Gia tăng các vụ bắt cóc nhằm vào giới đầu tư tiền số

Một loạt vụ bắt cóc tống tiền trong thời gian gần đây đã khiến các nhà đầu tư tiền số trên toàn cầu trở nên hoang mang. Để bảo vệ bản thân, họ buộc phải thuê vệ sĩ và tăng cường các biện pháp bảo mật.

Cảnh sát được triển khai ở Mereau (Pháp) sau vụ bắt cóc doanh nhân David Balland

Cảnh sát được triển khai ở Mereau (Pháp) sau vụ bắt cóc doanh nhân David Balland

Cơn ác mộng trong đêm Giáng sinh

Mohammed Arsalan lớn lên trong một gia đình lao động ở thành phố Karachi của Pakistan. Anh làm mọi việc để kiếm sống. Đến năm 17 tuổi, đại dịch Covid-19 đã cuốn đi tất cả số tiền tích cóp của anh. Gần như không còn một xu dính túi, Arsalan lên mạng internet để giải khuây. Nhưng cũng chính từ đây anh tìm ra cơ hội đổi đời và kiếm được số tiền lớn nhờ sự bùng nổ của đồng tiền số Bitcoin.

Để học cách giao dịch tiền kỹ thuật số, Arsalan tự ghi lại cách thức hoạt động của thị trường. Do điện thoại không đủ dung lượng để lưu trữ các video, anh đã tải chúng lên các nhóm trên mạng xã hội Facebook. Và điều khiến anh bất ngờ là mọi người đã chú ý đến và xem các video đó. Arsalan cho biết, trong 5 năm, từ số vốn ban đầu chỉ 24 USD, anh đã tích lũy được 340.000 USD nhờ đầu tư vào Bitcoin và các đồng tiền số khác. Trên hành trình của mình, chàng trai 23 tuổi này đã thu hút hơn 160.000 người theo dõi trên nhiều kênh truyền thông xã hội khác nhau. “Tiền số là lĩnh vực kinh doanh duy nhất chấp nhận tôi khi tôi còn nghèo” - Arsalan chia sẻ.

Nhưng đêm Giáng sinh 2024, Arsalan bị một nhóm giả danh cảnh sát ép lên xe. Các đối tượng dễ dàng vượt qua những trạm kiểm soát và lái xe rời khỏi Karachi. Sau 1 giờ di chuyển, chúng dừng xe lại và dí súng vào đầu buộc Arsalan phải mở khóa ví điện tử. Khi về đến nhà, Arsalan chạy ngay đến máy tính và mở khóa ví của mình trên sàn Binance thì thấy lượng tiền số mà anh tích lũy được trong 5 năm đã “không cánh mà bay”. “Tôi đã làm việc rất cực nhọc để có số tiền này. Sau vụ đó, tôi không còn tin bất cứ ai nữa” - Arsalan nói. Anh cho biết, có 2 cảnh sát địa phương đã bị mua chuộc để tham gia vụ bắt cóc. Nhờ lần theo manh mối trên blockchain, Arsalan đã lấy lại được khoảng 160.000 USD nhưng phần còn lại vẫn bị niêm phong làm tang vật.

Sử dụng mọi thủ đoạn để ép nạn nhân

Không chỉ Arsalan, các vụ bắt cóc nhằm vào những nhà đầu tư tiền số khác đã tăng vọt trong 18 tháng qua. Theo truyền thông, đến nay đã xảy ra ít nhất 231 vụ tấn công nhằm vào những người nắm giữ tài sản kỹ thuật số. Gần 1/3 trong số này xảy ra kể từ đầu năm 2024.

Năm nay đã xảy ra vụ băng đảng người Pháp cắt ngón tay của một doanh nhân, tạt xăng đe dọa cha của một người có ảnh hưởng trên mạng xã hội và tìm cách bắt cóc con gái của một giám đốc điều hành ngay trên đường phố Paris. Trong khi đó ở New York (Mỹ), một nhà đầu tư người Italia đã bị giam giữ và tra tấn trong nhiều tuần tại một căn hộ. Ngoài ra, một người nổi tiếng ở thành phố Houston (bang Texas) thì bị đe dọa bằng súng và hành hung ngay tại nhà. 3 kẻ tấn công đã yêu cầu nạn nhân phải chuyển số tiền điện tử trị giá hàng triệu USD cho chúng.

Khi ngành công nghiệp tiền số phát triển thì giá trị tài sản lưu trữ trong các ví tiền điện tử cũng tăng vọt. Chính vì vậy, chúng thường bị bọn tội phạm nhắm tới và từ lâu đã phải hứng chịu các cuộc tấn công mạng tinh vi. Hiện nay, công nghệ blockchain cho phép lưu giữ thông tin giao dịch minh bạch, công khai, nhưng danh tính “chủ ví” lại thường được cho là ẩn danh. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư lầm tưởng rằng họ không dễ bị tội phạm nhắm đến. Nhưng trên thực tế, khi số tài sản lưu giữ lên tới hàng triệu USD, các băng nhóm tội phạm đã tìm cách truy dấu và tiếp cận “con mồi”. Chúng sẵn sàng đột nhập nhà riêng, khống chế nạn nhân để buộc mở khóa ví. Một số thậm chí hối lộ cả nhân viên sàn giao dịch. Mới đây, một nhóm nhân viên hỗ trợ của Coinbase tại Ấn Độ bị cáo buộc nhận tiền để tiết lộ thông tin cá nhân của hơn 70.000 người dùng.

“Chỉ mất vài phút để tra ra địa chỉ nhà ai đó. Ví tiền số của chúng tôi đều hiển thị công khai, giao dịch mỗi ngày lên tới hàng triệu USD. Do đó, kẻ xấu có thể tìm đến tận nơi” - ông Louis d’Origny, nhà sáng lập FTXCreditor nói. Ông cũng cho biết, người đồng sáng lập công ty ông đã phải chuyển nhà vì lo ngại bị lộ thông tin cá nhân. “Các giao dịch tiền số gần như tức thì, chúng không cần ngân hàng phê duyệt nên kẻ bắt cóc dễ dàng tẩu tán tiền ngay lập tức. Nhiều người nghĩ mình ẩn danh nhưng thực ra không phải vậy” - ông d’Origny cho hay.

Các vụ bắt cóc nhằm vào những nhà đầu tư tiền số đã tăng vọt trong 18 tháng qua

Các vụ bắt cóc nhằm vào những nhà đầu tư tiền số đã tăng vọt trong 18 tháng qua

Mất trắng số tiền tiết kiệm cả đời

Vụ bắt cóc Arsalan ở Pakistan cho thấy, những kẻ bắt cóc không chỉ nhắm vào các triệu phú hay những nhà đầu tư phương Tây. Trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến 2023, một băng nhóm tại bang Florida (Mỹ) đã truy cập dữ liệu cá nhân của những nhà đầu tư tiền điện tử hàng ngày và có thể đánh cắp tiền từ ví của họ. Theo Bộ Tư pháp Mỹ, băng nhóm này sau đó đã thực hiện 4 vụ đột nhập nhà riêng nhằm vào các nạn nhân ở Bắc Carolina, Texas và Florida. Họ bị gí súng ép phải mở ví, trong khi người thân trong gia đình bị trói. Mẹ của một nhà đầu tư đã bị tra tấn. Một nhà đầu tư khác cũng bị bắt cóc và được tìm thấy cách nhà anh ta 193km.

Theo hồ sơ tòa án, 2 trong số các vụ tấn công nhắm vào người cao tuổi. “Tôi luôn mơ ước có được khoảng thời gian nghỉ hưu tốt đẹp. Tôi đã làm việc chăm chỉ để có được điều đó. Tôi cảm thấy mình xứng đáng được như vậy” - một nạn nhân 70 tuổi nói trong phiên tòa. Chồng bà bị bệnh Parkinson, họ đã hy vọng có thể cùng nhau vui sống những năm tháng cuối đời. Nhưng cặp vợ chồng này đã mất 3 triệu USD tiền điện tử theo giá trị năm 2022 do bị lừa đảo. Không dừng lại ở đó, băng nhóm tội phạm còn đột nhập vào nhà và chĩa súng vào họ yêu cầu đưa thêm những tài sản khác cho chúng. “Tiền tiết kiệm cả đời của tôi đã bị mất hết” - bà nói.

Mặc dù rủi ro ngày càng tăng, nhưng báo cáo của Công ty bảo hiểm GlobalData cho thấy chỉ khoảng 10% nhà đầu tư trên thế giới mua bảo hiểm cho tài sản số. Hiện mới chỉ có 2 công ty cung cấp gói bảo hiểm bắt cóc và tiền chuộc cho doanh nghiệp tiền điện tử, đó là Aon và Canopius. Trong khi đó, dù bị mất số tài sản lớn, Arsalan vẫn tiếp tục giao dịch tiền số với hy vọng lấy lại những gì đã mất trong vòng 1 năm. “Chúng lấy tiền nhưng không lấy được trí não của tôi” - Arsalan khẳng định.

Nhu cầu thuê vệ sĩ tăng mạnh

Những vụ tấn công táo tợn xảy ra thời gian gần đây đã khiến các nhà đầu tư tiền số trên toàn cầu trở nên hoang mang. Để bảo vệ bản thân, họ buộc phải thuê vệ sĩ và tăng cường các biện pháp bảo mật. “Tôi từng thích không gian sống của mình vắng bóng vệ sĩ, nhưng bây giờ tôi lại muốn họ ở gần hơn” - một nhà đầu tư tiền số người Mỹ giấu tên cho biết. Trong khoảng một tháng qua, 2 vệ sĩ luôn theo sát ông ngay cả khi đi dạo quanh khu nhà. “Mọi người đều thận trọng hơn” - nhà đầu tư này nói.

Trong 6 tháng qua, công ty cung cấp dịch vụ an ninh Infinite Risks International đã chứng kiến nhu cầu thuê vệ sĩ từ giới đầu tư tiền số tăng mạnh. Các yêu cầu bao gồm bảo vệ những cuộc họp nhóm đến bảo vệ toàn bộ gia đình suốt ngày đêm. Trong đó, Paris dẫn đầu về nhu cầu thuê vệ sĩ vì Pháp nổi lên như một “điểm nóng” về các vụ tấn công nhằm vào các nhà đầu tư tiền số, đặc biệt là sau vụ bắt cóc doanh nhân David Balland (người đồng sáng lập Công ty Ledger) hồi tháng 1-2025 và tội phạm đã cắt đứt ngón tay của ông. Hội nghị cộng đồng Ethereum diễn ra vào cuối tháng 6 tại thành phố Cannes (Pháp), nhưng không khí khác hẳn so với năm ngoái. Những người tổ chức hội nghị cho biết, sự kiện này huy động lực lượng bảo vệ quy mô lớn nhất từ trước đến nay, bao gồm cả cảnh sát địa phương.

Bên cạnh đó, các công ty cũng đang thực hiện những biện pháp để bảo vệ lãnh đạo của mình. Kraken - sàn giao dịch lớn thứ hai tại Mỹ - hiện đã bố trí vệ sĩ 24/7 cho các lãnh đạo cấp cao. Matthew Liu - đồng sáng lập nền tảng Origin Protocol - cho biết, ông đang học bắn súng, sử dụng ví đa chữ ký và luôn có đội bảo vệ khi tham dự hội nghị. “Chi phí thuê vệ sĩ không hề rẻ, nhưng so với nguy cơ bị bắt cóc hoặc bị tấn công, đó vẫn là lựa chọn an toàn hơn” - ông Liu nói. Công ty của ông Liu cũng đã đưa ra một quy tắc mới khi nhóm tham dự các hội nghị: Không đăng bài cho đến sau sự kiện.

“Nhiều nhà đầu tư tiền số ngày càng ý thức về sự rủi ro, đặc biệt là sau khi chia sẻ công khai hoặc chia sẻ quá mức thông tin chi tiết về thành công và lối sống xa hoa của họ trên mạng” - ông Jethro Pijlman làm việc tại Công ty dịch vụ an ninh Infinite Risks International nói về khách hàng của mình.

Theo Guardian/Telegraph

Hoàng Cường

Theo Guardian/Telegraph

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/gia-tang-cac-vu-bat-coc-nham-vao-gioi-dau-tu-tien-so-post616706.antd