Sóc Trăng: Hiệu quả chính sách giáo dục vùng dân tộc thiểu số
Sóc Trăng là địa phương có đông đồng bào dân tộc sinh sống, trong đó, đồng bào Khmer chiếm hơn 30% dân số toàn tỉnh. Những năm qua, chính quyền tỉnh Sóc Trăng đã ban hành nhiều chính sách, cụ thể hóa bằng nhiều chương trình, hành động cụ thể, thiết thực để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Trong đó, địa phương đặc biệt quan tâm chăm lo giáo dục, coi đây là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.
Thư viện Trường Tiểu học Lạc Hòa 1, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Không gian đọc sách tiện nghi này có tên gọi “thư viện thân thiện”… với hàng trăm đầu sách, báo, tạp chí… cả tiếng Việt lẫn tiếng Khmer. Trong đó, có cả bộ sách giáo khoa được biên soạn riêng bằng tiếng Khmer.
Biết và sử dụng thường xuyên tiếng nói, chữ viết của dân tộc là yếu tố quan trọng giúp những học sinh này hiểu và trân trọng bề dày văn hóa của đồng bào Khmer. Đi cùng việc nâng cao cơ sở vật chất, thiết bị dạy học thì địa phương cũng triển khai nhiều chính sách với đối tượng con em đồng bào DTTS.
Trong số 108 xã, phường, thị trấn của Sóc Trăng thì có 62 đơn vị hành chính thuộc vùng DTTS. Nhờ thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách của Đảng, Nhà nước cùng sự quan tâm, chăm lo của địa phương, giáo dục vùng DTTS ở tỉnh Sóc Trăng đã có những chuyển biến tích cực, nhất là chất lượng dạy và học được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đến trường cao, cơ bản khắc phục được tình trạng học sinh người DTTS bỏ học.
Có thể thấy, dù còn nhiều khó khăn, Sóc Trăng vẫn dành nhiều nguồn lực của địa phương và Trung ương để tập trung phát triển vùng DTTS, bởi, đồng bào DTTS nói chung là bộ phận không tách rời, góp phần làm đa dạng đời sống văn hóa bản địa, tạo nên nét đặc trưng riêng của Sóc Trăng.
Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!