Gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, thúc đẩy thị trường ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước
Nhằm tháo gỡ khó khăn, góp phần thúc đẩy SXKD và tiêu thụ sản phẩm, giảm áp lực thuế cho doanh nghiệp (DN) sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trước những tác động hậu Covid-19, ngày 21/5/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 32 về gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước.
Nghị định 32 quy định gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế TTĐB phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế các tháng 6, 7, 8 và tháng 9/2022 đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước. Thời gian gia hạn kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế TTĐB theo quy định của pháp luật về quản lý thuế đến hết ngày 20/11/2022.
Thời hạn nộp thuế TTĐB phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế các tháng chậm nhất là ngày 20/11/2022. Nghị định có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành đến hết ngày 31/12/2022.
Để được gia hạn nộp thuế TTĐB, người nộp thuế thuộc đối tượng được gia hạn gửi Giấy đề nghị gia hạn thời hạn nộp thuế TTĐB một lần cho toàn bộ các kỳ được gia hạn bằng phương thức điện tử hoặc gửi bản giấy trực tiếp đến cơ quan thuế hoặc qua đường bưu chính cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp cùng với thời điểm nộp hồ sơ khai thuế TTĐB theo quy định pháp luật về quản lý thuế.
Để đảm bảo sự chặt chẽ, Chính phủ quy định, sau thời gian gia hạn theo Nghị định 32, việc nộp thuế thuế TTĐB đối với ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước được thực hiện theo quy định hiện hành. Đây là giải pháp cấp bách, được ban hành kịp thời khẳng định sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan nhằm tạo động lực quan trọng để các DN trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô có thêm nguồn tài chính đầu tư, duy trì ổn định và từng bước khôi phục SXKD, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
Khẩn trương đưa Nghị định 32 vào thực tiễn và triển khai theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, ngày 24/5/2022, Tổng cục Thuế ban hành Công điện số 06 gửi Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Vụ, đơn vị trực thuộc Tổng cục Thuế, yêu cầu kịp thời triển khai việc gia hạn thời hạn nộp thuế TTĐB đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho SXKD, hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19.
Song song với việc triển khai các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế về hỗ trợ, tháo gỡ DN chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ngành Thuế tỉnh đã và đang thực hiện đồng bộ các chính sách miễn, giảm, giãn thời hạn nộp thuế, tạo điều kiện thuận lợi để người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước.
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến đến các DN những chính sách thuế mới; nắm bắt, giải đáp kịp thời những vướng mắc cho người nộp thuế. Trong đó, ngành Thuế tỉnh đặc biệt quan tâm đến việc hướng dẫn, tuyên truyền kịp thời những chính sách thuế mới, tác động trực tiếp đến hoạt động SXKD của các DN trọng điểm, có số thu thuế lớn, đóng góp quan trong vào NSNN hàng năm của tỉnh. Điển hình là các DN có vốn đầu tư nước ngoài, như Honda Việt Nam; Toyota Việt Nam...
Với mục tiêu đóng góp cho sự ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam, Công ty ô tô Toyota Việt Nam luôn nỗ lực và từng bước nâng cao tỉ lệ nội địa hóa sản phẩm. Công ty đã phát triển sản xuất linh kiện phụ tùng ngay tại nhà máy với việc đầu tư xưởng dập thân vỏ xe đầu tiên của cả nước vào năm 2003, đưa Toyota Việt Nam trở thành nhà sản xuất đầu tiên trong ngành ô tô hoàn thiện cả 5 công đoạn (dập, hàn, sơn, lắp ráp, kiểm tra) ngay tại nhà máy.
Năm 2008, công ty tiếp tục đưa vào hoạt động xưởng sản xuất khung gầm với công suất 21.000 khung xe/năm. Sau hơn 25 năm, tổng vốn đầu tư của Toyota tại Việt Nam đạt xấp xỉ 250 triệu USD, sản lượng sản xuất cộng dồn đạt trên 624.000 xe, tổng doanh số bán hàng tích lũy đạt hơn 764.000 xe.
Với gần 80 đại lý, chi nhánh, trạm dịch vụ ủy quyền đặt tại 40 tỉnh, thành phố trên cả nước, đến nay, đã có hơn 14,5 triệu lượt khách hàng sử dụng dịch vụ của Toyota Việt Nam.
Hiện tại, Công ty ô tô Toyota Việt Nam là một trong những DN FDI có tỷ lệ nội địa hóa cao (khoảng 36%) và không ngừng tăng lên với tổng số hơn 720 sản phẩm, linh kiện các loại, như thân xe, khung gầm, ghế, ắc quy...
Bằng những nỗ lực đẩy mạnh sản xuất trong nước, góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô và ngành công nghiệp phụ trợ phát triển, nâng cao năng lực và tăng cường liên kết giữa DN hỗ trợ trong nước với các nhà lắp ráp ô tô, hiện nay, có 46 nhà cung cấp phụ tùng cho Toyota Việt Nam, trong đó có 6 nhà cung cấp là các DN trong nước.
Trước những tác động của đại dịch Covid-19, không chỉ hoạt động bán hàng, các nhà máy sản xuất ô tô của hầu hết các hãng xe đều bị ảnh hưởng vì thiếu chip, linh kiện lắp ráp do chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ kịp thời và tích cực thông qua những cơ chế, chính sách của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, nhất là những chính sách hỗ trợ về thuế đã góp phần quan trọng giúp các DN nói chung, Toyota Việt Nam nói riêng có điều kiện duy trì ổn định hoạt động SXKD.
Cùng với các Nghị định 109, 104 đã được Chính phủ ban hành trong năm 2020 và 2021 về gia hạn nộp thuế TTĐB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, Nghị định 32 của Chính phủ mới ban hành, được triển khai kịp thời là giải pháp tài chính hữu hiệu giúp cho các DN sản xuất và lắp ráp ô tô giảm bớt phần nào áp lực về thuế, chủ động kế hoạch sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, tăng doanh số bán hàng, từ đó thúc đẩy thị trường tiêu thụ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.