Gia Lai tăng tốc triển khai các dự án hạ tầng chiến lược, mở rộng không gian phát triển liên vùng

Ngày 7/7, tại Hội nghị lần thứ nhất của Tỉnh ủy Gia Lai sau tổ chức sắp xếp lại đơn vị hành chính, ông Rah Lan Chung - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cho biết, tỉnh đang chỉ đạo quyết liệt các cơ quan, đơn vị và địa phương khẩn trương hoàn tất thủ tục đầu tư, nhằm sớm triển khai khởi công hàng loạt công trình hạ tầng trọng điểm.

Trong chiến lược phát triển giai đoạn mới, Gia Lai xác định rõ việc đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông, công nghiệp và đô thị là nhiệm vụ trọng tâm.

Tỉnh ủy đã chỉ đạo sớm khởi công các dự án trọng điểm như: đường băng số 2 sân bay Phù Cát, tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku, khu công nghiệp Hoài Mỹ, khu công nghiệp Phù Mỹ, khu bến cảng Phù Mỹ, tuyến đường kết nối cao tốc Bắc - Nam đến khu công nghiệp và cảng Phù Mỹ, khu đô thị mới CK54 tại Pleiku và khu du lịch văn hóa - sinh thái đồi thông.

Các dự án này không chỉ phục vụ phát triển nội vùng, mà còn có vai trò quan trọng trong tăng cường kết nối giữa Gia Lai và các trung tâm kinh tế trọng điểm của miền Trung - Tây Nguyên, từ đó thúc đẩy mạnh mẽ thương mại, logistics và đầu tư công nghiệp.

Trong số các công trình trọng điểm, tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku có quy mô vốn gần 44.000 tỷ đồng là điểm nhấn quan trọng.

Tuyến đường này sẽ trở thành trục giao thông huyết mạch kết nối vùng duyên hải Nam Trung Bộ với Tây Nguyên, góp phần nâng cao hiệu quả vận chuyển hàng hóa, giảm chi phí logistics và mở rộng hành lang phát triển kinh tế liên tỉnh.

Khu đô thị mới CK54 tại TP. Pleiku, với diện tích quy hoạch khoảng 240 ha và tổng vốn đầu tư dự kiến lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng, là dự án đô thị hiện đại được quy hoạch đồng bộ, kỳ vọng trở thành hạt nhân mới trong chiến lược phát triển không gian đô thị phía Đông thành phố.

Bên cạnh đó, khu bến cảng Phù Mỹ có quy mô lên đến 1.442 ha, khả năng tiếp nhận tàu trọng tải 150.000 tấn và tổng vốn đầu tư khoảng 2.300 tỷ đồng sẽ đóng vai trò cửa ngõ giao thương đường biển quan trọng, hỗ trợ hiệu quả cho khu công nghiệp Phù Mỹ.

Tuyến đường nối từ cao tốc Bắc - Nam đến khu công nghiệp và cảng Phù Mỹ cũng được bố trí vốn đầu tư khoảng 2.100 tỷ đồng, bảo đảm hạ tầng kết nối hoàn chỉnh và đồng bộ trong khu vực.

Lãnh đạo Tỉnh ủy Gia Lai nhấn mạnh, để đảm bảo tiến độ triển khai các công trình lớn, công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư và giải phóng mặt bằng cần được các địa phương tập trung thực hiện quyết liệt, minh bạch và đồng bộ.

Đặc biệt, đối với các công trình trọng điểm như tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đi qua địa bàn tỉnh, chính quyền địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trung ương để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Song song đó, tỉnh cũng đặt mục tiêu hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, quy hoạch và cơ chế phối hợp sau sáp nhập nhằm bảo đảm môi trường đầu tư thông thoáng, hiệu quả và minh bạch.

Một số tồn tại từ các địa phương cũ cũng đang được rà soát, xử lý dứt điểm để tránh làm ảnh hưởng đến quá trình triển khai các dự án chiến lược.

Phát biểu tại hội nghị, ông Hồ Quốc Dũng - Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2025, kinh tế tỉnh đạt mức tăng trưởng gần 7,5%.

Nhiều lĩnh vực như sản xuất nông - lâm nghiệp, công nghiệp chế biến, thương mại - dịch vụ, văn hóa - xã hội và quốc phòng - an ninh đều có bước phát triển tích cực. Đặc biệt, hoạt động thu hút đầu tư có nhiều khởi sắc, với sự quan tâm của các nhà đầu tư chiến lược vào lĩnh vực công nghiệp, hạ tầng và bất động sản đô thị.

Tuy nhiên, Bí thư Tỉnh ủy cũng thẳng thắn nhìn nhận những thách thức mà tỉnh phải đối mặt trong 6 tháng cuối năm, nhất là áp lực hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế từ 8% trở lên.

Dư địa tăng trưởng còn hạn chế, trong khi công tác phối hợp giữa các sở, ngành và địa phương mới sau sáp nhập vẫn đang trong quá trình điều chỉnh để hoàn thiện bộ máy, cơ chế quản lý.

Việc triển khai đồng loạt các dự án hạ tầng chiến lược không chỉ nhằm phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ngắn hạn, mà còn là bước đi dài hạn, giúp Gia Lai mở rộng không gian phát triển, tăng tính cạnh tranh và hội nhập sâu vào chuỗi cung ứng vùng và quốc gia.

Định hướng chiến lược này là một phần trong tầm nhìn đưa Gia Lai trở thành cực tăng trưởng mới của khu vực Tây Nguyên, với vai trò là điểm trung chuyển, trung tâm kết nối kinh tế, logistics và phát triển đô thị - công nghiệp hiện đại trong thập kỷ tới.

Hùng Nguyễn

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/gia-lai-tang-toc-trien-khai-cac-du-an-ha-tang-chien-luoc-mo-rong-khong-gian-phat-trien-lien-vung-319733.html