Gia tăng các vụ kiện, doanh nghiệp Việt cần chủ động phòng vệ thương mại

Theo các chuyên gia, doanh nghiệp cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng ứng phó thông qua việc nâng cao chất lượng sản phẩm, thường xuyên cập nhật thông tin về các biện pháp phòng vệ thương mại và xu hướng thị trường quốc tế, đồng thời nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng phó cho nhân viên...

Theo thống kê của Bộ Công Thương, tính đến hết tháng 10/2024, có tới 14/25 nước thuộc nhóm thị trường châu Á, châu Phi và châu Đại dương đã điều tra 146/267 vụ việc đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Các mặt hàng bị điều tra tương đối đa dạng như vật liệu xây dựng, các sản phẩm gỗ, hóa chất, nông, lâm, thủy sản...

Theo Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, xét tại thị trường khu vực châu Á - châu Phi và châu Đại Dương là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, nhưng đồng thời đây cũng là thị trường đang có nhiều vụ điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Cùng với sự tăng trưởng nhanh của xuất khẩu, các thị trường quốc tế cũng gia tăng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam.

Cùng với sự tăng trưởng nhanh của xuất khẩu, các thị trường quốc tế cũng gia tăng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam.

Bà Trương Thùy Linh, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), nhận định: "Phạm vi sản phẩm bị điều tra ngày càng đa dạng, không chỉ ở các mặt hàng xuất khẩu lớn như tôm, cá tra, thép, gỗ, pin mặt trời mà còn mở rộng sang các sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu trung bình và nhỏ như máy cắt cỏ, mật ong, đĩa giấy, ghim dập..."

Bên cạnh đó, các tiêu chuẩn trong điều tra phòng vệ thương mại ngày càng khắt khe. Các cơ quan điều tra nước ngoài đòi hỏi cao ở nhiều khía cạnh như thời hạn trả lời, yêu cầu bổ sung thông tin, và rất khó gia hạn. Kết quả kháng kiện phụ thuộc nhiều vào sự phối hợp giữa các bên liên quan, bao gồm việc cơ quan quản lý nhà nước cung cấp thông tin kịp thời, hỗ trợ doanh nghiệp và các hiệp hội ngành hàng.

Để ứng phó hiệu quả, các doanh nghiệp sản xuất cần chủ động thiết lập hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc minh bạch, đảm bảo đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu, đồng thời lưu giữ đầy đủ sổ sách, chứng từ để chứng minh không bán phá giá khi bị điều tra. Việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cũng là chiến lược cần thiết nhằm giảm thiểu rủi ro.

Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương cho rằng, khi một doanh nghiệp bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại thì cả một ngành hàng hay hàng hóa từ một địa phương của Việt Nam sẽ cùng bị áp dụng mức thuế cao.

“Do đó, sự phối hợp và chủ động giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp không chỉ để bảo vệ quyền lợi chính đáng của chính doanh nghiệp đó mà còn là trách nhiệm chung với cộng đồng doanh nghiệp", Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương bày tỏ.

Chia sẻ kinh nghiệm thực tế từ ngành nhôm Việt Nam, ông Nguyễn Minh Kế, Chủ tịch Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam, cho biết, để ứng phó tốt với các cuộc điều tra phòng vệ thương mại, doanh nghiệp cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng ứng phó thông qua việc nâng cao chất lượng sản phẩm, thường xuyên cập nhật thông tin về các biện pháp phòng vệ thương mại và xu hướng thị trường quốc tế, đồng thời nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng phó cho nhân viên, bên cạnh việc xây dựng hệ thống lưu trữ hồ sơ chi tiết và có tổ chức để dễ dàng cung cấp khi cần thiết.

Trong quá trình ứng phó với các cuộc điều tra phòng vệ thương mại, việc thu thập chứng cứ là bước quan trọng, trong đó doanh nghiệp cần tập trung vào 3 loại chứng cứ chính gồm dữ liệu giá cả, chứng cứ thiệt hại và hồ sơ tài chính.

Ngoài ra, việc hợp tác chặt chẽ với cơ quan điều tra cũng là yếu tố quan trọng để bảo đảm quá trình điều tra diễn ra suôn sẻ và công bằng, cùng với tìm kiếm hỗ trợ pháp lý chuyên nghiệp và học hỏi từ các trường hợp thực tế, giúp doanh nghiệp chuẩn bị tốt hơn cho các cuộc điều tra phòng vệ thương mại

Theo ông Tô Ngọc Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương, xuất khẩu chung của Việt Nam những tháng cuối năm 2024 kỳ vọng sẽ đạt những kết quả tích cực. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức sẽ không ít khi cạnh tranh tại thị trường xuất khẩu truyền thống ngày càng lớn, hiện tượng ban hành các biện pháp bảo hộ tại một số thị trường xuất hiện ngày càng nhiều như Ấn Độ, Asean; xu hướng áp đặt các tiêu chuẩn nhập khẩu mới, tiêu dùng xanh bền vững, đang ngày càng phổ biến.

Đặc biệt, bà Trương Thùy Linh cho rằng, xu hướng điều tra của thị trường ngày càng khắt khe, cụ thể là đặt ra những yêu cầu cao đối với Chính phủ, doanh nghiệp bị điều tra; phạm vi điều tra ngày càng mở rộng, bao gồm các nội dung mới như điều tra xem xét phạm vi sản phẩm, điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Đồng thời, mức thuế phòng vệ thương mại có thể bị đẩy lên do vấn đề kinh tế thị trường.

“Từ các nguy cơ trên, các cơ quan địa phương sẽ là kênh thông tin quan trọng cho các doanh nghiệp địa phương; là cơ quan đầu mối, cánh tay nối dài của các cơ quan trung ương; phối hợp cung cấp thông tin phục vụ điều tra. Theo đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan trung ương tăng cường hơn nữa các hoạt động trao đổi, đào tạo, tập huấn; tích cực nâng cao kiến thức phòng vệ thương mại đối với doanh nghiệp”- bà Trương Thùy Linh bày tỏ.

Hồng Hương

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/gia-tang-cac-vu-kien-doanh-nghiep-viet-can-chu-dong-phong-ve-thuong-mai-1103629.html