Gia Lai mở lại cà phê doanh nhân: Hi vọng kết nối không đứt gẫy
Mô hình Cà phê doanh nhân được tỉnh Gia Lai tổ chức với kỳ vọng sẽ là một kênh kết nối giúp chính quyền và doanh nghiệp xích lại gần nhau hơn.
Mặc dù mô hình Cà phê doanh nhân không phải mô hình mới và đã được nhiều tỉnh, thành tổ chức, trong đó tỉnh Gia Lai cũng đã từng tổ chức mô hình này với mục đích giúp doanh nhân có điều kiện gặp gỡ, trao đổi, đề xuất ý tưởng và kiến nghị với lãnh đạo địa phương. Tuy nhiên, mô hình Cà phê doanh nhân đã bị tạm ngừng trong một thời gian dài và mới đây, vào đầu tháng 3/2025, mô hình này đã được đưa vào hoạt động trở lại.
Đây được xem là cách làm hay nhằm thúc đẩy sự gắn kết giữa chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp; góp phần chủ động tháo gỡ khó khăn, tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi hơn tại tỉnh Gia Lai. Trong không gian cà phê thân thiện, cởi mở, các doanh nhân và đại diện cơ quan quản lý Nhà nước thoải mái trao đổi về các vấn đề liên quan.
Kênh kết nối chính quyền và doanh nghiệp
Hơn nửa tháng nay, đều đặn sáng thứ 5 hàng tuần, từ 7 giờ đến 8 giờ tại nhà tiếp khách nội bộ UBND tỉnh Gia Lai lại diễn ra các buổi Cà phê doanh nhân. Đây là nơi gặp gỡ, chia sẻ để chính quyền, cơ quan quản lý, sở ngành chuyên môn và doanh nghiệp hiểu nhau hơn, xử lý công việc nhanh, tốt hơn.
Các buổi cà phê đều có mặt của lãnh đạo Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Gia Lai, các sở, ngành. Trong các buổi gặp gỡ này, lãnh đạo tỉnh sẽ trực tiếp lắng nghe, tiếp thu ý kiến và chỉ đạo xử lý ngay những kiến nghị chính đáng của doanh nghiệp.
Trong buổi Cà phê doanh nhân, đại diện các doanh nghiệp đã gặp gỡ, trao đổi với các lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành về những vấn đề liên quan đến thực hiện thủ tục hành chính, hoạt động kinh doanh,...

Tại nhà tiếp khách nội bộ UBND tỉnh Gia Lai lại diễn ra các buổi Cà phê doanh nhân
Ông Lưu Quốc Thạnh - Tổng giám đốc Công ty TNHH Quicornac (Khu công nghiệp Trà Đa, TP. Pleiku) - chia sẻ: “Khu công nghiệp Trà Đa hiện có nhiều doanh nghiệp hoạt động liên quan đến sản xuất thực phẩm. Những ngành này đòi hỏi các tiêu chuẩn rất cao về chất lượng sản phẩm cũng như bảo đảm vấn đề môi trường. Trong khi đó, khu công nghiệp lại nằm gần nghĩa trang Trà Đa, và tại đây đang có dự án về lò hỏa táng. Nếu dự án này triển khai, những doanh nghiệp như chúng tôi rất khó hoạt động, vì sẽ khó đảm bảo được vấn đề môi trường. Vì vậy, chúng tôi đề nghị UBND tỉnh xem xét chỉ đạo dời dự án này sang địa điểm khác”.
Còn ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hoa Trang (phường Trà Bá, TP. Pleiku) bày tỏ những kiến nghị liên quan đến vấn đề phòng cháy chữa cháy tại các cơ sở sản xuất trên địa bàn.
Theo ông Thành, nhiều cơ sở sản xuất mặc dù đã đầu tư hệ thống phòng cháy chữa cháy bài bản với hệ thống báo cháy tự động, máy bơm nước chữa cháy hay bình chữa cháy chuyên dùng, song vẫn phải đảm bảo thêm yêu cầu nữa là lắp đặt thêm hệ thống chữa cháy tự động. Trong khi đó, các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh chủ yếu quy mô vừa và nhỏ, nếu lắp đặt thêm hệ thống này, chi phí đội lên cả tỷ đồng, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
"Việc thực hiện các quy định mới về phòng cháy chữa cháy dẫn đến chi phí quá cao gây khó khăn về tài chính cho các doanh nghiệp, nhất là trang bị hệ thống phòng cháy chữa cháy tự động tại các cơ sở sản xuất. Tôi mong muốn cơ quan chức năng quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy vừa đúng quy định, vừa phù hợp tình hình thực tế tại các nhà máy của các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thuận lợi hoạt động" - ông Thành bày tỏ.

Đại diện các doanh nghiệp trình bày ý kiến, kiến nghị tại buổi Cà phê doanh nhân
Các doanh nghiệp cũng bày tỏ nhiều kiến nghị liên quan tới môi trường đầu tư. Đại diện Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi cho biết, công ty đang đề xuất dự án đầu tư mở rộng nâng công suất Nhà máy đường An Khê lên 25.000 tấn mía/ngày (dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 1.169 tỷ đồng). Công ty cũng đang lập dự án đầu tư nâng công suất Nhà máy điện sinh khối An Khê lên 135 MW, tăng 40 MW so với hiện nay (dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 846 tỷ đồng); đồng thời lập dự án đầu tư Nhà máy điện sinh khối-Ethanol An Khê (dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 1.741 tỷ đồng).
"Chúng tôi mong muốn UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành hỗ trợ, tạo điều kiện cho công ty thực hiện các thủ tục đầu tư được kịp thời; đáp ứng nhu cầu thu hoạch mía theo mùa vụ của bà con nông dân trồng mía trên địa bàn" - đại diện Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi nói.
Sát cánh cùng doanh nghiệp
Hiện nay, Gia Lai hiện có hơn 10.000 doanh nghiệp. Hàng năm, cộng đồng doanh nghiệp đóng góp khoảng 40-45% tổng thu ngân sách nhà nước của tỉnh, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động.
Trước sự chuyển động nhanh chóng của kinh tế trong nước về phương pháp quản lý, quản trị và quy mô kinh doanh cùng những thách thức đang đặt ra, đòi hỏi các doanh nghiệp cần tìm được cách tiếp cận mới, toàn diện và linh hoạt hơn trong hợp tác liên kết hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh việc được tháo gỡ các khó khăn, mô hình Cà phê doanh nhân còn là một trong những cơ hội giúp doanh nghiệp được kết nối, gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với nhau.

Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Rah Lan Chung chia sẻ tại buổi Cà phê doanh nhân
Anh Nguyễn Long (chủ một doanh nghiệp kinh doanh thiết bị nhà ở tại TP. Pleiku) bày tỏ: "Hiện tại, có nhiều kênh để có thể kết nối với doanh nghiệp thuận tiện và nhanh chóng, nhất là qua mạng xã hội. Tuy nhiên tại mô hình Cà phê doanh nhân, chúng tôi sẽ có cơ hội được trực tiếp giải quyết các vấn đề đang quan tâm. Tôi đã đăng ký tham gia trong các đợt tới, hy vọng cuộc gặp gỡ sẽ cởi mở, gần gũi hơn khi chia sẻ vấn đề, từ đó lãnh đạo tỉnh có thể có thêm góc nhìn đa chiều để áp dụng trong công tác quản lý cũng như đưa ra các quyết sách trong thời gian tới".
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Rah Lan Chung cho biết: Với phương châm lắng nghe, hiểu doanh nhân, doanh nghiệp để đồng hành, chia sẻ, hỗ trợ doanh nhân doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn mà các doanh nhân, doanh nghiệp đang gặp phải, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch, triển khai thí điểm mô hình Cà phê doanh nhân trong khuôn viên trụ sở UBND tỉnh.
Mong muốn qua mô hình này, các doanh nhân, doanh nghiệp sẽ tiếp tục hiến kế, đóng góp các ý tưởng mới để xây dựng tỉnh Gia Lai ngày càng phát triển, tạo môi trường thực sự hài hòa giữa chính quyền và doanh nghiệp. Qua đó, góp phần xây dựng và duy trì môi trường đầu tư lành mạnh, thân thiện, thuận lợi để phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Mô hình “Cà phê doanh nhân” sẽ được UBND tỉnh sơ kết, đánh giá vào cuối tháng 6/2025
Về những kiến nghị của các doanh nghiệp trong các buổi Cà phê doanh nhân, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Rah Lan Chung cho biết sẽ ghi nhận và chỉ đạo các sở, ngành có liên quan nghiên cứu đề ra hướng xử lý trong thời gian tới.
"Tôi mong qua các buổi Cà phê doanh nhân được tổ chức mỗi sáng thứ năm hàng tuần, lãnh đạo UBND tỉnh sẽ tiếp tục được lắng nghe các kiến nghị, đề xuất cũng như hiến kế từ các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Các buổi gặp mặt đều có lãnh đạo và công chức các sở, ngành, các phòng chuyên môn để cùng lãnh đạo UBND tỉnh tại buổi tiếp xúc, đối thoại theo lĩnh vực phụ trách khi có yêu cầu. Qua đó theo dõi, hỗ trợ xử lý kịp thời những vấn đề người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư cần theo từng lĩnh vực phụ trách" - Chủ tịch UBND tỉnh Rah Lan Chung chia sẻ.
Theo UBND tỉnh Gia Lai, mô hình “Cà phê doanh nhân” sẽ được UBND tỉnh sơ kết, đánh giá vào cuối tháng 6/2025. Các doanh nghiệp có nhu cầu tham gia “Cà phê doanh nhân” có thể đăng ký trực tiếp với Giám đốc Sở Tài chính hoặc Chánh Văn phòng UBND tỉnh.