Giá sách giáo khoa tăng tác động không đáng kể tới lạm phát
Thời điểm này, có ý kiến lo ngại giá sách giáo khoa tăng, ảnh hưởng tới lạm phát. Theo quy định, Bộ Giáo dục và Đào tạo định giá tối đa; các tổ chức, cá nhân kinh doanh sách giáo khoa định giá cụ thể nhưng không cao hơn mức giá do Bộ quy định và bảo đảm phù hợp với phương pháp định giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, quy định tại Luật Giá 2023.
Định giá đảm bảo quyền lợi của các bên
Trước đó, có đoàn đại biểu Quốc hội đã gửi kiến nghị đến Bộ Tài chính đề nghị nghiên cứu và đưa ra giải pháp khi giá sách giáo khoa (SGK) hàng năm thay đổi và có xu hướng tăng liên tục làm ảnh hưởng rất lớn đến hộ gia đình khó khăn, không đủ điều kiện mua sách cho con em theo học.
Bộ Tài chính cho biết hiện nay, trước đây, giá SGK được quản lý theo quy định tại Luật Giáo dục, Luật Xuất bản, Luật Giá năm 2012 và văn bản hướng dẫn. Theo các quy định này, SGK không thuộc danh mục mặt hàng do Nhà nước định giá, bình ổn giá, mà thuộc danh mục mặt hàng thực hiện kê khai giá. Giá SGK do các doanh nghiệp, nhà xuất bản tự quyết định, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Tăng giá sách tác động lớn tới xã hội
Do SGK là mặt hàng thiết yếu với 17,6 triệu học sinh phổ thông trên cả nước, do đó, việc điều chỉnh, điều tiết giá SGK là khoản kinh phí lớn và tác động trên diện rộng; dù thay đổi giá một cuốn SGK không nhiều nhưng tổng chung của kinh phí toàn xã hội bỏ ra là con số rất lớn.
Vừa qua, Bộ Tài chính nghiên cứu, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Giá số 16/2023/QH15 và có hiệu lực thi hành từ tháng 7/2024, trong đó, SGK được đưa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.
Bộ Giáo dục và Đào tạo định giá tối đa, các tổ chức, cá nhân kinh doanh SGK định giá cụ thể nhưng không cao hơn mức giá do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định và phải bảo đảm phù hợp với căn cứ, nguyên tắc, phương pháp định giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, quy định tại Luật Giá 2023.
Theo đó, kể từ ngày 1/7/2024, SGK sẽ được định giá theo nguyên tắc bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh hợp lý, hợp lệ, lợi nhuận (nếu có) phù hợp với mặt bằng thị trường, bảo đảm phù hợp với cung cầu hàng hóa, dịch vụ, điều kiện thị trường tại thời điểm định giá và chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ.
Do SGK là mặt hàng thiết yếu với 17,6 triệu học sinh phổ thông trên cả nước, do đó, việc điều chỉnh, điều tiết giá SGK là khoản kinh phí lớn và tác động trên diện rộng; dù thay đổi giá một cuốn SGK không nhiều nhưng tổng chung của kinh phí toàn xã hội bỏ ra là con số rất lớn.
Giảm chi phí để giảm giá sách giáo khoa
Trong báo cáo mới đây của Ban Chỉ đạo điều hành giá đã có đánh giá tác động của giá SGK đến chỉ số CPI năm 2024.
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã kê khai giảm giá SGK tái bản (lớp 1 đến lớp 11 và không bao gồm sách tiếng Anh) so với các năm trước (mức giảm bình quân là 9,6% và 11,2% tùy từng bộ sách). Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, ước tính giá SGK giảm góp phần làm cho CPI năm 2024 giảm khoảng 0,01 điểm phần trăm.
Đối với SGK các lớp: 5, 9, 12 mới áp dụng từ năm học 2023-2024, theo ý kiến của Tổng cục Thống kê, phương án giá SGK đối với các lớp học này, các Nhà xuất bản góp phần làm tăng chỉ số CPI từ 0,01-0,04 điểm phần trăm.
Vào hồi đầu năm, lãnh đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết, SGK từ lớp 1 đến 12 sẽ được giảm giá khoảng 10-24% trong năm học mới này, nhằm chia sẻ khó khăn với phụ huynh học sinh.
Đối với SGK tái bản (lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10, 11), Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã rà soát các khoản mục chi phí liên quan, đặc biệt là chi phí tổ chức bản thảo, các chi phí khâu lưu thông để giảm giá SGK.
Theo đó, giá bìa mới của các cuốn SGK tái bản áp dụng từ năm học 2024-2025 được điều chỉnh giảm so với các năm trước. Cụ thể giá bìa bộ SGK Kết nối tri thức với cuộc sống giảm 9,6%, giá bìa bộ SGK Chân trời sáng tạo giảm 11,2%.
Đối với giá SGK các lớp 5, 9, 12, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xây dựng giá theo cơ cấu giá đã giảm của SGK tái bản. Giá SGK các lớp đã được Nhà xuất bản hoàn thành thủ tục kê khai với Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính theo đúng quy định./.
Chuẩn bị sớm phương án điều hành giá dịch vụ công
Bình quân 7 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 4,12% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,73%. Để thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra và thực hiện lộ trình giá thị trường các dịch vụ công và mặt hàng do Nhà nước quản lý, từ đầu năm đến nay, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổ chức triển khai quyết liệt nhiều giải pháp.
Trong đó, chuẩn bị sớm phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, các dịch vụ công theo lộ trình thị trường; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp; tổ chức, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều hành phù hợp.