'Gia Lai-70 năm ân tình, gắn bó'
Đó là nhan đề tập sách thứ 6 vừa xuất bản của ông Ngô Thành-nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy. Cuốn sách tập hợp các bài báo, tham luận, ghi chép những câu chuyện được ông chắt chiu từ những tháng ngày gắn bó với mảnh đất Gia Lai.
Viết lời giới thiệu cho tập sách, ThS. Nguyễn Quang Tuệ-Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch) nêu nhận định: “Ở thế hệ của ông Ngô Thành, mỗi người có thể có một con đường khác nhau để đến với cách mạng. Nhưng điểm chung giữa họ là chất lý tưởng, sẵn sàng hy sinh cả cuộc đời cho điều mình đã chọn. Từ quê hương Tam Hiệp, Núi Thành, Quảng Nam anh hùng, ông đã đi suốt 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ của dân tộc. Mảnh đất mà ông đã gắn bó đến trọn đời chính là Gia Lai với biết bao thăng trầm lịch sử”.
Những thăng trầm ấy đều được ông Ngô Thành chắt lọc từ kinh nghiệm, ký ức rồi ghi chép lại trong cuốn sách qua các bài viết như: “Pleiku-Những ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9-1945”, “Chính sách di dân lập dinh điền của Mỹ-ngụy và phong trào đấu tranh chống chiếm đất của nhân dân tỉnh Gia Lai”, “Hiệp định Paris 1973, ý nghĩa to lớn trên chiến trường tỉnh Gia Lai”, “Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 ở Gia Lai”... Không chỉ điểm qua các dấu mốc lịch sử, tập sách còn thể hiện góc nhìn, sự bao quát của một vị lão thành cách mạng, nguyên là lãnh đạo tỉnh về tình hình phát triển kinh tế-xã hội tỉnh nhà cùng những điều được và chưa được qua các bài viết “Gia Lai ngày ấy… bây giờ”, “Những đổi thay sau 42 năm giải phóng”, “Cảm nhận về tình hình trong tỉnh năm 2018” hay “Ký ức qua 70 năm sống trên mảnh đất Gia Lai (1951-2020)”… Một nội dung cũng khá đặc biệt được ông thể hiện trong cuốn sách này là những hồi ức sinh động, quý giá về các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh như Trần Văn Bình, Lê Phi Hùng hay những trang viết về chính cuộc đời ông.
Sau khi về hưu, ông Ngô Thành vẫn miệt mài làm việc, theo dõi sát sao tình hình phát triển của tỉnh nhà. Và ghi chép là một thói quen được ông duy trì hàng ngày. Trước tập sách “Gia Lai-70 năm ân tình, gắn bó”, ông đã có 5 tập sách in riêng gồm: “Sống trong lòng dân Tây Nguyên” (hồi ký, năm 2005), “Hương rừng” (thơ, 2008), “Ngược dòng ký ức” (hồi ký, 2011), “Ráng đỏ hoàng hôn” (thơ, 2014), “Cuộc đời và năm tháng” (ghi chép, 2017). Tập sách thứ 6 ra mắt đúng vào dịp tỉnh nhà kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng (17-3) được ông xem như một món quà dành tặng vùng đất mà ông đã gắn bó gần trọn cuộc đời. Người cán bộ lão thành tâm sự: “Trong quá trình phát triển của tỉnh nhà có rất nhiều sự kiện diễn ra. Là một trong những người được tham gia vào trong quá trình đó và cùng với Đảng bộ tỉnh triển khai thực hiện đường lối, chính sách trong kháng chiến chống Pháp, Mỹ, xây dựng chủ nghĩa xã hội, tôi thấy mình cần phải ghi chép lại. Tôi viết trước hết để tự nhìn nhận lại mình trong những năm tháng qua đã làm được gì, chưa làm được gì. Tiếp đến là để nhắc nhở mình không quên chặng đường đã qua để lúc nào cũng phải phấn đấu trước mọi nhiệm vụ. Qua các trang viết, tôi cũng mong muốn thế hệ sau, thế hệ con cháu hiểu được những khó khăn, gian khổ của cha anh trong kháng chiến cũng như trong xây dựng, kiến thiết đất nước, từ đó phát huy hơn nữa truyền thống tốt đẹp, đoàn kết, kiên trung của dân tộc”.
Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/8213/202003/gia-lai-70-nam-an-tinh-gan-bo-5674474/