Giá như bớt ồn áo

Đã lâu lắm rồi, cả gia đình tôi chưa ngủ lại ở biển quê nhà. Đơn giản vì quãng đường 15km, chỉ cần đi 30 phút là tôi có thể xuống tắm biển, xong ghé vào quán quen thuộc ăn bữa hải sản rồi lại lên xe về.

Lần này, sau khi cả hai đứa đều thi cử xong đâu vào đấy, cả nhà quyết định xách balo làm tour du lịch hai ngày một đêm, ăn nghỉ tẹt ga.

Chuyến đi phải nói là đảm bảo các tiêu chí, ngon - bổ - rẻ. Thời tiết này còn gì hơn là được tắm biển, những con sóng khi vỗ về lúc lại mạnh mẽ còn hơn ngồi trên ghế mat-xa ấy chứ. Bọn trẻ ngụp lặn trong công viên nước, chơi đủ trò, vui ra mặt. Đặc biệt đi chơi sướng nhất là không phải rửa bát, không phải lo nấu nướng. Có thể nói là thỉnh thoảng xa nhà, cảm giác vô cùng thú vị.

“Tổng kết chuyến đi con thấy được 8,5 điểm mẹ ạ. Mất ít nhất là 1 điểm vì những tiếng ồn ào khó chịu”. “Đi du lịch cần đông vui nhưng đừng ồn ào”.

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 11 doanh nghiệp được cấp phép thí điểm sử dụng xe điện 4 bánh chở khách du lịch, với tổng số 659 xe. Trong đó, riêng TP Sầm Sơn có 474 xe. Chỉ nhìn vào số lượng xe đủ để thấy sức hấp dẫn của vùng đất này với khách du lịch.

So với các loại xe động cơ đốt trong sử dụng nhiên liệu hóa thạch, xe điện được thiết kế thoáng, khiến du khách không bị say xe, không mệt mỏi, có thể ngắm cảnh và hòa mình vào thiên nhiên.

Song, nếu chỉ có vậy thì những vị khách du lịch như tôi không phải phiền lòng. Tình trạng hoạt động lộn xộn của nhiều xe điện tại khu du lịch lâu nay đã được báo chí nói nhiều như sự tranh cướp khách, mất an toàn giao thông. Nhưng có một sự phiền toái đến phiền lòng mà tôi muốn nói, đó chính là tiếng ồn.

Chả là mỗi lần đi qua ngã ba, ngã tư, cái cảnh hàng chục chiếc xe điện chụm đầu vào nhau và xe nào cũng inh ỏi còi khiến tôi rất bất ngờ. Còi xe vốn là một thiết bị bắt buộc phải lắp đặt trên các phương tiện khi tham gia giao thông, với mục đích cơ bản là nhắc nhở và cảnh báo khi cần thiết. Tuy nhiên, các lái xe không quan tâm đến mục đích của thiết bị này, hay bấm còi đã là hành động quen tay? Hay họ vẫn tư duy kiểu “còi to đi trước”?

Mỗi người với mục đích khác nhau thì lý do đưa ra cũng khác nhau. Nhưng quả thật ở nơi phố biển, giữa khung cảnh thơ mộng với những khuôn mặt vui vẻ và hạnh phúc thì những tiếng ồn ấy như một nét vẽ “lỗi” trong bức tranh đẹp.

Dù chưa đến mức giật bắn người, hay loạng choạng té ngã vì tiếng còi xe, nhưng âm thanh của hàng loạt chiếc xe điện dội đến khiến tôi liên tục nhăn mặt. Câu chuyện về tiếng còi xe tưởng chừng đơn giản, không đáng quan tâm nhưng lại thể hiện rõ văn hóa giao thông của người lái, sự văn minh hiện đại của môi trường du lịch.

Hiện nay, nhiều quốc gia có quy định rất rõ ràng về việc sử dụng còi, mức độ âm thanh, các khung giờ được phép sử dụng. Luật Giao thông đường bộ của nước ta cũng có quy định về điều kiện tham gia giao thông của xe cơ giới là phải có còi với âm lượng đúng quy chuẩn kỹ thuật; có đủ bộ phận giảm thanh, giảm khói và các trang bị, thiết bị khác bảo đảm khí thải, tiếng ồn theo quy chuẩn môi trường... Theo đó, người điều khiển xe ô tô có thể bị phạt hành chính với mức phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng trong trường hợp điều khiển xe lắp đặt và sử dụng còi vượt quá âm lượng theo quy định.

Thiết nghĩ ở các khu du lịch lớn, mỗi người là một đại sứ du lịch. Thay vì “còi to cho vượt” gây áp lực cho những người chung quanh, chúng ta hãy học cách chậm rãi, khoan thai và cẩn trọng khi sử dụng còi xe. Đó không chỉ là cách giảm thiểu ô nhiễm tiếng ồn mà hơn hết là văn hóa giao thông bên trong văn hóa du lịch. Được vậy, những vị khách như tôi sẽ thấy nơi mình đến tham quan thật bình yên với những con người thật đáng yêu.

BẢO ANH

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/gia-nhu-bot-on-ao-31841.htm