Gia tăng nhiều bệnh do thời tiết giao mùa

Thời tiết ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc bước vào nồm ẩm, đây là điều kiện để cho virus, vi khuẩn, nấm mốc sinh sôi phát triển, làm gia tăng các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt ở trẻ em. Chuyên gia cảnh báo, không chỉ các bệnh như viêm phổi, cúm, hen phế quản, viêm mũi dị ứng,… mà thời tiết nồm ẩm cũng làm lây lan bệnh sởi, thủy đậu, ho gà nếu trẻ không tiêm vaccine.

Khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn đang có khoảng 100 bệnh nhi điều trị, trong đó phần lớn trẻ mắc viêm phổi, cúm, sốt virus… Nhập viện được 2 ngày, tình trạng ho, sốt của bé gái 4 tuổi P.M.G đã đỡ hơn. Mẹ bé cho biết, 5 ngày trước bé có triệu chứng ho, sốt, gia đình tự mua thuốc về uống nhưng không đỡ, bé ho dữ dội hơn và chuyển sang thở khò khè. Đưa con vào Bệnh viện Thanh Nhàn khám, bé được chẩn đoán viêm phổi và có chỉ định nhập viện.

Thời tiết nồm ẩm dễ làm trẻ em mắc bệnh hô hấp.

Thời tiết nồm ẩm dễ làm trẻ em mắc bệnh hô hấp.

Theo BS Vũ Thị Mai, Khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn, có trẻ được đưa đến khám trong tình trạng thở nhanh, thở gắng sức và phải hỗ trợ cho thở ôxy. Các phụ huynh cho biết diễn tiến bệnh của trẻ rất nhanh, dù chỉ ít ngày trước đó trẻ mới húng hắng ho. Đặc biệt, cha mẹ không nên tự ý mua thuốc kháng sinh hoặc thuốc theo đơn cũ, dễ gây kháng thuốc, không hiệu quả trong điều trị. Khi con có dấu hiệu như khó thở, sốt cao khó giảm, ho nhiều hơn, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế.

Giai đoạn mùa đông xuân với nền nhiệt trong ngày thay đổi thất thường và độ ẩm cao sẽ làm tăng nguy cơ bùng phát nhiều dịch bệnh. Thời tiết nồm ẩm là điều kiện thuận lợi cho các loại virus, vi khuẩn và nấm mốc có thể sinh sôi, gây nên nhiều loại bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt với trẻ nhỏ. Trong đó cần lưu ý đến các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ lây nhiễm trong thời tiết này như thủy đậu, sốt virus, bệnh sởi...

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, từ đầu năm 2024 đến nay, Thủ đô ghi nhận 9 ca mắc ho gà, trong khi cùng kỳ năm 2022 và 2023 không ghi nhận ca bệnh. Đa số trẻ mắc ho gà đều chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vaccine phòng bệnh. Trong các ca phải nhập viện điều trị có nhiều trẻ sơ sinh chỉ vài tuần tuổi ho rũ rượi, nhiều đờm, sốt nhẹ và khi xét nghiệm đều dương tính với ho gà.

Ngoài ho gà, chuyên gia dịch tễ cũng cảnh báo về bệnh sởi năm 2024 nằm trong chu kỳ 4-5 năm có nguy cơ bùng phát dịch này. Bệnh sởi xuất hiện quanh năm nhưng thường gặp vào mùa Đông – Xuân. Trẻ em mắc sởi rất dễ gây các biến chứng nghiêm trọng và đặc biệt, nếu không được cách ly tốt, bệnh rất dễ lây chéo và trở thành dịch.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong năm 2024, nguy cơ dịch sởi bùng phát tại nước ta là rất cao bởi 3 lý do: Trong thời gian dịch COVID-19, nhiều trẻ không được tiêm vaccine sởi; năm trước, có những lúc thiếu vaccine sởi cục bộ; dù tỷ lệ tiêm vaccine sởi cao (90-95%) thì vẫn còn 5-10% trẻ không được tiêm vaccine. Tích lũy 5 năm sẽ có 50% trẻ sinh ra trong 1 năm mắc sởi và như vậy con số mắc tuyệt đối rất cao.

Ông Phu cho rằng, số trẻ không được bảo vệ bởi vaccine tăng dần qua các năm và thành một số lượng lớn, nên khi dịch xảy ra, nguy cơ bùng phát là rất cao. Đây cũng là lý do vì sao giới chuyên môn thường nói tới chu kỳ dịch 4-5 năm/lần. Để phòng dịch, bên cạnh nhóm tiêm đúng lịch (mũi 1 lúc 9 tháng tuổi và mũi nhắc lại lúc 18 tháng tuổi), ngành Y tế cần có kế hoạch tổ chức tiêm vét, tiêm bù cho những trẻ chưa được tiêm, đặc biệt chú ý đến vùng lõm tiêm chủng.

Đối với tiêm vaccine sởi, PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, tỷ lệ tiêm chủng vaccine sởi trên phạm vi toàn quốc đã đạt tỷ lệ hơn 95%. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của COVID-19, nhiều trẻ đã không được tiêm vaccine sởi, và mặc dù vaccine sởi có thiếu nhưng chỉ thiếu rải rác. Tuy nhiên, theo logic chu kỳ bùng phát dịch sởi nên không được chủ quan. Ngành Y tế đặt ưu tiên trong quý I/2024 tiêm chủng bù mũi, tiêm vét cho trẻ em đảm bảo an toàn tiêm chủng, đặc biệt một số vaccine phòng chống dịch trong mùa đông xuân như sởi, rubella, đồng thời tăng cường giám sát các bệnh trong tiêm chủng mở rộng.

Chuyên gia y tế cũng cảnh báo người dân về bệnh thủy đậu có thể bùng phát khi thời tiết nồm ẩm. Điển hình, Bệnh viện Nội tiết Trung ương gần đây tiếp nhận nhiều người bị thủy đậu có bệnh nền đái tháo đường vào nhập viện. Với những bệnh nhân đái tháo đường, khi mắc thủy đậu, bệnh diễn biến rất nặng, có trường hợp biến chứng tăng huyết áp, suy tuyến thượng thận. Điển hình là nữ bệnh nhân 64 tuổi (Nghĩa Hưng, Nam Định) được chẩn đoán mắc thủy đậu bội nhiễm viêm phổi, nhiễm khuẩn tiết niệu, đái tháo đường type 2, tăng huyết áp, rối loạn Lipid máu.

Trần Hằng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/y-te/gia-tang-nhieu-benh-do-thoi-tiet-giao-mua-i725156/