Gia Lai - vùng đất sử thi hào hùng

Trong những ngày tháng 3 lịch sử, cùng với các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và toàn miền Nam, quân và dân tỉnh Gia Lai góp phần làm nên chiến thắng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.

Quân Giải phóng tiến công cứ điểm địch trong chiến dịch Tây Nguyên

Cách đây 45 năm, trong những ngày tháng 3 lịch sử, cùng với các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và toàn miền Nam, quân và dân tỉnh Gia Lai đã góp phần làm nên chiến thắng lịch sử trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

45 năm sau giải phóng, tỉnh Gia Lai đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Khắp các vùng trong tỉnh không còn thấy bóng dáng, tàn tích của chiến tranh. Thay vào đó là những đô thị phát triển, những vườn cao su, cà phê bạt ngàn, những cánh đồng lúa nước mướt màu xanh, đời sống của người dân ấm no, xứng đáng là thủ phủ của vùng Bắc Tây Nguyên trên mọi lĩnh vực.

Vùng đất anh hùng

Nằm ở địa bàn chiến lược khu vực Bắc Tây Nguyên, Gia Lai tự hào là vùng đất hào hùng, giàu truyền thống cách mạng và hội tụ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc. Nhiều dòng sông, con suối, ngọn núi, buôn làng ở Gia Lai đã đi vào lịch sử với những chiến công chói lọi của quân và dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Để có thể giành được thắng lợi trong trận mở màn Chiến dịch Tây Nguyên tại Buôn Ma Thuột, quân ta đã đánh nghi binh tại Pleiku và Kon Tum, dẫn dụ địch về các hướng, sau đó cô lập lực lượng của địch để ta tập trung đánh vào Buôn Ma Thuột.

Ngày 11.3.1975, Buôn Ma Thuột giải phóng. Tổ chức tái chiếm Buôn Ma Thuột không thành, đường 19 và đường 21 bị Quân giải phóng chia cắt, Tổng thống ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu quyết định rút quân khỏi Kon Tum và Pleiku về vùng duyên hải miền Trung qua đường số 7. Rạng sáng 15.3, quân đội ngụy quyền Sài Gòn bắt đầu cuộc rút quân, theo kế hoạch là “một cuộc hành quân bí mật và gây bất ngờ cho Quân giải phóng”, trên thực tế đã biến thành một cuộc tháo chạy hỗn loạn.

Dự kiến tình huống địch rút lui chiến lược khỏi Tây Nguyên, Quân ủy Trung ương chỉ thị các đơn vị chuẩn bị phương án đánh địch rút chạy. Ngày 16-3, chủ lực Quân giải phóng truy kích, phối hợp với bộ đội địa phương đánh chặn, tiêu diệt địch ở Phú Bổn và Củng Sơn. Cùng với các cánh quân chủ lực, quân và dân tỉnh Gia Lai nổi dậy tấn công, truy kích buộc địch phải tháo chạy khỏi Pleiku. Toàn bộ lực lượng Quân đoàn 2 và các đơn vị của địch bị tiêu diệt, tan rã, đặc biệt là trận truy kích và chặn đánh địch trên đường số 7 (nay là Quốc lộ 25) đã bắt hơn 3.000 tù binh, thu 26 đại bác và hàng nghìn xe cơ giới.

Ngày 17.3.1975, tỉnh Gia Lai hoàn toàn giải phóng, trở thành hậu phương trực tiếp của chiến trường miền Nam Việt Nam, chi viện cho các chiến dịch để phát triển thế tiến công chiến lược của quân và dân ta, góp phần vào sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Gia Lai chuyển mình cùng đất nước

Sau ngày giải phóng, phát huy truyền thống cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn đồng sức, đồng lòng phấn đấu vượt qua gian khổ hy sinh, nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục, phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội, ổn định đời sống nhân dân, bảo vệ vững chắc an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tạo tiền đề để Gia Lai có những bước phát triển tiếp theo.

Sau ngày giải phóng, toàn tỉnh chuyển từ làm rẫy sang làm ruộng, từ làm một vụ sang 2 vụ, không chỉ trồng cây nông nghiệp mà bắt đầu chuyển hướng sang trồng cây công nghiệp, từ trồng các loại cây ngắn ngày như lạc, đậu, sang cây công nghiệp dài ngày cà phê, cao su. Lĩnh vực văn hóa cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm. Tỉnh đã phát động phong trào chống mù chữ, tất cả các thôn xóm, các buôn làng tổ chức học văn hóa với các lớp bình dân học vụ. Bệnh viện, bệnh xá được mở rộng để phục vụ tốt hơn sức khỏe của nhân dân…

Vì vậy, chỉ sau hơn 1 năm giải phóng, từ một địa bàn bị chiến tranh tàn phá kiệt quệ, nhân dân Gia Lai đã được trở lại nhịp sống hòa bình, kinh tế-xã hội ổn định, trật tự an ninh đảm bảo, chính quyền cơ sở được củng cố; đồng bào các dân tộc đều được hưởng các chính sách tự do, bình đẳng, mọi công dân đều được tạo điều kiện vươn lên trong xã hội, làm chủ cuộc sống. Và sau 10 năm, Gia Lai đã đạt được những thành tích quan trọng. Tổng sản phẩm xã hội tăng 1,39 lần, thu nhập quốc dân tăng 1,45 lần so với năm 1976; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 3,3 triệu rúp; cơ bản đã giải quyết được vấn đề lương thực tại chỗ; định canh, định cư được hơn 1/4 đồng bào các dân tộc...

Sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn phát huy sức mạnh đoàn kết, vừa làm, vừa học, vận dụng sáng tạo đường lối, nhanh chóng nắm bắt thời cơ, khai thác tiềm năng, thế mạnh, tích cực hợp tác và kêu gọi đầu tư phát triển, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách và đã đạt được những thành tựu to lớn.
Những năm qua, tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng Gia Lai vẫn là một trong những địa phương tạo được chuyển biến trong phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt hơn 7%, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt hơn 3.541 tỷ đồng, vượt 11,2% dự toán Trung ương giao.

Gia Lai cũng là điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư. Giai đoạn 2016-2018, toàn tỉnh có 136 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký là 15.350 tỷ đồng. Trong đó, có 75 dự án đã hoàn thành và đưa vào hoạt động với tổng vốn đầu tư 8.570 tỷ đồng.

Từ một địa phương có hạ tầng yếu kém, đến nay cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội được tập trung đầu tư bằng nhiều nguồn vốn, bộ mặt đô thị ngày càng khang trang. Kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các công trình giao thông trọng điểm như: Cảng Hàng không Pleiku, quốc lộ 14, quốc lộ 19... được quan tâm đầu tư. 100% xã đã có điện sinh hoạt, có điện thoại và có đường ô tô đến trung tâm xã; 100% thôn, làng có điện lưới quốc gia…

Các lĩnh vực văn hóa-xã hội của tỉnh cũng đạt được những bước tiến quan trọng. Công tác xóa đói giảm nghèo, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm triển khai tích cực. Qua đó, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đã giảm từ 19,71% năm 2015 xuống còn 10,04% năm 2018. Công tác chăm sóc sức khỏe người dân ngày càng được quan tâm, mạng lưới y tế cơ sở không ngừng được củng cố, phát triển.

Quốc phòng-an ninh được tăng cường. Công tác đền ơn đáp nghĩa được thực hiện chu đáo. Chính sách dân tộc, tôn giáo tiếp tục được quan tâm, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân.

Trong những năm gần đây, Gia Lai đã khẳng định vị thế của một điểm đến đặc biệt hấp dẫn du khách nhờ thảm thiên nhiên phong phú với những cánh rừng nguyên sinh, hệ thống sông, hồ hùng vĩ. Vùng đất này còn là nơi lưu giữ kho tàng nhiều di tích văn hóa, lịch sử độc đáo. Đó là những buôn làng truyền thống đã tồn tại hàng trăm năm, không gian văn hóa cồng chiêng độc đáo đã được thế giới công nhận là di sản của nhân loại.

Trong những thành tựu quan trọng mà tỉnh Gia Lai đạt được suốt 45 năm qua cũng phải kể đến sự đóng góp không nhỏ của thành phố Pleiku. Hình thành, đi lên từ một làng dân tộc thiểu số, một thị xã nhỏ bé chưa mấy người biết, nay Pleiku đã trở thành một thành phố trung tâm, cửa ngõ giao thương của “tam giác phát triển” mang tầm cỡ của vùng trọng điểm kinh tế Tây Nguyên.

Theo TTXVN

Quân Giải phóng tiến công cứ điểm địch trong chiến dịch Tây Nguyên

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/chinh-tri/gia-lai---vung-dat-su-thi-hao-hung-130916