Gia tăng bệnh nhân mắc cúm mùa

Thời tiết thay đổi, không khí lạnh tăng cường khiến gia tăng tình trạng trẻ em và người lớn, người cao tuổi mắc các bệnh hô hấp, đặc biệt là cúm mùa.

Ngày 5/12, Trung tâm Y tế TP. Điện Biên Phủ nhận thông tin từ Trạm Y tế phường Noong Bua ghi nhận một số học sinh tại Trường THCS Him Lam nghỉ học có biểu hiện sốt, ho, đau họng, đau đầu, mệt mỏi, hắt hơi, sổ mũi. Sau khi tiến hành điều tra, xác minh, Trung tâm Y tế thành phố đã lấy 10/21 mẫu xét nghiệm PCR gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh xét nghiệm tìm nguyên nhân. Kết quả 9/10 mẫu dương tính với Cúm A/H3 hay còn gọi là cúm mùa.

Ngay sau khi xác định các trường hợp mắc cúm A, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chỉ đạo Trung tâm Y tế thành phố giám sát, điều tra, xác minh, tiến hành các biện pháp khoanh vùng, xử lý dịch theo quy định. Thông báo tình hình dịch cúm với chính quyền địa phương; thực hiện vệ sinh môi trường trong và ngoài lớp học, phun khử khuẩn tại lớp học có trẻ bị bệnh, vệ sinh bàn ghế, đồ dùng lớp học; phát bài truyền thông cách phòng bệnh cúm và hướng dẫn các biện pháp cách ly điều trị trường hợp bị bệnh tại khu vực nội trú của nhà trường. Cơ quan y tế hướng dẫn học sinh và giáo viên trong trường thực hiện đeo khẩu trang, đảm bảo khoảng cách, vệ sinh cá nhân trong phòng, chống dịch.

Bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng vi rút cúm A (H3N2), cúm A (H1N1), cúm B và cúm C. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, qua nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc, cười hoặc nói chuyện; do tiếp xúc chạm tay vào bề mặt vật dụng bị nhiễm vi rút sau đó đưa tay lên mũi, miệng, dụi mắt hoặc dùng chung đồ uống, bàn chải đánh răng với người bệnh; tiếp xúc với động vật nhiễm cúm A.

Mọi người đều có khả năng nhiễm bệnh cúm mùa. Đặc biệt, người già, người đang mắc các bệnh mãn tính, suy giảm miễn dịch, trẻ nhỏ, trẻ đẻ non, suy dinh dưỡng... là những đối tượng dễ mắc cúm do sức đề kháng kém.

Bác sĩ Nguyễn Toàn Thắng, Phó Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: Hiện nay, ngoài 20 ca học sinh mắc bệnh cúm tại Trường THCS Him Lam có thêm một số trường hợp tại các trường học khác trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ. Các ca mắc cúm trên địa bàn thành phố thường đi khám tại cơ sở y tế và điều trị tại nhà. Triệu chứng khi mắc cúm là ho, đau họng, cảm thấy mệt mỏi, nhức xương, đau đầu, ớn lạnh, sốt, nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi. Với trẻ em có thể kèm theo các triệu chứng của đường tiêu hóa (buồn nôn, tiêu chảy). Đây là bệnh truyền nhiễm thông thường, hầu hết bệnh nhân có triệu chứng nhẹ và hồi phục trong vòng 2 - 7 ngày. Tuy nhiên, với trẻ em, thai phụ, người cao tuổi, có bệnh nền mạn tính dễ biến chứng nguy hiểm đến tính mạng nếu không được thăm khám và điều trị kịp thời.

Chị Nguyễn Vân Anh, phường Tân Thanh (TP. Điện Biên Phủ) cho biết: Con gái tôi đang học mẫu giáo lớn, mấy hôm nay cháu có tình trạng người mệt mỏi, biếng ăn, nôn khan, sốt cao, uống thuốc hạ sốt nhưng không đỡ. Tôi đã đưa cháu đi đến cơ sở y tế khám và làm xét nghiệm, được bác sĩ chẩn đoán con mắc cúm A.

Không chỉ trẻ nhỏ, ngay cả người lớn có sức đề kháng tốt cũng mắc cúm A. Chị Lò Thị Thanh, xã Thanh Nưa (huyện Điện Biên) chia sẻ: Mấy ngày gần đây, tôi đi lại, tiếp xúc với nhiều người, về nhà cũng bị ho, ngạt mũi, sốt nên hôm nay tôi đi khám mới biết mình bị cúm A. Tôi được bác sĩ kê đơn thuốc về nhà điều trị và dặn dò cách chăm sóc sức khỏe, chế độ ăn uống nên cũng yên tâm hơn.

Để kịp thời ngăn chặn cúm mùa lây lan thành dịch, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chỉ đạo các trung tâm y tế huyện, thị, thành phố tăng cường công tác giám sát phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh; tập huấn nâng cao trình độ của cán bộ các tuyến để phát hiện, giám sát, điều tra xác minh và báo cáo kịp thời và chính xác tình hình. Tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe về cách nhận biết và phòng tránh cúm cho người dân. Tập trung phối hợp chặt chẽ với các ban ngành liên quan trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 6.033 trường hợp cúm mùa. Trong đó, ghi nhận 1 ổ dịch cúm A/H3 tại Trường THCS Võ Nguyên Giáp (xã Pá Khoang, TP. Điện Biên Phủ) với 147 ca, không có trường hợp biến chứng nặng và tử vong.

Chủ động phòng bệnh cúm, bác sĩ Thắng khuyến cáo, biện pháp hàng đầu là tiêm vắc xin phòng cúm định kỳ; đặc biệt là các đối tượng có nguy cơ cao cần được tiêm phòng đầy đủ trước mùa dịch. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi); không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết, nhất là những người mắc bệnh mạn tính, trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ có thai.

Mọi người dân cần thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, người dân không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần đến cơ sở y tế thăm khám và điều trị kịp thời.

Bài, ảnh: Thùy Trang

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/y-te/211285/gia-tang-benh-nhan-mac-cum-mua