Gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế Kỹ thuật số, Trung Quốc đang ấp ủ tham vọng gì?

Việc Trung Quốc gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế Kỹ thuật số (DEPA) đã đánh dấu một bước tiến mới trong lĩnh vực phát triển kinh tế số của Trung Quốc, đồng thời thể hiện quyết tâm của nước này trong việc góp phần xây dựng một trật tự kinh tế số mới.

Xét từ góc độ các giai đoạn phát triển, nhìn chung kinh tế thế giới đã và đang trải qua một số giai đoạn gồm nền văn minh du mục, nền văn minh nông nghiệp, nền văn minh công nghiệp, nền văn minh mạng và nền văn minh kỹ thuật số. Trung Quốc từng là một quốc gia phát triển ở giai đoạn văn minh nông nghiệp.

Trong giai đoạn đầu của nền văn minh công nghiệp, Trung Quốc đã dần bị tụt hậu. Bước sang thế kỷ XXI, Trung Quốc đã bắt kịp và đạt được những thành tựu đáng kể trong công cuộc xây dựng nền văn minh công nghiệp.

Trung Quốc không chỉ có các ngành công nghiệp hoàn chỉnh nhất, mà quan trọng hơn, nước này đã rất nỗ lực trong việc phát triển nền kinh tế nông nghiệp và ngành dịch vụ, bước đầu đã thành công trong cơ giới hóa nông nghiệp và số hóa ngành dịch vụ.

Với việc gia nhập DEPA, Trung Quốc tham vọng sẽ góp phần xây dựng một trật tự kinh tế số mới. (Nguồn: Shutterstock)

Với việc gia nhập DEPA, Trung Quốc tham vọng sẽ góp phần xây dựng một trật tự kinh tế số mới. (Nguồn: Shutterstock)

Mục tiêu chiến lược của Trung Quốc

Hệ thống thương mại điện tử của Trung Quốc đã bước đầu hình thành, không chỉ có các doanh nghiệp nền tảng mạng khổng lồ, mà còn cả mạng lưới phân phối hàng hóa lớn nhất thế giới. Hệ thống thanh toán điện tử của Trung Quốc trải khắp các khu vực thành thị, nông thôn và tiền kỹ thuật số đang trên đà phát triển.

Với sự trợ giúp của kinh tế mạng, Trung Quốc đã phát triển mạnh mẽ kinh tế số và trở thành quốc gia có nền kinh tế số lớn thứ hai thế giới. Dù là về công nghiệp hóa kinh tế kỹ thuật số hay số hóa ngành nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ truyền thống, Trung Quốc đều là một trong những quốc gia tiên tiến nhất trên thế giới.

Trong khi một số vùng nông thôn ở Mỹ vẫn đang sử dụng mạng di động thế hệ thứ 2, Trung Quốc đã phổ biến mạng di động thế hệ thứ 5 tại các thành phố, còn mạng di động thế hệ thứ 4 đã được sử dụng rộng rãi ở các vùng nông thôn rộng lớn của nước này.

Những thành tựu của Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế số đã thu hút sự quan tâm lớn của một số nước phương Tây bao gồm Mỹ.

Chính phủ liên bang Mỹ đã ban hành một loạt chính sách và Quốc hội Mỹ đã xây dựng một loạt đạo luật nhằm tìm cách cản trở sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế kỹ thuật số của Trung Quốc.

Một mặt, Trung Quốc bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình một cách nghiêm túc theo các quy định quốc tế. Mặt khác, nước này hy vọng có thể giảm bớt sự cản trở thông qua các cuộc đàm phán và đảm bảo sự phát triển ổn định của nền kinh tế kỹ thuật số.

Chính phủ Trung Quốc hoàn toàn nhận thức được rằng sự phát triển của kinh tế kỹ thuật số không thể “khép kín trong nước” và phải tận dụng tối đa các nguồn lực quốc tế để mở rộng thị phần quốc tế. Do vậy, Việc Trung Quốc xin gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế Kỹ thuật số là để đạt được các mục tiêu chiến lược của mình.

Hiệp định Đối tác Kinh tế Kỹ thuật số là hiệp định quốc tế đầu tiên về kinh tế kỹ thuật số, được ký kết bởi Singapore, Chile và New Zealand vào ngày 12/6/2020. Dù quy mô nền kinh tế của các nước thành viên Hiệp định là tương đối nhỏ, nhưng những nước này phân bổ ở châu Á, Nam Mỹ và châu Đại Dương, do đó có tính đại diện ở một mức độ nhất định.

Đây là một hiệp định quốc tế đa phương trong lĩnh vực kinh tế kỹ thuật số, khác với các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, phù hợp với xu thế thời đại và thể hiện sự tiến bộ của văn minh nhân loại.

Hiệp định Đối tác Kinh tế Kỹ thuật số hướng tới tương lai, cả về đường lối lẫn nội dung cụ thể. Hiệp định đã đặt ra các điều khoản rõ ràng về việc tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại điện tử, về lưu thông dữ liệu tự do ở các quốc gia khác nhau và về việc bảo vệ thông tin cá nhân, đồng thời triển khai tìm hiểu về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và công nghệ tài chính kỹ thuật số.

Có thể nói, đây là một hiệp định quốc tế được thiết lập nhằm giải quyết những vấn đề thực tế đang tồn tại trong việc phát triển kinh tế số.

Trung Quốc xin gia nhập Hiệp định này vì Trung Quốc hoàn toàn nhận thức được rằng trật tự tài chính và thương mại quốc tế được thiết lập sau Thế chiến thứ hai đang trải qua những thay đổi lớn.

Sau khi tham gia Hiệp định, Trung Quốc sẽ từng bước thu hút thêm nhiều nước, đặc biệt là các nước đang phát triển, tham gia Hiệp định, từ đó đưa Hiệp định này trở thành một hiệp định quốc tế thực sự về kinh tế kỹ thuật số.

Nếu các nguyên tắc cơ bản và quy phạm pháp luật cụ thể do Hiệp định thiết lập ngày càng được nhiều nước thừa nhận, thì ngay cả khi một vài nước phát triển cố gắng chống lại Hiệp định Đối tác Kinh tế Kỹ thuật số bằng các hiệp định thương mại tự do song phương, họ sẽ gặp phải những trở ngại lớn trong thương mại quốc tế.

Trong bối cảnh cơ quan lập pháp của một số quốc gia thuộc Liên minh châu Âu đã xây dựng các quy tắc hạn chế sự phát triển quốc tế của nền kinh tế kỹ thuật số nhằm bảo vệ thị trường kỹ thuật số của chính họ và Mỹ đã ban hành một loạt các biện pháp trừng phạt nhằm kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc, việc Trung Quốc xin gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế Kỹ thuật số có ý nghĩa thực tiễn rất rõ ràng và ý nghĩa chiến lược lâu dài.

Những kỳ vọng vào DEPA

Nội dung Hiệp định Đối tác Kinh tế Kỹ thuật số mang tính tiến bộ và nhắm tới các mục tiêu rõ ràng, vì vậy, Trung Quốc cần tận dụng Hiệp định để cải thiện các quy tắc thương mại quốc tế trong kỷ nguyên kinh tế số và đảm bảo sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế số.

Do số lượng thành viên của Hiệp định tương đối ít, nên sau khi Nhóm công tác về việc Trung Quốc gia nhập Hiệp định đã được chính thức thành lập, Trung Quốc sẽ sớm đạt được thỏa thuận thông qua đàm phán và trở thành thành viên đầy đủ của Hiệp định. Chính phủ các nước Singapore, New Zealand và Chile đều đã tuyên bố rõ về việc hoan nghênh Trung Quốc tham gia Hiệp định.

Là quốc gia có hoạt động thương mại lớn nhất thế giới và là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, việc Trung Quốc trở thành thành viên của Hiệp định Đối tác Kinh tế Kỹ thuật số chắc chắn sẽ giúp ảnh hưởng quốc tế của Hiệp định gia tăng đáng kể. Tuy nhiên có thể thấy, Hiệp định này là hiệp định liên chính phủ và sẽ không tránh khỏi những áp lực từ bên ngoài trong quá trình đàm phán.

Hiệp định Đối tác Kinh tế Kỹ thuật số là nhằm giải quyết các vấn đề kỹ thuật nảy sinh trong quá trình phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số quốc tế, nhưng Hiệp định không thể giải quyết một cách cơ bản các vấn đề chính trị giữa các nước.

Nói cách khác, Hiệp định chỉ đơn thuần giải quyết các yếu tố kỹ thuật trong hợp tác kinh tế kỹ thuật số giữa các nước, và không thể thay đổi một cách cơ bản quan hệ chính trị giữa các nước.

Do đó, việc Trung Quốc gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế Kỹ thuật số mới chỉ là bước đầu, sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số Trung Quốc vẫn sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn trong tương lai. Trung Quốc phải chuẩn bị đầy đủ cho điều này.

Trước hết, kinh tế số của Trung Quốc được phát triển trên nền tảng của nền kinh tế mạng. Nền kinh tế mạng hay kinh tế nền tảng của Trung Quốc đã tận dụng triệt để nguồn vốn quốc tế và đạt được bước phát triển nhảy vọt. Tuy nhiên, sự phát triển của kinh tế mạng của Trung Quốc đã sử dụng rất nhiều nguồn vốn từ các nước phương Tây nên một số vấn đề đã nảy sinh trong quá trình phát triển.

Chính phủ Trung Quốc đã tích cực thực hiện các biện pháp xử lý những hành vi bất hợp pháp trong quá trình phát triển của các công ty nền tảng. Cơ quan lập pháp Trung Quốc đã sửa đổi nhiều luật như Luật Chống độc quyền và ban hành các luật như Luật Bảo vệ thông tin cá nhân, Luật Bảo mật dữ liệu và Luật An ninh mạng để đảm bảo rằng quá trình Trung Quốc chuyển đổi từ kinh tế mạng sang kinh tế kỹ thuật số sẽ không bị hạn chế bởi nguồn vốn bên ngoài.

Thứ hai, kinh tế số khác với các biểu hiện kinh tế truyền thống. Đặc điểm cơ bản của kinh tế kỹ thuật số là dữ liệu là yếu tố quan trọng của sản xuất. Dữ liệu không chỉ là một bộ phận quan trọng của sản xuất, mà còn là biểu hiện đặc biệt của quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng. Đằng sau dữ liệu là mối quan hệ giữa con người với nhau. Vì vậy, phát triển kinh tế số phải tính đến việc bảo vệ các quyền cơ bản của công dân và các vấn đề an ninh quốc gia.

Dữ liệu là một yếu tố sản xuất, nhưng đằng sau đó dữ liệu còn phản ánh quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng, liên quan đến lợi ích quốc gia và các quyền cơ bản của công dân.

Lý do Trung Quốc xin gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế Kỹ thuật số là vì Trung Quốc hoàn toàn nhận thức được rằng Hiệp định này đã xây dựng các quy định rõ ràng về bảo vệ an ninh thông tin cá nhân và luồng dữ liệu xuyên biên giới, cân nhắc đến lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và lợi ích cá nhân.

Sau khi tham gia Hiệp định, Trung Quốc sẽ hướng tới cải thiện hơn nữa các điều khoản về bảo vệ thông tin cá nhân và bảo vệ an ninh quốc gia để Hiệp định có thể thực sự hiện thực hóa việc bảo vệ toàn diện lợi ích quốc gia và quyền cá nhân.

(theo Bình luận Trung Quốc)

Bùi Phóng

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/gia-nhap-hiep-dinh-doi-tac-kinh-te-ky-thuat-so-trung-quoc-dang-ap-u-tham-vong-gi-197121.html