giá này đã tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất của các hợp tác xã (HTX), hộ dân làm nghề truyền thống như mỳ, bún, bánh.

Theo anh Phạm Trọng Viên, Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Minh Phương (Yên Dũng), hiện HTX đang liên kết sản xuất khoảng 20 ha giống lúa Bắc thơm và giống BC15. Khoảng hơn 1 tháng nay thị trường lúa, gạo tăng mạnh, mức tăng bình quân khoảng 2-4 nghìn đồng/kg.

Người lao động HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Minh Phương chuyển gạo đi tiêu thụ.

Người lao động HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Minh Phương chuyển gạo đi tiêu thụ.

Cụ thể, hai sản phẩm chính HTX đang cung cấp ra thị trường là gạo tám thơm đang bán giá 15 nghìn đồng/kg; gạo BC15 và Khang dân có giá 14 nghìn đồng/kg. Ngoài ra, hiện HTX đang mua thóc của người dân với giá 10 nghìn đồng/kg (tăng 2 nghìn đồng so với hồi tháng 4 vừa qua).

Cũng theo anh Viên, do giá thóc gạo tăng mạnh nên người dân đã bán được số lượng lớn so với cùng kỳ những năm trước (đạt khoảng 80%). Nếu như tầm này năm ngoái, HTX thu mua được khoảng 1,5 nghìn tấn gạo thì từ đầu năm đến nay đã thu mua được khoảng 2 nghìn tấn.

Đại lý gạo Thắng Thi trên đường Giáp Hải, phường Dĩnh Kế chuyên nhập gạo từ một số địa phương trong tỉnh Bắc Giang và từ các tỉnh miền Nam để phân phối cho thị trường tỉnh Lạng Sơn và các huyện Lục Ngạn, Sơn Động (Bắc Giang). Đến nay hầu hết các loại gạo đã được đại lý điều chỉnh tăng với mức bình quân từ 2,5 đến 4 nghìn đồng mỗi kg (tùy loại).

Cụ thể, gạo tấm 504 (miền Nam) đang được bán 13,4 nghìn đồng/kg; gạo khang dân 14 nghìn đồng/kg; gạo tám thơm và hàm châu siêu (15 nghìn đồng/kg); gạo sa mơ (14,5 nghìn đồng/kg)… Chị Nguyễn Thị Nhàn, chủ đại lý Thắng Thi cho biết: “Nhiều tuần nay giá lúa gạo tăng liên tục và chưa có dấu hiệu dừng lại. Do nhập gạo với giá cao nên đại lý phải điều chỉnh tăng giá bán cho người tiêu dùng để bảo đảm lợi nhuận”.

Hoạt động bốc xếp, vận chuyển gạo giao cho khách tại đại lý Thắng Thi.

Hoạt động bốc xếp, vận chuyển gạo giao cho khách tại đại lý Thắng Thi.

Giá gạo tăng nhanh ít nhiều đã ảnh hưởng đến đời sống người dân và nhất là các hộ gia đình, HTX làm nghề truyền thống như bún, bánh, mỳ trên địa bàn tỉnh. Cơ sở sản xuất bún, bánh Hùng Mai, ở tổ dân phố Hòa Sơn, phường Đa Mai (TP Bắc Giang) mỗi ngày sản xuất khoảng 1 tấn bún (sử dụng khoảng 4 tạ gạo). Theo bà Lê Thị Thương - chủ cở sở thì đây là lần tăng giá gạo nhiều nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây.

Nếu như năm ngoái, gạo nguyên liệu làm bún có giá khoảng 11 nghìn đồng/kg thì nay đã tăng lên 15 nghìn đồng/kg. Chi phí sản xuất mỗi kg bún đã tăng thêm 1,5 nghìn đồng song để giữ mối khách quen với các nhà hàng, doanh nghiệp, gia đình chỉ điều chỉnh tăng giá bún thêm 500 đồng mỗi kg (bán buôn) và 1 nghìn đồng (bán lẻ).

Tương tự, các hộ làm mỳ truyền thống cũng cho biết, giá gạo tăng đã ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí đầu vào sản xuất. Hầu hết các cơ sở làm mỳ Chũ (Lục Ngạn) đã điều chỉnh tăng giá bán các sản phẩm thêm 1,5 đến 2 nghìn đồng/kg mỳ. Trong khi đó, để giữ chân khách hàng, giá bán buôn các sản phẩm bánh đa Kế (TP Bắc Giang), bánh đa Thổ Hà (Việt Yên) vẫn giữ như cũ, chỉ chỉnh tăng giá với hình thức bán lẻ.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, 6 tháng đầu năm nay tổng diện tích gieo cấy lúa toàn tỉnh ước đạt 46,7 nghìn ha, năng suất đạt 60,3 tạ/ha và sản lượng hơn 280 nghìn tấn. Trong đó, trà lúa xuân sớm chiếm khoảng 3% diện tích, trà xuân muộn chiếm 97% diện tích. Các giống chủ lực như: KD18, TBR225, BC15, VNR20, bắc thơm số 7, Đài thơm 8, TH8, BTE-1... Cơ cấu giống lúa chất lượng chủ yếu là TBR 225, BC15, Bắc thơm số 7, Đài thơm 8, lúa Nhật...

Tin, ảnh: Nguyễn Hưởng

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/410386/gia-gao-tang-manh-day-gia-cac-san-pham-my-bun-tang-theo.html