Gia hạn các mỏ đất đắp nền để thi công cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây

Ngày 30/5, UBND tỉnh Đồng Nai có văn bản cho phép nhà thầu tiếp tục khai thác các mỏ đất đắp để thi công tiếp đường gom dân sinh cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.

Theo đó, UBND tỉnh Đồng Nai thống nhất gia hạn thời gian thực hiện tối đa đến ngày 31/12/2023 hoặc đến khi hoàn thành công tác san lấp tại dự án này, tùy theo thời gian nào đến trước đối với 4 mỏ đất nông nghiệp kết hợp thu hồi vật liệu san lấp làm cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.

Theo báo cáo của chủ đầu tư, dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây tuyến chính đã hoàn thành đưa vào vận hành vào ngày 30/4. Tuy nhiên, các tuyến đường gom, đường ngang dân sinh, hệ thống thoát nước, cầu vượt đường cao tốc, nút giao quốc lộ 1 và quốc lộ 56 với đường cao tốc hiện chưa hoàn thành.

Việc chưa thực hiện các hạng mục này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và hoạt động đi lại của nhân dân trong khu vực, nhất là trong mùa mưa sắp tới.

Vì vậy, UBND tỉnh Đồng Nai tiếp tục gia hạn 4 mỏ đất đắp và yêu cầu Ban Quản lý dự án Thăng Long chỉ đạo các nhà thầu khẩn trương thi công các hạng mục này.

Nhiều vị trí đường gom, đường ngang dân sinh, hệ thống thoát nước trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây còn ngổn ngang.

Nhiều vị trí đường gom, đường ngang dân sinh, hệ thống thoát nước trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây còn ngổn ngang.

Đồng thời, yêu cầu 4 nhà thầu, gồm liên danh Vinaconex - Trung Chính, Công ty CP 66 Gia Khang, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Thời Việt, Công ty CP Xây lắp và Dịch vụ Thương mại Sài Gòn thực hiện nghiêm theo phương án đã được cho phép, cam kết bảo vệ môi trường.

Đặc biệt, phải đảm bảo mái dốc ta luy theo phương án được duyệt. Lưu ý khắc phục vách ta luy vị trí cải tạo tại xã Suối Cát mà địa phương đã ghi nhận thấy vách ta luy thẳng đứng không đúng với phương án được thẩm định và báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Liên danh nhà thầu Vinaconex - Trung Chính khẩn trương hoàn thổ lớp đất mặt tạo mặt bằng, trồng cây theo đúng phương án cải tạo tại vị trí xã Xuân Hưng, báo cáo kết quả thực hiện trong tháng 7/2023.

Ban Quản lý dự án Thăng Long làm việc với UBND huyện Xuân Lộc, UBND huyện Cẩm Mỹ và các nhà thầu khảo sát thực địa, xác định những vị trí đường gom, đường ngang dân sinh, hệ thống thoát nước cần thực hiện để phục vụ việc đi lại của người dân.

Trong đó, lưu ý thi công ngay các vị trí mố cầu vượt đường cao tốc, nút giao quốc lộ 1A và nút giao quốc lộ 56, bổ sung các biển báo tại những khu vực đang thi công.

Dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây dài 99km, nối Đồng Nai và Bình Thuận, khởi công tháng 9/2020 với tổng vốn đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng, quy mô 6 làn xe. Toàn bộ dự án được chia làm 4 gói thầu, trong đó đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai dài gần 52 km với 2 gói thầu XL03 và XL04, đoạn qua tỉnh Bình Thuận dài hơn 47 km với 2 gói thầu XL01 và XL02.

Điểm đầu cao tốc nằm trên đoạn tuyến nối từ quốc lộ 1A đi Mỹ Thạnh (tỉnh Bình Thuận) thuộc điểm cuối dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Điểm cuối giao với tuyến đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, đoạn thuộc huyện Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai).

Dự án được dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022 nhưng sau đó gia hạn đến 30/4/2023. Vào lúc 8h ngày 29/4, lễ khánh thành dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đã được tổ chức tại Km0+000, xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam.

Mạnh Thắng - Duy Quang

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/gia-han-cac-mo-dat-dap-nen-de-thi-cong-cao-toc-phan-thiet-dau-giay-post1538579.tpo