Giá nhiên liệu tăng gây áp lực lên lạm phát
Dự báo lạm phát ở mức 2,1% trong năm nay, và tăng lên mức 3,5% trong năm 2022.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 đã giảm 0,2% so với tháng trước, dẫn tới chỉ tăng 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là điều đáng ngạc nhiên với thị trường trong bối cảnh trước đó HSBC dự báo ở mức 2,2%, Bbg dự báo 2,5%.
Theo đánh giá mới nhất của HSBC, nguồn gốc sâu xa chủ yếu do áp lực giá dao động theo nhu cầu đã giảm xuống, cũng là một dấu hiệu cho thấy tình hình phục hồi kinh tế chậm chạp.
Mặc dù áp lực giá không còn, một vấn đề cần quan tâm theo dõi là giá nhiên liệu tăng. Cụ thể, chi phí vận chuyển tăng nhanh chóng 2,5% so với tháng trước, đóng vai trò nhân tố chính tạo ra lạm phát.
“Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn tin tưởng rằng nhu cầu trong nước dần phục hồi dù chậm vẫn có khả năng bù lại cho giá nhiên liệu tăng cao, đồng thời, kỳ vọng lạm phát sẽ chỉ tăng lên 2,1% trong năm 2021”, HSBC cho hay.
Khi nền kinh tế trở lại bình thường, nhu cầu trong nước nhiều khả năng sẽ đẩy lạm phát lên 3,5% trong năm 2022.
Mới đây, tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đánh giá năm 2022 đối mặt rủi ro lạm phát lớn.
Nguyên nhân là bởi nền kinh tế thế giới đang dần phục hồi khi chiến dịch vaccine được bao phủ, giá cả hàng hóa có xu hướng gia tăng. Một số mặt hàng như xăng dầu đã tăng rất cao với hơn 52% so với cuối năm trước. Nhiều nước phát triển đã ghi nhận mức lạm phát cao nhất lịch sử.
Như tại Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 tăng 6,2% so với năm trước, cao nhất trong 32 năm qua. Lạm phát châu Âu trong tháng 9 của khu vực đồng Euro lên cao nhất trong 13 năm do giá năng lượng tăng cao. Tại Hàn Quốc, lạm phát cũng lần đầu vượt 3%, cao nhất 10 năm qua.
"Với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, chỉ số tổng kim ngạch xuất nhập khẩu/GDP đã lên 200%, do đó áp lực rủi ro lạm phát nhập khẩu rất lớn", Thống đốc nhấn mạnh.
Tại họp báo Chính phủ tối 6/11, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cũng lưu ý nhiều mặt hàng, đặc biệt là giá nhiên liệu trên thế giới như xăng dầu, than, kể cả giá vận chuyển, đều tăng rất cao và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lạm phát.
Trong cả năm 2021, chắc chắn CPI sẽ vào khoảng 2%, đạt được mục tiêu Quốc hội đã đề ra. Tuy nhiên, theo ông Hải, bước sang năm 2022, trên thế giới và trong nước có thể đạt được miễn dịch cộng đồng, nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ, đồng thời sẽ tạo áp lực rất lớn lên lạm phát.
Ông Hải đánh giá, việc tăng giá các mặt hàng như xăng dầu, than… chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng đến giá thành, chi phí sản xuất cũng cao lên, khiến giá hàng tiêu dùng trong nước tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sang các nước.
Chia sẻ đồng quan điểm, TS.Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, cho rằng nguy cơ nhập khẩu lạm phát là hiện hữu, đặc biệt sức ép lạm phát từ bên ngoài sẽ tăng mạnh trong các Quý IV/2021 và hai quý đầu năm 2022.
Theo dự báo, giá xăng dầu, kim loại cũng như giá lương thực thực phẩm trên thế giới chưa thể giảm nhanh trong ngắn hạn, thậm chí có thể tạo ra một mặt bằng giá mới sau Covid-19.
Các yếu tố này sẽ khiến giá nhập khẩu gia tăng, ảnh hưởng trực tiếp tới giá thành sản xuất do Việt Nam phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu bên ngoài
Trong thời gian tới, khả năng gia tăng lạm phát, với áp lực từ bên ngoài, được đánh giá là một trong những rủi ro lớn đe dọa khả năng phục hồi kinh tế 2022 của Việt Nam.