Giả làm TikToker ẩm thực để đòi ăn miễn phí
Sự bão hòa của nghề food reviewer (đánh giá về đồ ăn) đã dẫn đến nhiều kẻ mạo danh khiến các chủ nhà hàng ở thành phố New York, Mỹ ngán ngẩm.
Nhiều đầu bếp, chủ nhà hàng, nhân viên phục vụ tại xứ cờ hoa phát ngán với những người tự nhận là food reviewer vì thái độ hách dịch và chỉ muốn được ăn uống miễn phí. Một số còn giả mạo lượt theo dõi trên mạng xã hội để đi lừa đảo, theo New York Post.
“Có ‘ngôi sao’ đòi bữa ăn miễn phí cho 4 người bạn vào tối thứ 7. Chúng tôi từ chối những người có ảnh hưởng nhiều hơn là đón tiếp họ”, Stratis Morfogen, chủ 2 nhà hàng ở quận Brooklyn, nói kèm theo tiếng thở dài.
Chiến lược táo bạo của Morfogen tỏ ra khá hiệu quả. Tuy nhiên, không phải nhà hàng nào cũng dám áp dụng chính sách nghiêm ngặt tương tự bởi các TikToker và ngôi sao Instagram ngày càng có sức ảnh hưởng lớn đối với nhà hàng.
Báo cáo năm 2021 của công ty quảng cáo MGH cho thấy 36% người dùng TikTok ghé thăm một nhà hàng sau khi xem video trên nền tảng. Trong số đó, 55% đến với lý do đơn giản là “đồ ăn trông ngon miệng”.
Tuy nhiên, Morfogen nói rằng trong số khoảng 200 yêu cầu anh nhận được từ food reviewer mỗi năm, 1/3 chỉ là lừa đảo. Họ tự xưng là người có ảnh hưởng nhưng thực tế phần lớn số lượt theo dõi là ảo hoặc áp dụng mánh khóe quảng cáo để xuất hiện nhiều trên mạng.
“Nhà báo hoặc blogger thực sự sẽ không bao giờ yêu cầu bữa ăn miễn phí. Những kẻ giả mạo lợi dụng sự cần thiết của food reviewer đối với nhà hàng để làm điều xấu”, Morfogen nói.
Alexa Matthews, người chuyên đánh giá về nhà hàng trong nhiều năm, nói rằng sự lừa đảo chỉ xuất hiện ở thế hệ mới.
“Không gian đã bão hòa hơn rất nhiều so với thời điểm tôi bắt đầu mở kênh review từ năm 2014. Khi đó, những người đánh giá về ẩm thực trên mạng xã hội là các cá nhân làm việc trong lĩnh vực khách sạn và có hiểu biết về cách nhiều doanh nghiệp thực sự hoạt động. Tôi nghĩ rằng bây giờ nhiều người lập tài khoản chỉ để mong đợi những thứ miễn phí”, cô nói.
Sabino Curcio, đồng sở hữu nhà hàng ở quận Brooklyn, đồng tình: “Bất kỳ ai không biết gì về ẩm thực cũng có thể lập trang và viết đủ thứ về chủ đề này. Chúng tôi làm truyền thông xã hội được 10 năm và bây giờ đó là bối cảnh hoàn toàn khác”.
Cửa hàng của Curcio đông khách hơn nhờ được các ngôi sao mạng tới đánh giá và chụp ảnh. Tuy nhiên, anh không quan tâm đến việc họ đòi thức ăn miễn phí.
“Những người có ảnh hưởng không nên đi vào suy nghĩ muốn gì được nấy trong cuộc gặp đầu tiên. Họ nên xây dựng mối quan hệ với nhà hàng, lịch sự hỏi xem có thể đăng bài trên mạng hay quay trở lại để tìm hiểu kỹ hơn hay không. Nhiều người chỉ nhăm nhe đòi hỏi được miễn phí và tôi bảo rằng họ hãy bỏ tiền ra mua”, anh nói.
Trong khi đó, Morfogen phát hiện các food reviewer giả mạo bằng cách xem số lượt thích và nhận xét từ mỗi bài đăng của họ.
“Tài khoản 1,8 triệu người theo dõi có thể chỉ có 100.000 là thật. Tôi chỉ cần 3 phút để tìm hiểu ra”.
Khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo, Morfogen sẽ phản ứng gay gắt và nói rõ họ không được hoan nghênh.
“Nhiều người sẽ đăng bài về nhà hàng của tôi trong sự hằn học. Nhưng nếu họ là thật, rất có thể tôi sẽ biết tên tuổi chứ không phải họ có bao nhiêu lượt follow”, anh nói.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/gia-lam-tiktoker-am-thuc-de-doi-an-mien-phi-post1324967.html