Giá lợn hơi miền Bắc tăng cao nhất ở mức 69.000 đồng/kg
Giá lợn hơi hôm nay 8/4 ghi nhận đà tăng giá tiếp tục tại miền Bắc, trong đó tăng cao nhất là ở Phú Thọ lên mức 69.000 đồng/kg, trong khi giá tại miền Trung và miền Nam tương đối ổn định.
Theo đó, giá lợn hơi tại miền Bắc hôm nay nhìn chung có xu hướng tăng nhẹ. Cụ thể, Yên Bái và Hưng Yên tăng lên 67.000 đồng/kg, so với hôm qua là 65.000 và 66.000 đồng/kg. Nam Định, Thái Nguyên, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Ninh Bình và Tuyên Quang cũng tăng 1.000 đồng, dao động quanh mức 66.000 – 68.000 đồng/kg. Phú Thọ tăng từ 68.000 lên 69.000 đồng/kg. Trong khi đó, các địa phương như Bắc Giang, Thái Bình, Hà Nội giữ nguyên giá so với hôm qua là 68.000 đồng/kg; Lào Cai (67.000 đồng/kg).
Trong khi đó, tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên, giá lợn hơi hôm nay gần như ổn định. Nghệ An và Bình Định tăng nhẹ 1.000 đồng, hiện đạt mức 68.000 đồng/kg và 69.000 đồng/kg tương ứng. Thanh Hóa và Quảng Nam là 67.000 đồng/kg, Hà Tĩnh đứng ở mức 66.000 đồng/kg, Quảng Bình, Huế giữ mức 69.000 đồng/kg, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Khánh Hòa duy trì quanh 67.000 – 68.000 đồng/kg.
Khu vực Tây Nguyên tiếp tục giữ mức cao, với Đắk Lắk ở 69.000 đồng/kg, Lâm Đồng và Ninh Thuận ở 71.000 đồng/kg, Bình Thuận 71.000 đồng/kg.

Thời gian tới nguồn cung thịt lợn sẽ đáp ứng tiêu dùng.
Giá lợn hơi miền Nam hôm nay tương đối ổn định, ngoại trừ Đồng Nai tăng từ 71.000 lên 72.000 đồng/kg và Bình Dương nhích nhẹ lên 70.000 đồng/kg. Các tỉnh thành còn lại giữ nguyên mức giá so với hôm qua: Bình Phước, Long An, An Giang, Vĩnh Long ở mức 70.000 đồng/kg, TP. Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cần Thơ vẫn ở 71.000 đồng/kg.
Trong khi đó, các tỉnh như Kiên Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Tiền Giang, Bến Tre, Cà Mau, Hậu Giang duy trì ở mức 72.000 – 73.000 đồng/kg, cao nhất cả nước.
Ông Đậu Ngọc Hùng, Trưởng ban Thống kê nông, lâm nghiệp và thủy sản (Cục Thống kê), cho biết, vừa qua có thời điểm giá thịt lợn biến động, tăng mạnh nhất là đầu tháng 3, nhưng sau đó đã chững lại và giảm dần, đến cuối tháng 3 chỉ còn tăng ở một số tỉnh phía Nam.
Theo ông Hùng, dưới góc độ hoạt động chăn nuôi, có một số yếu tố ảnh hưởng đến nguồn cung tác động đến biến động giá thịt lợn trong thời gian qua như việc thực hiện quy định của Luật Chăn nuôi: Các tỉnh/thành phố, đặc biệt các tỉnh phía Nam đã tiến hành di dời trang trại lớn, chăn nuôi gia công ra khỏi vùng không được phép chăn nuôi trước ngày 1/1/2025, dẫn đến nhiều trang trại đã tạm dừng hoạt động, hoặc nuôi không hết công suất, từ đó dẫn đến có thể thiếu hụt nguồn cung cục bộ. Việc phải di dời chuồng trại cũng khiến chi phí tăng lên.
Những tháng cuối năm 2024, dịch bệnh lở mồm long móng, dịch tả lợn Châu Phi xảy ra trên đàn lợn tại một số tỉnh khu vực phía Nam, đặc biệt đàn lợn nái gây hao hụt một phần tổng đàn và gây tâm lý lo ngại đối với người chăn nuôi. Một bộ phận người chăn nuôi, nhất là ở khu vực chăn nuôi vừa và nhỏ gặp khó khăn khi tiếp cận tín dụng, nguồn cung con giống cùng với tâm lý lo ngại dịch bệnh nên tái đàn chậm, thậm chí để trống chuồng.
Đơn cử như Đồng Nai (chiếm 10% sản lượng lợn cả nước), nhưng sản lượng lợn hơi xuất chuồng quý I/2025 chỉ tăng 0,2% so cùng kỳ, trong khi quý I/2024 tăng 7% (nếu tính theo số đầu con, tháng 3/2025 giảm tới 109 nghìn con so cùng kỳ 2024); TP. HCM sản lượng giảm 2,6% (đầu con giảm 6,5%); Khánh Hòa sản lượng giảm 5,1%, Long An giảm 4,5%.
Cùng với đó, tháng 2 đàn lợn giảm do các doanh nghiệp, hộ chăn nuôi tăng mạnh xuất bán tiêu dùng dịp Tết và lễ hội đầu năm. Tổng đàn lợn (không kể lợn sữa) cuối tháng 2/2025 ước đạt 26,8 triệu con, giảm gần 360 nghìn con so với cuối tháng 1. Ngoài ra, còn có thể do tích trữ, đầu cơ. Khi giá lợn có xu hướng tăng, người chăn nuôi, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn khép kín chuỗi sản xuất kéo dài thời gian nuôi để tăng khối lượng xuất bán chờ giá tăng tiếp, cũng dẫn đến thiếu hụt nguồn cung.
Tuy nhiên, trên phạm vi cả nước sản lượng lợn xuất chuồng quý I/2025 vẫn tăng 5% so cùng kỳ, trong đó có một số địa phương tăng khá: Gia Lai tăng 18%; Bình Định tăng 7,6%; Hưng Yên tăng 6,9%; Bình Phước tăng 5,8%; Thanh Hóa tăng 5,2%. Số đầu con của cả nước cuối tháng Ba tăng 3,3% so cùng kỳ (tương đương mức tăng của năm 2024).
"Vấn đề nguồn cung chỉ xảy ra cục bộ tại một số địa phương trong một số thời điểm. Thời gian tới chúng tôi cho rằng nguồn cung thịt lợn sẽ đáp ứng tiêu dùng", ông Hùng nhấn mạnh.
Thời gian tới, chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn cần theo dõi sát tình hình sản xuất tại địa bàn để có những chính sách, biện pháp kịp thời điều tiết nguồn cung, tập trung tái đàn và kiểm soát dịch bệnh, hỗ trợ người chăn nuôi ổn định sản xuất tại những khu vực mới.