Giá hàng hóa nguyên liệu hồi phục mạnh
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), đóng cửa ngày giao dịch hôm qua (6/6), sắc xanh phủ kín bảng giá hàng hóa nguyên liệu thế giới. Hầu hết các mặt hàng đồng loạt tăng giá đã hỗ trợ chỉ số MXV-Index tăng mạnh 1,86% lên 2.315 điểm, cao nhất một tuần trở lại đây.
ECB cắt giảm lãi suất, giá dầu tiếp đà tăng
Chốt ngày 6/6, giá dầu nối dài đà tăng ngày thứ hai liên tiếp. Dầu WTI tăng 2% lên 75,55 USD/thùng. Dầu Brent tăng 1,86% lên 79,87 USD/thùng. MXV cho biết, giá dầu nhận hỗ trợ trong ngày hôm qua chủ yếu nhờ tâm lý lạc quan của thị trường về quyết định cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB).
Kết thúc cuộc họp kéo dài 2 ngày, ECB đã quyết định hạ lãi suất xuống 4,25% từ mức 4,5%, tương đương 25 điểm cơ bản, đánh dấu lần đầu tiên ngân hàng này cắt giảm lãi suất kể từ tháng 9/2019. Theo sau, Ngân hàng Trung ương Đan Mạch đã hạ lãi suất chuẩn 25 điểm cơ bản xuống 3,35%.
Điều này thúc đẩy tâm lý lạc quan của thị trường về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ có hành động tương tự vào khoảng tháng 9, nhằm tránh đưa nền kinh tế rơi vào suy thoái. Dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 của Khu vực đồng tiền chung Châu Âu cũng đã được nâng lên 0,9%, từ mức 0,6% trong dự báo trước đó. Triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu gắn liền với bài toán tăng trưởng, cũng được đánh giá tích cực hơn, qua đó hỗ trợ giá dầu tăng mạnh trong phiên.
Xét về cung cầu, mặc dù sau cuộc họp của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+), giá dầu đã lao dốc mạnh bởi kỳ vọng nguồn cung 2,2 triệu thùng/ngày từ việc cắt giảm sản lượng tự nguyện sẽ quay lại thị trường từ quý IV/2024 trở đi. Tuy nhiên, vào ngày hôm qua, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia cho biết OPEC+ có thể tạm dừng hoặc đảo ngược việc tăng sản lượng nếu thị trường di chuyển không đúng hướng.
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cũng cho biết nhóm có thể điều chỉnh thỏa thuận nếu cần thiết, đồng thời cho biết thêm việc giảm giá sau cuộc họp là do thị trường đang hiểu sai về thỏa thuận, và "các yếu tố đầu cơ". Nguy cơ OPEC+ đảo ngược quyết định, tiếp tục siết van bơm dầu vào cuối năm vẫn có thể xảy ra, đã thúc đẩy lực mua quay trở lại.
Ở một diễn biến đáng chú ý khác, một tàu buôn báo cáo rằng một vụ nổ đã xảy ra ở Biển Đỏ hôm thứ Năm, cách thành phố cảng Mokha của Yemen khoảng 19 hải lý về phía tây, phù hợp với mục tiêu của phiến quân Houthi ở Yemen, đặt thêm rủi ro địa chính trị cho thị trường dầu mỏ.
Giá kim loại tăng mạnh nhờ hỗ trợ kép từ vĩ mô và cung cầu
Kết thúc ngày giao dịch 6/6, sắc xanh chiếm trọn bảng giá kim loại. Đối với kim loại quý, giá bạc dẫn dắt đà tăng của nhóm khi bật tăng 4,3% lên 31,36 USD/ounce, đánh dấu ngày tăng mạnh nhất của giá bạc trong hơn một tuần. Giá bạch kim tăng 1,13% lên 1.011,6 USD/ounce.
Nhận tác động tương tự dầu thô, thị trường kim loại quý nhận được lực mua mạnh mẽ trong phiên hôm qua chủ yếu là nhờ kỳ vọng FED sẽ hạ lãi suất, ngay sau khi ECB lần đầu tiên cắt giảm lãi suất sau suốt thời gian dài duy trì ở mức cao.
Ngoài ra, dữ liệu hôm qua tiếp tục cho thấy thị trường việc làm của Mỹ suy yếu. Số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã tăng lên mức cao nhất trong một tháng. Trước đó vào thứ Ba, dữ liệu từ Bộ Lao động Mỹ cũng cho thấy cơ hội việc làm tại Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 3 năm. Do đó, giới phân tích nhận định, FED cần sớm cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay để giúp nền kinh tế tránh khỏi nguy cơ “hạ cánh cứng”.
Đối với kim loại cơ bản, các mặt hàng nguyên liệu đầu vào sản xuất công nghiệp cũng ghi nhận tín hiệu hồi phục mạnh nhờ hỗ trợ kép từ yếu tố vĩ mô và cung cầu. Đóng cửa, giá đồng COMEX tăng 1,56% giá quặng sắt phục hồi 1,74% lên 108,65 USD/tấn, chấm dứt chuỗi giảm 5 phiên liên tiếp.áp lực vĩ mô suy yếu cũng là yếu tố hỗ trợ cho giá đồng tiếp tục tăng trong phiên hôm qua.
Cơ quan Quản lý Năng lượng Quốc gia Trung Quốc cho biết Trung Quốc sẽ đẩy nhanh các dự án truyền tải điện, với mục tiêu hoàn thành 37 đường dây điện chính và bắt đầu xây dựng 33 đường dây khác vào cuối năm nay, nhằm theo kịp sự bùng nổ kỷ lục về năng lượng tái tạo.
Bên cạnh đó, kỳ vọng các nhà máy thép Trung Quốc sẽ tăng cường tích trữ nguyên liệu thô trước kỳ nghỉ lễ là nguyên nhân chính thúc đẩy lực mua quặng sắt trong phiên hôm qua.
Theo các nhà phân tích, các nhà sản xuất thép thường tăng cường dự trữ quặng sắt ở cảng trước Lễ hội Thuyền rồng, rơi vào ngày 8-10/6 năm nay. Dữ liệu từ Mysteel cũng cho thấy dự trữ quặng sắt tại các cảng lớn Trung Quốc đã tăng 35% so với cùng kỳ lên 1,17 triệu tấn vào thứ Tư (5/6).