Gia Lai: Chuyện về cô giáo trẻ và hành trình gieo chữ ở vùng cao
Cô giáo Lê Thị Ngọc Linh (29 tuổi) mang đam mê, nhiệt huyết của tuổi trẻ để bám các điểm trường, mang con chữ đến từng học sinh dân tộc thiểu số ở Gia Lai.
Gần 8 năm đứng trên bục giảng, cô giáo Lê Thị Ngọc Linh - Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Lê Văn Tám (xã Đăk Pơ Pho, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) luôn cần mẫn, tận tụy gieo mầm tri thức, trao yêu thương cho học trò. Cô hiểu các em học sinh dân tộc thiểu số gặp khó khi nói và nghe tiếng phổ thông. Cô đau đáu với những trăn trở làm thế nào để mang đến những kiến thức, kỹ năng sống tốt nhất cho các em học sinh vùng khó khăn.
Vận động học sinh đi “tìm con chữ”
Những ngày cuối tháng 11/2024, chúng tôi vượt hơn 100km từ TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đến với điểm trường làng Trong thuộc Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Lê Văn Tám (xã Đăk Pơ Pho, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai).
Tiếp xúc với cô Linh, nhìn nét cười, sự thân thiện của cô, ít ai nghĩ hành trình 8 năm gieo chữ nơi vùng cao này của cô lại chất chứa nhiều ký ức vất vả, gian khó đến vậy. Thời điểm nhận quyết định về công tác tại xã Đăk Pơ Pho, cô Linh chẳng nghĩ đến điều gì ngoài khát khao được ươm những mầm xanh nơi vùng đồng bào dân tộc ít người, nơi mà con chữ vẫn còn là thứ khá xa lạ đối với nhiều người dân.
Cô Linh cho biết, năm 2016 cô tốt nghiệp ngành Giáo dục tiểu học (Trường Đại học Quy Nhơn, tỉnh Bình Định). Sau khi ra trường, cô xin dạy hợp đồng ở Trường Tiểu học Anh Hùng Núp (nay là Trường Tiểu học và Trung học cơ sở An Trung, huyện Kông Chro). Sau đó, cô thi tuyển viên chức và được phân công về công tác tại Trường Tiểu học và Trung học cơ Lê Văn Tám từ năm 2017 đến nay.
Xã Đăk Pơ Pho là xã vùng khó của huyện Kông Chro. Đời sống bà con ở đây vô cùng khó khăn, quanh năm gắn bó với nương rẫy nên họ chưa dành nhiều sự quan tâm cho việc học của con em mình. Chính vì vậy, đối với các thầy cô giáo ở đây, bên cạnh công việc chuyên môn thì họ cùng có thêm nhiệm vụ là đi gõ cửa từng nhà để tìm, thuyết phục những học sinh nghỉ học đến trường.
Suốt những năm trong nghề, cô Linh không thể nhớ hết những ngày cùng đồng nghiệp lặn lội đến các làng, xã để tuyên truyền, vận động học sinh không bỏ học giữa chừng. Rồi không ít câu chuyện rơi nước mắt của học trò nghèo với khát khao học lấy con chữ để đổi thay phận đời.
Cô Linh cho biết, mỗi ngày, đồng hồ điểm đúng 6 giờ, cô Linh đã có mặt ở điểm trường làng Trong để dọn vệ sinh lớp và đón học sinh. Khi gần đến giờ vào lớp mà thấy sĩ số còn thiếu, cô Linh liền đến tận gia đình tìm hiểu tình hình rồi chở học sinh đến trường thay phụ huynh.
Lớp do cô Linh quản lý là lớp ghép, có 22 học sinh (trong đó có 13 em lớp 1, 9 em lớp 2). Theo cô Linh, là lớp ghép nên các em khác nhau về độ tuổi và nhận thức, việc giảng dạy cũng vì thế mà khó khăn hơn bình thường. Để một lúc có thể đảm bảo dạy đủ kiến thức cho 2 nhóm tuổi khác nhau, trước khi lên lớp, cô đều phải chuẩn bị đầy đủ 2 giáo án và bố trí thời gian giảng bài sao cho phù hợp.
Trong quá trình dạy học, cô Linh khéo léo lồng ghép những câu chuyện, hình ảnh quen thuộc trong đời sống hàng ngày của các em vào bài giảng để gợi mở, liên hệ thực tế, giúp học sinh tiếp thu kiến thức tốt hơn. Cô cũng tận dụng những chai nhựa, bìa giấy carton, giấy màu,... để làm đồ dùng, đồ chơi phục vụ công tác dạy và học.
"Thời gian đầu mình không tránh khỏi những khó khăn khi phải dạy 2 lớp cùng một lúc. Trong khi đó, hành trang lớp 1 và lớp 2 rất quan trọng, vì đây là khối lớp cần nắm chắc kiến thức nền để từ đó mới tiếp tục học lên cao hơn. Chưa kể, các em học sinh là người Banah nên tiếp thu kiến thức sẽ chậm hơn một chút. Song, sau tất cả, mình nghĩ chính sự kiên trì, bám lớp mà dần dà từng khó khăn, vất vả cũng được tháo gỡ, lớp học rồi cũng đi vào nền nếp" - cô Linh chia sẻ.
Ngoài ra, cô Linh còn chuẩn bị sẵn tập vở, đồ dùng học tập cũng như sữa, bánh kẹo để làm phần thưởng cho những bạn đạt điểm cao, hăng say phát biểu trong các buổi học. Cũng nhờ vậy mà các em học sinh có thêm động lực để cố gắng trong học tập, khả năng tiếp thu kiến thức ngày một tiến bộ hơn.
Khi được hỏi về cô Linh, em Đinh Ngim (lớp 1) thỏ thẻ: “Cô Linh rất hiền và cô rất thương chúng em. Em rất thích đi học vì cô cho em quần áo ấm và đồ ăn ngon”. Còn em Đinh Thị Thang (lớp 2) cho biết: "Em rất thích cô Linh vì cô chỉ dạy cho chúng em rất nhiều điều tốt. Cô thường hỏi hôm nay tụi em có chuyện gì vui hay buồn, cô nói chuyện, buộc tóc cho em, cô còn hát cho tụi em nghe nữa. Em sẽ cố gắng học tập để không phụ lòng cô".
Lớp học cả ngày vào thứ ba và thứ năm hàng tuần. Có những em học buổi sáng còn buổi chiều lại nghỉ khiến tỷ lệ chuyên cần không đảm bảo. Để vận động các em đi học, cô Linh đến từng nhà, gặp từng phụ huynh để thôi thúc con em đi học đầy đủ. Chính sự nhiệt huyết, tận tâm đó mà cô Linh được rất nhiều phụ huynh quý mến. Chưa kể, mỗi khi làng có việc, cô Linh đều nhiệt tình tham gia, phụ giúp nên được người dân ủng hộ, tin tưởng. "Cô Linh tốt bụng lắm, ân cần, nhẹ nhàng chỉ bảo con mình học tập. Cô giáo thương học trò, nhiệt tình chỉ dạy nên mình vận động bà con trong làng cho con em đi học đúng giờ, chuyên cần, tiếp thu kiến thức để sau này lớn lên có cuộc sống tốt hơn" - chị Đinh Thị Ngit chia sẻ.
Thương học sinh hơn chính mình
Trước khi đến dạy ở điểm trường làng Trong, năm học 2022-2023 và 2023-2024, cô Linh được phân công dạy học ở điểm trường làng Dyrao. Một tuần có 3 buổi học cả ngày, vì sợ học trò nghỉ học, cô Linh đã tổ chức các bữa ăn bán trú. Ròng rã suốt 2 năm, cô Linh dậy sớm, ra chợ mua và sơ chế món ăn từ tối hôm trước để 4 giờ sáng hôm sau trở dậy nấu nướng cho kịp giờ đến lớp. Cũng vì thế mà hành trang tới lớp của cô Linh không chỉ là những trang giáo án mà còn là hộp đựng chén bát, đồ ăn cho học sinh. Nhờ đó, tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần của lớp được duy trì và nâng cao.
Chia sẻ về việc làm ý nghĩa này, cô Linh cho biết, ban đầu là do cô tự bỏ tiền túi để lo bữa ăn cho học sinh. Sau đó, khi các mạnh thường quân biết tới việc làm này, đã có nhiều người mong muốn được ủng hộ. Các mạnh thường quân đã duy trì việc ủng hộ hơn 1,5 triệu đồng/tháng để cô Linh nấu cơm trưa cho học trò. "Học trò đang tuổi phát triển, dù là suất ăn miễn phí nhưng tôi cố gắng đảm bảo chất dinh dưỡng để các con ăn ngon miệng, có sức học tập. Nhìn thấy bữa cơm trưa có cá, thịt, canh, học sinh vui, dùng bữa ngon lành, mình xúc động lắm" - cô Linh chia sẻ.
Còn hiện tại, tại điểm trường làng Trong, thương học trò nghèo, cô Linh thường xuyên vận động các tấm lòng hảo tâm ủng hộ từng thùng mì tôm để giúp đỡ học sinh. Có khi cô Linh nấu mì tôm cho các em ăn tại điểm trường, có khi các em mang mì tôm về nhà nấu ăn. "Tiếng lành đồn xa", những việc tốt của cô Linh được nhiều người biết tới và thường xuyên ủng hộ thêm những phần quà như: quần áo cũ, sách giáo khoa, ba lô, sách vở, dụng cụ học tập, sữa và nhu yếu phẩm. Cô Linh còn kết nối với các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí, nhu yếu phẩm cho học sinh mồ côi, ốm đau và có hoàn cảnh khó khăn.
Vượt qua những khó khăn, các cô giáo vùng cao đều đạt những thành tích đáng ghi nhận. Ngày 14 và 15/11/2024 vừa qua, tại chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024 do Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long tổ chức tại Hà Nội, cô Linh là 1 trong 60 giáo viên tiêu biểu của toàn quốc được tuyên dương. Cô Linh được nhận bằng khen của Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo; biểu trưng của chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” và sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng.
Nhìn lại hành trình gieo chữ nơi vùng khó, cô Linh tâm sự: "Bản thân tôi rất thương trẻ em vùng sâu, nên khi được về công tác đúng nơi yêu thích đã tạo động lực giúp tôi vượt qua tất cả gian khó ấy. Càng khó khăn thì tôi càng muốn chinh phục. Các em học sinh nơi đây rất ngoan, hồn nhiên, ngây thơ, bà con dân làng thì dù thiếu thốn cả cái ăn, cái mặc nhưng lại rất thân thiện, gần gũi. Thỉnh thoảng vẫn có học sinh nghỉ học, nhưng được bà con tin tưởng, việc vận động học sinh đến lớp với tôi đã dễ dàng hơn trước. Tôi vui vì nhìn thấy sự chăm chỉ của học sinh và được phụ huynh tin cậy".
Thầy Nguyễn Khắc Cảnh - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Lê Văn Tám cho biết: Những năm học qua, cô Lê Thị Ngọc Linh đều xung phong đảm nhận nhiệm vụ công tác tại các điểm trường làng và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Việc cô được tuyên dương và nhận bằng khen của Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo là niềm vinh dự, tự hào không chỉ của cá nhân cô mà còn với cả tập thể sư phạm nhà trường. Tin tưởng rằng, cô Linh tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ gieo mầm tri thức cho các thế hệ học trò ở vùng khó.