Gia Lai: Bảo tồn và phát huy giá trị của nghi lễ cầu mưa

Lễ cúng cầu mưa Yang Pơtao Apui ở huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2015. Nhằm lưu giữ và bảo tồn nét đẹp văn hóa này, hàng năm chính quyền địa phương đã tổ chức lễ cúng nguyên bản theo phong tục của người Jrai.

 Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng cầu mưa trên đỉnh núi Chư Tao Yang, thuộc khu Di tích lịch sử cấp quốc gia Plei Ơi.

Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng cầu mưa trên đỉnh núi Chư Tao Yang, thuộc khu Di tích lịch sử cấp quốc gia Plei Ơi.

Lễ cúng cầu mưa là hoạt động văn hóa tín ngưỡng hết sức độc đáo, mang bản sắc đặc trưng của người Jrai ở Gia Lai nói chung và tại huyện Phú Thiện nói riêng. Lễ hội được bảo tồn, phát huy nguyên vẹn giá trị truyền thống, góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hóa lễ hội của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Theo đó, hàng năm cứ vào khoảng cuối tháng 4, đầu tháng 5 dương lịch, người Jrai ở huyện Phú Thiện lại rộn ràng tổ chức lễ cúng cầu mưa với mong muốn quanh năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Nghi lễ được tổ chức trang trọng tại Di tích lịch sử cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện).

Lễ cúng cầu mưa không chỉ là lễ nghi nông nghiệp đơn thuần mà đã trở thành một phong tục, một hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng độc đáo của đồng bào Jrai tại huyện Phú Thiện. Những năm gần đây, nghi lễ này càng được chính quyền địa phương đặc biệt chú trọng, tổ chức quy mô hoành tráng hơn.

Theo phong tục truyền thống, trước khi diễn ra lễ chính, người dân sẽ cử hành ba nghi lễ nhỏ gồm: Cúng xua đuổi tà ma, dịch gia cầm quanh làng; cúng bến nước tại sông A Yun (Phú Thiện) và cúng làng. Vào ngày tổ chức lễ cầu mưa, phụ nữ sẽ có nhiệm vụ nấu nướng; thanh niên trong làng đi chặt tre nứa, lồ ô, đi suối mò ốc, bắt cá, phụ giúp già làng những công việc nặng cho lễ cúng của làng.

Vào ngày tổ chức lễ chính, người dân trong làng sẽ tụ hội tại nhà của thầy cúng và nơi tiến hành nghi lễ cầu mưa. Ðể chuẩn bị cho lễ hội cầu mưa, dân làng phải chuẩn bị đầy đủ các lễ vật gồm: Một ghè rượu, nến, gạo, muối và thịt được bày trang trọng trên một phên tre.

Khi đã dâng lễ vật đầy đủ và thời gian đã điểm, thầy cúng sẽ lạy 3 lạy để chào thần linh và rót nước vào ghè rượu bằng tay phải. Vừa khấn, thầy cúng vừa lấy gạo trong tô vãi ra chiếu cúng để mời thần Núi, thần Sông, thần Gỗ, thần Đá cùng về dự lễ hội. Sau đó lấy thịt ném 3 lần về phía trước để mời các Yàng (trời) ăn uống.

Theo già Siu Phơ (Phú Thiện, Gia Lai) cho biết: "Cầu mong Yàng cho mưa thuận, gió hòa, bà con trong làng đoàn kết cùng bảo nhau làm ăn. Con cháu trong làng không nghe lời kẻ xấu xúi giục. Mọi người ai cũng được hưởng phúc của Giàng để sau này cùng sinh được con trai, con gái khỏe mạnh".

Các nghệ nhân tham gia biểu diễn cồng chiêng tại Lễ cúng cầu mưa.

Các nghệ nhân tham gia biểu diễn cồng chiêng tại Lễ cúng cầu mưa.

Sau khi nghi lễ cúng kết thúc, tiếng chiêng, tiếng trống lại vang lên với tiết tấu nhanh, mạnh mẽ và rộn ràng. Mọi người trong làng quây quần bên nhau cùng ăn, uống rượu cần, giao lưu văn nghệ… Những cô gái Jrai bên điệu múa xoang đầy uyển chuyển hòa theo nhịp chiêng của các chàng trai cùng làng.

Có thể nói, ngoài những giá trị về mặt tâm linh trong việc đẩy lùi hạn hán, giúp vụ mùa bội thu, lễ cúng cầu mưa còn giúp người dân Jrai tăng sự đoàn kết, nhất trí khi đưa ra những quyết định quan trọng liên quan đến cộng đồng, góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hóa lễ hội của 54 dân tộc Việt Nam.

Với những giá trị đặc sắc, lễ cúng cầu mưa của Yang Pơtao Apui được Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 1877/QĐ-BVHTTDL ngày 8/6/2015. Ðây là một tín hiệu đáng mừng cho công tác bảo tồn, kế thừa và phát huy giá trị của những lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Jrai tại Gia Lai nói riêng và đồng bào các dân tộc trên đất nước Việt Nam nói chung.

Lồng ghép với lễ cầu mưa, hàng năm UBND huyện Phú Thiện còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa và thể thao đặc sắc của các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện như: Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số huyện lần thứ XIV năm 2023, diễn tấu cồng chiêng, đan lát, dệt thổ cẩm, trò chơi dân gian… Theo đó, trong khuôn khổ của ngày hội, các nghệ nhân đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Phú Thiện sẽ trình diễn đan gùi, dệt thổ cẩm, tạc tượng gỗ, chế tác nhạc cụ dân tộc…

Các nghệ nhân đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Phú Thiện thi dệt thổ cẩm tại lễ hội.

Các nghệ nhân đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Phú Thiện thi dệt thổ cẩm tại lễ hội.

Các du khách đến với lễ hội sẽ được tìm hiểu các nghi lễ truyền thống, các hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc sắc; xem các nghệ nhân biểu diễn cồng chiêng, tạc tượng nhà mồ, đắm chìm vào những điệu múa xoang uyển chuyển… Ngoài các hoạt động chính được tổ chức tại khu Di tích Plei Ơi, du khách có thể tham gia tour du lịch kết nối tại các địa phương trong huyện như hồ Ayun Hạ, chùa Quang Sơn (xã Ayun Hạ), làng Plei Rbai (xã Ia Piar) và hồ sen Ktoang (xã Ia Yeng).

Ông Nguyễn Ngọc Ngô, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện (Gia Lai) cho biết: "Lễ cúng cầu mưa là dịp để địa phương quảng bá nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS tại huyện Phú Thiện, đồng thời giới thiệu các danh lam thắng cảnh, sản vật địa phương với du khách gần xa. Bên cạnh đó, UBND huyện cũng muốn khơi dậy tình yêu, sự gắn kết trong cộng đồng, truyền cho các con cháu những nét đẹp văn hóa do ông cha lưu giữ bao năm nay".

Gia Hân

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/gia-lai-bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-cua-nghi-le-cau-mua-20241217221117722.htm