Giá phân bón tăng cao, doanh nghiệp khó tham gia bình ổn

Giá phân bón tăng cao, giá nông sản xuống thấp gây ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân. Doanh nghiệp (DN) sản xuất phân bón lệ thuộc khá nhiều vào giá nguyên liệu đầu vào, khó có thể giữ giá bình ổn đến tay nông dân như mong muốn.

Nhiều nhà máy phân bón đang nâng công suất đáp ứng nhu cầu thị trường, nhất là vụ Đông Xuân sắp tới

Nhiều nhà máy phân bón đang nâng công suất đáp ứng nhu cầu thị trường, nhất là vụ Đông Xuân sắp tới

Giá phân bón tăng tỷ lệ nghịch với đầu ra nông sản

Tỉnh hiện có nhiều nhà máy sản xuất và phối trộn phân bón. Hầu hết nhà máy sản xuất cho biết, tỷ lệ tiêu thụ trên địa bàn tỉnh chiếm từ 5-10%, đa phần được tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành khác. Qua khảo sát nhiều DN chuyên sản xuất, phân phối phân bón, giá các loại nguyên, nhiên liệu đầu vào cho sản xuất phân bón, kể cả thuốc bảo vệ thực vật đều tăng rất mạnh dẫn đến giá thành tăng. Chi phí vận tải trong nước và thế giới, nhất là cước tàu biển cũng tăng mạnh khiến chi phí đầu vào tăng,...

Phó Giám đốc Công ty (Cty) Cổ phần Phân bón Bình Điền (huyện Cần Đước) - Võ Văn Phu cho biết, giá nguyên liệu sản xuất phân bón tăng theo bậc thang từ giữa năm 2020 đến nay. Đây là tình hình chung của thế giới, nhưng giá phân bón bán ra tại Việt Nam cao hơn thế giới do nhiều nguyên nhân, trong đó có ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất vừa khan hiếm, vừa bị đẩy giá lên cao do một số Cty sản xuất nguyên liệu phân bón chủ chốt của Trung Quốc tạm ngừng xuất khẩu để bảo đảm nguồn cung trong thị trường nội địa.

Ngoài ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tại Nhà máy Phân bón Bình Điền Long An có 4 dây chuyền sản xuất, trong thời điểm toàn tỉnh thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, có 1 dây chuyên hư hỏng. Trong khi đó, dây chuyền sản xuất này có công suất lớn, chuyên tạo hạt nên Cty gặp nhiều khó khăn khiến sản lượng phân bón đưa ra thị trường giảm. Đến hết tháng 9-2021, sản lượng phân bón đưa ra thị trường tiêu thụ khoảng 314.000 tấn trên kế hoạch 400.000 tấn của năm. Trong đó, 9 tháng tại Long An đạt 7.000 tấn. Hiện tại, nhà máy thực hiện các công việc để nhanh chóng khắc phục sự cố hư hỏng nhằm nâng công suất, đẩy mạnh đưa phân bón ra thị trường ở những tháng cuối năm 2021 và năm 2022.

Trưởng phòng Hành chính Nhân sự Nhà máy Phân bón Năm Sao (huyện Cần Đước) thuộc Tập đoàn Quốc tế Năm Sao - Ngô Văn Cường cho biết, năm 2021, nhà máy đặt kế hoạch sản xuất 50.000 tấn phân bón, từ đầu năm đến hết tháng 10 chỉ đạt 80% kế hoạch. Với giá nguyên liệu tăng liên tục, nhà máy gặp nhiều khó khăn trong việc nhập nguyên liệu lẫn bán ra. Ông Cường lý giải, do giá nguyên liệu tăng, khan hiếm, các đối tác cung cấp từ nước ngoài rất hạn chế giao dịch. Thời điểm này, có tài chính chưa chắc mua được nguyên liệu. Bên cạnh đó, thời điểm này, nhiều loại nông sản bán ra giá rất thấp, nông dân cũng e ngại mua phân bón, chỉ chọn lựa những loại phân bón thông dụng, giá thành thấp. Tại Long An, nhà máy chỉ cung cấp khoảng 1.000 tấn/năm. Được biết, tại Nhà máy Phân bón Năm Sao, nguyên liệu sản xuất phân Urê nhập khẩu từ 60-70%, phân DP nhập khẩu 100% nguyên liệu.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - Nguyễn Chí Thiện cho rằng, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao, nhiều loại lên đến 80% so với năm 2020 khiến nông dân rơi vào khó khăn vì giá lúa, thanh long, chanh và một vài loại rau ăn quả khác đang xuống thấp. Bình quân 1ha cây trồng, trước đây nông dân chỉ cần khoảng 5 triệu đồng tiền phân bón/năm, nhưng hiện tại phải tốn từ 8-9 triệu đồng/năm. Điều này tỷ lệ nghịch với thu nhập của nông dân.

Khó để thực hiện bình ổn giá

Vừa qua, Sở Công Thương có cuộc khảo sát năng lực sản xuất của các đơn vị sản xuất phân bón, hỗ trợ các đơn vị sớm khôi phục sản xuất để cung ứng, kịp thời phân phối phân bón ra thị trường. Qua nắm bắt thông tin, hầu hết DN đều không có khống chế mức giá cố định khi đưa phân bón đến đại lý mà chỉ có đưa ra mức giá sàn, giá bán ra do đại lý quyết định. Chính vì điều này, giá phân bón đến tay nông dân không cố định. Theo ông Võ Văn Phu, để hỗ trợ nông dân cũng như đại lý trong thời điểm giá phân bón tăng cao, nhà máy có chương trình hỗ trợ chi phí cho đại lý đưa hàng về kho. Việc làm này nhằm giúp đại lý giảm chi phí khi đưa phân bón đến tay nông dân.

Phó Giám đốc phụ trách kỹ thuật Cty TNHH Á Châu Hóa Sinh (huyện Đức Hòa) - Trần Phú Quốc cho biết, DN khó có thể thực hiện bình ổn giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Bởi, hầu hết DN sản xuất đều có nguồn vốn không lớn, không dự trữ nguyên liệu phục vụ sản xuất nhiều. Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Cty tạm ngừng sản xuất từ tháng 7 đến hết tháng 9. Bắt đầu tháng 10 hoạt động lại, nhà máy sản xuất ồ ạt theo hợp đồng của khách hàng, chỉ hơn 1 tuần là hết nguyên liệu. Từ đầu năm 2021 đến nay, Cty này chỉ sản xuất trên 168 tấn phân bón trên kế hoạch 500 tấn của năm. Riêng thuốc bảo vệ thực vật đạt 2.200 tấn trên kế hoạch 3.000 tấn của năm.

Nhà máy Phân bón Bình Điền Long An tập kết, vận chuyển phân bón đưa ra thị trường

Nhà máy Phân bón Bình Điền Long An tập kết, vận chuyển phân bón đưa ra thị trường

Tổng Giám đốc Cty TNHH Tập đoàn An Nông - Trương Thị Thủy Trường cho biết, DN sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam hầu hết nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc, Ấn Độ. Thông thường, những tháng cuối năm, nhiều nhà máy ở Trung Quốc sẽ tạm ngừng sản xuất để bảo trì trang thiết bị, dây chuyền sản xuất. Bên cạnh đó, theo chu kỳ 4 năm 1 lần, giá nguyên liệu tại Trung Quốc sẽ tăng và khan hiếm. Hiện nay, nhiều DN hết nguyên liệu sản xuất nhưng không dám nhập về sản xuất vì không biết nhà cung cấp có giảm giá hay không giảm vào thời gian tới. Giá nguyên liệu đang tăng cao, nếu DN nhập về đến Việt Nam, nhà cung cấp tiến hành giảm giá thì DN chắc chắn “ôm lỗ”, nhưng không nhập thì thiếu hụt cho sản xuất. Chính vì lý do này mà DN khó có thể tham gia bình ổn thị trường phân bón khi giá nguyên liệu tăng.

Theo ông Nguyễn Chí Thiện, Việt Nam có nhiều nhà máy chế biến nguyên liệu dùng sản xuất phân bón. Tuy vậy, phần lớn DN đều xuất khẩu. Xuất khẩu là quyền của DN, nhưng để bảo đảm cung cấp tốt cho thị trường trong nước, Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT đang kêu gọi DN dừng xuất khẩu, tập trung bảo đảm nguồn cung cho thị trường trong nước.

Qua khảo sát tại nhiều DN, Giám đốc Sở Công Thương - Nguyễn Tuấn Thanh đánh giá cao nỗ lực của DN đã nhanh chóng khôi phục lại sản xuất sau ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Hiện tại, chính quyền tỉnh tập trung mọi biện pháp hỗ trợ DN giảm khó khăn. Vì vậy, DN cần nhanh chóng ổn định sản xuất, kiểm soát dịch bệnh tốt, nâng công suất, mở rộng thị phần, nhất là tại tỉnh Long An. Bên cạnh đó, DN cố gắng hợp lý hóa các chi phí, giữ ổn định giá thành, đặt mục tiêu phân bón Việt Nam phải được bán với giá thấp hơn phân bón nhập khẩu, đưa phân bón đến tay nông dân với giá thấp nhất. Đồng thời, ông đề nghị các DN sản xuất phân bón chủ động làm việc với các kênh phân phối để có các giải pháp bảo đảm lưu thông, đưa phân bón đến với các khu vực cần để bảo đảm cho vụ Đông Xuân sắp tới./.

Mai Hương

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/gia-phan-bon-tang-cao-doanh-nghiep-kho-tham-gia-binh-on-a124922.html