Gia tăng các biện pháp phòng chống nguy cơ bùng phát dịch sởi tại khu vực phía Nam

Thời gian gần đây, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khu vực phía Nam đang ghi nhận sự quay trở lại của bệnh sởi. Nhiều trường hợp mắc bệnh tập trung chủ yếu ở nhóm trẻ dưới 24 tháng tuổi. Tỷ lệ tiêm chủng trong cộng đồng đang thấp tạo nên nguy cơ bùng phát bệnh lớn…

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Từ đầu năm 2024 đến nay các tỉnh, thành khu vực phía Nam đã ghi nhận 317 trường hợp sốt phát ban nghi sởi xuất hiện tại 19/20 tỉnh, thành. Hầu hết trẻ mắc bệnh sởi đều chưa được tiêm chủng vaccine hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ, trẻ có bệnh nền.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC), đến ngày 10/6, trên địa bàn Thành phố ghi nhận 16 ca mắc bệnh sởi xác định, phân bố tại 4/22 quận, huyện gồm Bình Tân (8 ca), Hóc Môn (5 ca), Bình Chánh (2 ca) và quận 8 (1 ca).

Tính đến hết tháng 4/2024, tỷ lệ trẻ tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi đối với lứa trẻ sinh năm 2018, 2019, 2020, 2021 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh lần lượt là 93,2%; 90,1%; 91,7% và 93,6%.

Mức bao phủ này đạt chỉ tiêu tối thiểu theo yêu cầu của Bộ Y tế nhưng chưa đạt chỉ tiêu mà Thành phố đề ra là trên 95%. Đây cũng là tỷ lệ bao phủ cần thiết để có thể tạo miễn dịch cộng đồng theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.

Tương tự Thành phố Hồ Chí Minh, báo cáo của Sở Y tế tỉnh Kiên Giang cho thấy từ ngày 7/4 đến ngày 8/6, địa phương này ghi nhận liên tiếp 159 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 95 ca sởi xác định (chiếm 60%).

Còn tại tỉnh Bến Tre, từ ngày 29/4 đến 07/6/2024 trên địa bàn tỉnh ghi nhận 12 trường hợp sốt phát ban nghi sởi nằm điều trị tại các bệnh viện: Bệnh viện Nhi đồng thành phố, bệnh viện Nhi đồng 1, bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu. Trong đó, có 08/12 trường hợp được lấy mẫu xét nghiệm, 04 ca có kết quả dương tính với sởi (01 ca có nguồn lây từ Thành phố Hồ Chí Minh có địa chỉ ở huyện Ba Tri) , 03 trường hợp còn lại đang điều tra dịch tễ ở các huyện Bình Đại (01), Thạnh Phú (02).

Đáng chú ý, bệnh phổ biến ở nhóm trẻ dưới 24 tháng tuổi và hầu hết trẻ chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ. Ngành Y tế khuyến cáo phụ huynh nên cho trẻ tiêm phòng bệnh sởi lúc 9 tháng tuổi và nhắc lại mũi hai vào lúc trẻ 18 tháng tuổi. Tiêm đủ hai mũi vaccine có thể bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ mắc bệnh lên đến 95%.

Nhằm chủ động trong công tác điều trị, phát hiện sớm và dự phòng các nguy cơ lây nhiễm, hạn chế sự bùng phát thành dịch bệnh, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các bệnh viện trên địa bàn khẩn trương rà soát các nguồn lực, dự trù thuốc, sinh phẩm xét nghiệm, thiết bị y tế, vật tư y tế đảm bảo kịp thời tiếp nhận điều trị người bệnh theo phân tuyến.

Đồng thời, các bệnh viện rà soát, củng cố quy trình tiếp nhận, sàng lọc tiêu chí phân loại người bệnh; tổ chức tập huấn lại cho tất cả nhân viên y tế tại đơn vị.

Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện đảm bảo công tác khám và chẩn đoán bệnh sởi kịp thời, đánh giá đúng tình trạng bệnh để phát hiện sớm và thực hiện cách ly đối với các trường hợp nghi sởi hoặc mắc sởi; chỉ định nhập viện tránh quá tải và giảm lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Đối với các trường hợp người bệnh sởi trở nặng, nguy kịch, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị chủ động hội chẩn với Tổ chuyên gia điều trị bệnh sởi của thành phố để được hỗ trợ, tư vấn về chuyên môn hoặc chuyển người bệnh đến các bệnh viện tuyến cuối.

Tổ điều trị gồm các chuyên gia đầu ngành của Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới.

Đồng thời, Sở Y tế cũng lưu ý trước khi chuyển viện, đơn vị phải thực hiện hội chẩn với bệnh viện tuyến trên để chuẩn bị các điều kiện tiếp nhận người bệnh và đảm bảo chuyển viện an toàn.

Riêng đối với Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Sở Y tế yêu cầu chủ động chuẩn bị các nguồn lực như thuốc, thiết bị y tế, vật tư y tế, giường bệnh... sẵn sàng tiếp nhận các trường hợp bệnh sởi nặng từ các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố và các tỉnh, thành phố khác chuyển đến.

Bên cạnh đó, các bệnh viện tăng cường hội chẩn, tư vấn và hỗ trợ chuyên môn đối với các bệnh viện tuyến dưới theo phân tuyến và các bệnh viện theo hệ thống chỉ đạo tuyến được Bộ Y tế phân công; tiếp tục duy trì hoạt động giao ban chuyên môn định kỳ với các bệnh viện tuyến cuối của các tỉnh, thành phố phía Nam về công tác điều trị bệnh sởi và các bệnh lý truyền nhiễm khác đang lưu hành.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) cần tăng cường công tác truyền thông về nguy cơ mắc bệnh sởi và các biện pháp phòng, chống; khuyến khích người dân tiêm vaccine; khuyến cáo phụ huynh cần phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh sởi ở trẻ để kịp thời thăm khám tại các cơ sở y tế.

Ngoài ra, HCDC thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình bệnh sởi nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế.

Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra, lây từ người sang người qua đường hô hấp. Trẻ mắc bệnh thường có biểu hiện sốt, viêm đường hô hấp, đường tiêu hóa và mắt kèm, nổi ban đặc trưng. Nếu chưa được tiêm phòng, sởi rất dễ gây ra biến chứng cho trẻ như viêm phổi, viêm đường hô hấp, viêm não, thậm chí ảnh hưởng tính mạng.

Thi Nguyễn

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/gia-tang-cac-bien-phap-phong-chong-nguy-co-bung-phat-dich-soi-tai-khu-vuc-phia-nam.htm