Giá nông sản hôm nay 26/4: Cà phê duy trì đà tăng mạnh, hồ tiêu ổn định ở mức cao
Ghi nhận vào ngày 26/4/2025, giá cà phê tiếp tục tăng mạnh, với mức tăng dao động từ 1.500 - 1.700 đồng/kg so với phiên trước đó. Trong khi đó, hồ tiêu giữ mức ổn định ở ngưỡng cao, với giá thu mua trung bình tại các vùng trọng điểm đạt 156.300 đồng/kg.

Ảnh minh họa. Ảnh: Internet
Thị trường cà phê quốc tế
Trên sàn London sáng 26/4/2025, vào lúc 5 giờ, giá cà phê Robusta khép phiên với mức giảm nhẹ, dao động trong khoảng từ 2 - 12 USD/tấn so với phiên trước, hiện giá dao động trong khoảng 5.160 - 5.488 USD/tấn. Cụ thể, giá giao tháng 7/2025 là 5.415 USD/tấn; tháng 9/2025 ở mức 5.363 USD/tấn; tháng 11/2025 đạt 5.298 USD/tấn và tháng 1/2026 là 5.210 USD/tấn.
Ngược lại, thị trường New York sáng 26/4 chứng kiến giá cà phê Arabica tiếp tục đi lên với mức tăng trong khoảng 1,05 - 2,40 cent/lb, giao dịch trong vùng 370.95 - 410.50 cent/lb. Chi tiết, kỳ hạn tháng 7/2025 đạt 399.85 cent/lb; tháng 9/2025 là 392.60 cent/lb; tháng 12/2025 ở mức 383.85 cent/lb và tháng 3/2026 đạt 377.15 cent/lb.
Sau phiên giao dịch, giá cà phê Arabica Brazil ghi nhận biến động tăng - giảm giữa các kỳ hạn, dao động từ 473.80 - 518.10 USD/tấn. Cụ thể, kỳ giao tháng 5/2025 đạt 521.75 USD/tấn; tháng 7/2025 ở mức 504.50 USD/tấn; tháng 9/2025 là 480.00 USD/tấn và tháng 12/2025 đạt 470.00 USD/tấn.
Theo cập nhật lúc 5 giờ sáng 26/4/2025, giá cà phê tại khu vực Tây Nguyên tiếp tục tăng mạnh, mức tăng ghi nhận từ 1.500 - 1.700 đồng/kg so với phiên trước, hiện giá thu mua trung bình đạt 132.100 đồng/kg.
Cụ thể hơn, giá cà phê tại Đắk Lắk ghi nhận ở mức 132.200 đồng/kg; tại Lâm Đồng đạt 131.500 đồng/kg; tại Gia Lai giữ mức 132.000 đồng/kg và tại Đắk Nông hôm nay cũng ghi nhận mức 132.200 đồng/kg.
Trong nửa đầu tháng 4, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đã đạt kim ngạch 3,3 tỷ USD, tăng 46,8% so với cùng kỳ năm ngoái, dù sản lượng giảm nhẹ. Theo Cục Hải quan, trong nửa đầu tháng 4/2025, Việt Nam đã xuất khẩu 83.572 tấn cà phê, đạt giá trị 482,98 triệu USD; sản lượng giảm nhẹ 3% nhưng giá trị lại tăng gần 50% so với cùng kỳ năm trước.
Tính từ đầu năm đến 15/4, tổng lượng cà phê xuất khẩu đạt 580.999 tấn, giảm 13,5% tương đương 90.383 tấn so với cùng kỳ 2024. Mặc dù sản lượng giảm, nhờ giá tăng mạnh, kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng gần 47% và đạt 3,3 tỷ USD, giúp cà phê lần đầu vượt thủy sản (hiện 2,7 tỷ USD) để vươn lên vị trí thứ hai trong nhóm nông sản xuất khẩu, chỉ sau gỗ và sản phẩm gỗ (4,57 tỷ USD).
Giá xuất khẩu cà phê bình quân của Việt Nam trong nửa đầu tháng 4 đạt 5.779 USD/tấn, giảm nhẹ 1,6% so với tháng trước, song vẫn cao hơn 54,3% so với cùng kỳ năm 2024. Tính từ đầu năm đến giữa tháng 4, mức giá xuất khẩu bình quân đạt 5.685 USD/tấn, tăng gần 70%.
Giá hồ tiêu trong nước ổn định
Cập nhật lúc 5 giờ sáng 26/4/2025 cho thấy thị trường hồ tiêu trong nước giữ xu hướng đi ngang, ổn định ở mức cao, với giá thu mua trung bình ở mức 156.300 đồng/kg.
Chi tiết hơn, giá tiêu tại Gia Lai hôm nay ổn định sau phiên tăng mạnh hôm qua, giá thu mua tại địa phương ở mức 155.500 đồng/kg.
Giá tiêu ở khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu duy trì ổn định, với giá thu mua hiện tại ở mức 156.000 đồng/kg.
Tại Bình Phước, giá tiêu cũng giữ ổn định, với mức thu mua hôm nay ở ngưỡng 156.000 đồng/kg.
Giá tiêu ở Đắk Nông và Đắk Lắk neo ở mức cao, bình ổn so với phiên trước, thu mua tại hai địa phương này đang ở mức 157.000 đồng/kg.
Thị trường hồ tiêu quốc tế
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC), vào 5 giờ sáng 26/4/2025, giá tiêu thế giới có xu hướng ổn định, đi ngang. Riêng Indonesia ghi nhận giá tiêu tăng sau phiên giảm trước đó, với mức tăng dao động từ 24 - 31 USD/tấn, trong khi các nước khác giữ giá bình ổn.
Chi tiết, giá tiêu đen Lampung của Indonesia hiện được niêm yết ở mức 7.126 USD/tấn; giá tiêu trắng Muntok cũng được chốt ở mức 9.643 USD/tấn.
Trong khi đó, thị trường Malaysia quay đầu giảm mạnh sau nhiều phiên ổn định, với giá tiêu đen ASTA ghi nhận ở mức 9.300 USD/tấn và giá tiêu trắng ASTA đạt 11.900 USD/tấn.
Giá tiêu tại Brazil tiếp tục đi ngang sau phiên tăng trước, giá thu mua hiện tại đạt 6.900 USD/tấn.
Thị trường Việt Nam ghi nhận giá tiêu đi ngang sau đợt tăng mạnh trước đó, với giá tiêu đen loại 500 g/l xuất khẩu ở mức 6.800 USD/tấn; loại 550 g/l đạt 6.900 USD/tấn và tiêu trắng đạt 9.800 USD/tấn.
Giá tiêu tại các khu vực trồng trọng điểm trong nước hôm nay vẫn ổn định như ngày hôm qua. Theo bà Phùng Thu Huyền, Giám đốc Công ty TNHH Nam International: “Hiện nay số lượng đơn hàng xuất khẩu mới khá ít. Ngay cả với thị trường Mỹ, nơi từng có nhu cầu lớn, hiện cũng chỉ tiếp tục giao hàng theo các hợp đồng cũ, không có làn sóng mua mạnh để tranh thủ thời gian 90 ngày hoãn thuế.”
Do vậy, giá tiêu nội địa hiện có dấu hiệu chững lại. Các nhà nhập khẩu vẫn còn lượng hàng tồn kho nên chờ đợi giá giảm thêm trước khi ký mua mới.
Về phía người sản xuất, phần lớn nông dân hiện nay giữ tâm lý chờ đợi mức giá cao hơn mới bán ra. Mức kỳ vọng hiện tại dao động từ 160.000 - 180.000 đồng/kg, thậm chí có nơi đặt mục tiêu tới 200.000 đồng/kg, khiến việc giao dịch giữa bên bán và bên mua khó đạt được thỏa thuận.
Bà Huyền cũng cho biết thêm: “Đa số nông dân trồng tiêu hiện nay đều có thêm nguồn thu từ các loại cây trồng khác như cà phê, sầu riêng hay ca cao, nên ít chịu áp lực phải bán ngay sau thu hoạch. Bên cạnh đó, hạt tiêu cũng là loại nông sản dễ bảo quản, cho phép nông dân chủ động giữ hàng để chờ giá lên. Đây là một lợi thế giúp họ duy trì tính ổn định trong sản xuất và kinh doanh hồ tiêu.”
Dù giao dịch nội địa đang chững lại, xuất khẩu hồ tiêu vẫn rất sôi động. Theo Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), chỉ trong nửa đầu tháng 4, Việt Nam đã xuất khẩu 10.413 tấn hồ tiêu, thu về khoảng 72 triệu USD.
Các sản phẩm hồ tiêu xuất khẩu khá phong phú, gồm tiêu đen nguyên hạt, tiêu đen xay, tiêu trắng nguyên hạt, tiêu trắng xay và tiêu ngâm nước muối, tùy theo yêu cầu chế biến của từng thị trường nhập khẩu.
Quy trình chế biến hồ tiêu được các doanh nghiệp chú trọng kỹ lưỡng, từ khâu làm sạch nguyên liệu thô đến phân loại kích cỡ và chế biến thành các sản phẩm tiêu trắng, tiêu xay hoặc tiêu cao cấp, nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường quốc tế.