Gia Lai siết chặt quản lý bếp ăn bán trú trường học
Trước sự việc hàng trăm học sinh của Trường iSchool Nha Trang phải nhập viện do ngộ độc thực phẩm vào ngày 17-11, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Gia Lai chỉ đạo các trường học có tổ chức bán trú siết chặt quản lý công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Lê Văn Tám (xã Krong, huyện Kbang) hiện có 17 lớp với 498 học sinh; trong đó có 196 em từ lớp 1 đến lớp 5 được hỗ trợ ăn ở bán trú. “Để phục vụ bữa ăn cho học sinh, nhà trường đã chỉ đạo Tổ cấp dưỡng dựa vào thực đơn để chọn mua thực phẩm theo ngày tại các cơ sở cung ứng an toàn, uy tín ở thị trấn Kbang. Tất cả được chế biến và sử dụng hết trong ngày. Thức ăn được lưu mẫu theo quy định. Riêng nước uống, năm 2021, nhà trường được đầu tư hệ thống lọc nước nên khá đảm bảo”-Hiệu trưởng Hoàng Văn Ngọc cho hay.
Cũng theo thầy Ngọc, nhà trường thường xuyên quán triệt đội ngũ cấp dưỡng trong quá trình mua thực phẩm và chế biến thức ăn phải tuyệt đối đảm bảo an toàn vệ sinh; đồng thời, giao trách nhiệm cho một phó hiệu trưởng quản lý và kiểm soát chặt chẽ vấn đề này. Đối với những học sinh không được hỗ trợ chế độ bán trú, nhà trường thường xuyên tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức cho các em và phụ huynh về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, ăn chín, uống sạch.
Là trường tư thục liên cấp, những năm qua, Trường Quốc tế Châu Á Thái Bình Dương-Gia Lai đều tổ chức bán trú cho 100% học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 với 2 bữa trưa và xế. Thầy Đàm Văn Ngọc-Hiệu trưởng nhà trường-thông tin: Để đảm bảo nguồn thực phẩm sạch, Công ty cổ phần Trường Phổ thông Nguyễn Văn Linh Gia Lai (đơn vị chủ quản) đã ký hợp đồng với Siêu thị Co.op Mart Pleiku để cung ứng cho bếp ăn của trường; đồng thời, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm ở tất cả các khâu theo đúng quy định. Sau khi chế biến, nhân viên y tế của trường cùng với cấp dưỡng kiểm tra, lưu mẫu thực phẩm và niêm phong mẫu trước khi chia các khẩu phần ăn theo từng lớp, từng học sinh. Nhà trường cũng thường xuyên mời Ban đại diện cha mẹ học sinh cùng đến kiểm tra các bữa ăn học đường.
Với đối tượng phục vụ là trẻ nhỏ, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm bếp ăn bán trú luôn được các trường mầm non trong tỉnh đặt lên hàng đầu. Cô Trần Thị Thoa-Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Phong Lan (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) cho hay: Năm học 2022-2023, toàn trường có 500 trẻ đăng ký ăn bán trú các bữa sáng, trưa và xế. Ngoài đảm bảo chặt chẽ nguồn thực phẩm đầu vào, nhà trường còn chú trọng công tác vệ sinh dụng cụ, đồ dùng phục vụ ăn uống cho trẻ. Các cấp dưỡng trong quá trình chế biến đều phải đeo khẩu trang, găng tay sạch sẽ.
Theo cô Thoa, bên cạnh siết chặt quản lý bếp ăn bán trú, nhà trường còn thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình hình chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ tại 20 cơ sở mầm non độc lập tư thục trên địa bàn 2 phường Hoa Lư và Tây Sơn mà trường đang quản lý. Trong đó, chú trọng thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn và yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm; tuyệt đối không cho trẻ ăn những thực phẩm không rõ nguồn gốc hoặc thức ăn chế biến sẵn như mì gói, xúc xích, nem chả các loại… Chị Trần Thị Phương Mai-Chủ cơ sở mầm non độc lập tư thục Phương Mai (392 Cách Mạng Tháng Tám, phường Hoa Lư) cho biết: “Mỗi năm, cơ sở nuôi dạy khoảng 70 trẻ/3 lớp từ 18 tháng tuổi đến 5 tuổi. Chúng tôi hợp đồng với 1 nhân viên cấp dưỡng đảm trách việc nấu ăn bán trú cho trẻ theo thực đơn công khai với phụ huynh mỗi ngày. Chúng tôi đặc biệt chú trọng đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và dinh dưỡng trong các bữa ăn, tạo sự an tâm cho phụ huynh khi gửi con theo học”.
Toàn tỉnh hiện có 42/285 cơ sở giáo dục có bậc tiểu học, 214/266 trường mầm non và 219 cơ sở giáo dục độc lập tư thục tổ chức bếp ăn bán trú cho khoảng trên 71.000 học sinh. Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Bùi Khoa Nghi, hàng năm, Sở ban hành công văn hướng dẫn các đơn vị triển khai nhiệm vụ năm học mới đều kèm theo nội dung liên quan đến tổ chức hoạt động bán trú trong các cơ sở giáo dục. Theo đó, các cơ sở giáo dục có tổ chức bán trú phải xây dựng kế hoạch phù hợp với điều kiện thực tế trên cơ sở thống nhất, tự nguyện của học sinh, phụ huynh và theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan quản lý cấp trên. Việc tổ chức hoạt động bán trú cần linh hoạt, có thể bao gồm các hoạt động: tổ chức ăn trưa, ngủ trưa, vui chơi, giải trí... cho học sinh và phải đảm bảo các điều kiện về vệ sinh, an toàn thực phẩm, nơi ăn, nơi nghỉ gắn với tăng cường công tác kiểm tra để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh.
“Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD-ĐT sau khi xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm gây hậu quả nghiêm trọng tại Trường iSchool Nha Trang, Sở GD-ĐT đã hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường các biện pháp bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu của bếp ăn bán trú trong trường học từ hợp đồng cung ứng, chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm; tuân thủ quy trình giao nhận, kiểm thực 3 bước, lưu mẫu thực phẩm theo đúng quy định; sử dụng thực phẩm đã được nấu chín và nước đã được đun sôi; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh và cha mẹ học sinh về việc bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, phòng-chống các dịch bệnh lây truyền qua thực phẩm và ngộ độc thực phẩm”-bà Nghi cho biết.