Giá khí đốt tăng 'sốc', châu Âu sắp rơi vào khủng hoảng năng lượng mới?
Giá khí đốt châu Âu hợp đồng giao tháng 9 tăng gần 40% trong tuần này do tin tức về cuộc đình công tại các cơ sở khí hóa lỏng ở Australia.
Theo đài RT, giá khí đốt tự nhiên của Hà Lan nhảy vọt lên mức cao nhất kể từ giữa tháng 6/2023 trong phiên ngày 9/8 sau thông tin về cuộc đình công tại các nhà máy khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở Australia.
Cụ thể, giá khí đốt hợp đồng giao tháng 9 tại trung tâm giao dịch TTF ở Hà Lan trong ngày 9/8 đã nhảy vọt lên mức 47 USD/megawatt giờ, tăng gần 40% so với phiên trước đó. Giá khí đốt giảm nhẹ trong phiên ngày 10/8 xuống còn 41,6 USD/megawatt giờ.
Theo đài CNN, giá khí đốt tự nhiên tại Mỹ tháng này cũng tăng 18%.
Đài CNN đưa tin, giá khí đốt châu Âu biến động mạnh trong tuần này sau khi có tin Liên đoàn Offshore - tổ chức đại diện cho hai công đoàn tại Australia, chuẩn bị cho cuộc đình công tại các cơ sở khí hóa lỏng của Chevron ở đây.
"Liên đoàn Offshore đã thực hiện các bước hướng tới hành động đình công tại các địa điểm LNG Gorgon và Wheatstone của Chevron. Các yêu cầu của công đoàn bao gồm đảm bảo việc làm và đào tạo tốt hơn, đồng thời trả lương cao hơn" - Brad Gandy, người phát ngôn của liên đoàn, cho biết trong một tuyên bố.
Ngoài ra, các thành viên của công đoàn trên các giàn khoan khí đốt ngoài khơi ở khu vực Thềm Tây Bắc, thuộc sở hữu của tập đoàn Năng lượng Woodside, đã bỏ phiếu ủng hộ tuyệt đối các cuộc đình công, theo thông báo của Liên đoàn Offshore.
Giá khí đốt tăng đúng thời điểm châu Âu chuẩn bị cho mùa sưởi ấm. Mặc dù châu Âu đã lấp đầy gần 90% kho dự trữ khí đốt, vẫn có những lo ngại rằng tình trạng gián đoạn sản xuất khí đốt và nhu cầu mạnh mẽ ở châu Á có thể khiến nguồn cung khan hiếm.
Theo Tom Marzec-Manser, người đứng đầu bộ phận phân tích khí tại ICIS, nếu các cuộc đình công tại Australia tiếp tục, có tới 10% sản lượng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) toàn cầu có thể bị ngừng hoạt động.
“Mặc dù LNG của Australia hầu như không bao giờ được vận chuyển đến châu Âu, nhưng việc mất nguồn cung sẽ gây ra hiệu ứng domino” - ông Marzec-Manser nói với CNN, đồng thời lưu ý rằng những người mua châu Á thiếu hàng sẽ "hút" khí đốt khỏi châu Âu.
Theo nhà phân tích John Evans tại công ty PVM, mặc dù các quốc gia châu Âu như Đức đã ký hợp đồng khí đốt lớn với các nước khác, nhưng “vẫn có khả năng bị thiếu hụt nguồn cung và phải quay lại mua khí đốt hợp đồng giao ngay như đã thực hiện trong năm 2022.
Sau chiến sự Nga - Ukraine năm ngoái, châu Âu tức tốc tìm nguồn khí đốt mới thay thế nguồn cung của Moscow. Họ tăng cường nhập khí đốt tự nhiên Na Uy qua đường ống, đồng thời bổ sung LNG từ Mỹ và Qatar.
Thành công của châu Âu trong việc lấp đầy khoảng trống mà Nga để lại đã giúp hạ giá khí đốt tự nhiên xuống khỏi mức cao kỷ lục khoảng 300 euro (tương đương 328 USD) mỗi megawatt giờ vào tháng 8 năm ngoái.
Chuyên gia kinh tế hàng hóa Bill Weatherburn tại Capital Economics, cho biết nếu xuất khẩu LNG của Australia bị gián đoạn, người mua châu Á và châu Âu có thể rơi vào “cuộc chiến cạnh trạnh” khí đốt. Vị chuyên gia nói thêm: “Do phần lớn nguồn cung LNG dự phòng đến từ Mỹ nên giá khí đốt tự nhiên ở đó cũng tăng cao hơn".
Giá khí đốt tăng đột ngột sau đợt leo dốc mạnh của giá dầu do các nhà xuất khẩu lớn như Ả Rập Saudi và Nga giảm sản lượng. Giá dầu Brent đã tăng hơn 21% so với ngày 27/6 và đạt mức cao nhất kể từ tháng 11/2022.
Chuyên gia Weatherburn nhận định, giá khí đốt châu Âu tăng đột biến cho thấy khu vực này phụ thuộc như thế nào vào thị trường LNG toàn cầu trong bối cảnh EU gần như đã ngừng nhập khẩu khí đốt từ Nga.
Tuy nhiên, khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng khí đốt toàn diện dường như thấp hơn một năm trước. Theo chuyên gia Marzec-Manser, nhu cầu về khí đốt của châu Âu vẫn ở mức “thấp về mặt cấu trúc” và các cơ sở lưu trữ trong khu vực đặc biệt được dự trữ đầy đủ.
Bên cạnh đó, nguy cơ đình công tại Australia kéo dài “dường như tương đối thấp”. Massimo Di Odoardo - trưởng bộ phận phân tích khí đốt toàn cầu tại Wood Mackenzie, nói với CNN: “Các chính phủ ở châu Á, đặc biệt là Nhật Bản, và châu Âu sẽ gây áp lực lên Chính phủ Australia để giúp tạo điều kiện cho một giải pháp".