Gia tăng sản phẩm văn hóa-du lịch xanh, lấy cộng đồng làm trung tâm
Trong bối cảnh mới, giải pháp, mô hình quản lý nào để làng rau Trà Quế (phường Hội An Tây, thành phố Đà Nẵng) tiếp tục phát triển một cách bền vững theo hướng du lịch xanh, phát huy mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa danh hiệu 'Làng du lịch tốt nhất năm 2024' đã được Tổ chức Du lịch Liên hiệp quốc (UN Tourism vinh danh)?
Hợp tác công-tư trong quản lý hoạt động du lịch
Bên cạnh các hoạt động nông nghiệp, từ năm 2020, Hội An đã tổ chức khai thác hoạt động hướng dẫn tham quan trên cơ sở triển khai phương án phát triển du lịch cộng đồng tại làng rau Trà Quế (xã Cẩm Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam trước đây)
Trước thời điểm sáp nhập, mô hình quản lý ở làng rau có sự tham gia và liên kết giữa Trung tâm Văn hóa- Thể thao và Truyền thanh-Truyền hình thành phố (đơn vị được thành phố Hội An giao tổ chức, khai thác hoạt động hướng dẫn tham quan), UBND xã Cẩm Hà (nhà quản lý) và cộng đồng địa phương (người dân trực tiếp tham gia, hưởng lợi). Sự đồng thuận và chia sẻ trách nhiệm chính là nền tảng vững chắc cho sự phát triển.
Bên cạnh đó còn có sự tư vấn, hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế giúp nâng cao năng lực quản lý, phát triển du lịch bền vững theo các tiêu chuẩn quốc tế.

Tại Trà Quế hiện có 202 hộ dân với 326 lao động trực tiếp tham gia sản xuất rau trên diện tích 18 hecta đất canh tác, mang lại nguồn thu nhập tương đối ổn định
Qua gần 5 năm triển khai mô hình này, hoạt động du lịch tại làng rau Trà Quế đã đạt nhiều kết quả khả quan, mang lại hiệu quả sâu rộng cho cộng đồng.
Ngoài việc đem lại thu nhập trực tiếp cho các hộ dân tham gia tổ chức các hoạt động trải nghiệm, phục vụ du khách, các hộ dân còn lại cũng được hỗ trợ về giống cây, phân bón, dụng cụ lao động thông qua phần kinh phí trích lại cho UBND Cẩm Hà từ hoạt động bán vé tham quan.
Nhận diện cơ hội, thách thức trong bối cảnh mới
Sau sắp xếp, sáp nhập, hiện nay Trung tâm Văn hóa- Thể thao và Truyền thanh-Truyền hình Hội An có tên gọi mới là Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An, là đơn vị trực thuộc Sở VHTTDL thành phố Đà Nẵng.
Theo bà Trương Thị Ngọc Cẩm-Phó Giám đốc Trung tâm, thời gian qua, với chức năng, nhiệm vụ được giao chỉ dừng lại ở việc tổ chức hướng dẫn tham quan và một số hoạt động trải nghiệm cơ bản.
Loại hình, sản phẩm du lịch chưa được phong phú nên chưa tăng được sức hấp dẫn mạnh đối với du khách. Cơ sở hạ tầng thiết yếu vẫn chưa được đầu tư, sắp xếp bài bản để phục vụ du khách.
Việc sắp xếp, vận hành chính quyền địa phương hai cấp thời gian chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến công tác quản lý, vận hành điểm đến.

Làng rau Trà Quế đã đạt được những thành công nhất định với mô hình làng du lịch dựa vào cộng đồng, gắn kết quá trình lao động, sản xuất của người dân với hoạt động du lịch nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo
Du lịch xanh không chỉ là một xu thế tất yếu mà còn là định hướng phát triển mang tầm nhìn chiến lược, hướng tới mục tiêu hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo tồn văn hóa, bảo vệ môi trường. Làng rau Trà Quế có nhiều điều kiện thuận lợi để mở rộng cơ hội thu hút phân khúc khách hàng chất lượng cao này.
Để đạt được mục tiêu này, vai trò của một mô hình quản lý hiệu quả là vô cùng cần thiết, trong đó sự tham gia, phối hợp chặt chẽ giữa các bên là yếu tố then chốt.

Làng rau Trà Quế hiện có 23 cơ sở lưu trú, 16 nhà hàng cùng nhiều loại hình dịch vụ bổ sung mang đến các cơ hội việc làm và hưởng lợi trực tiếp cho cư dân địa phương
Ông Cao Chinh, đại diện Hợp tác xã Làng rau Trà Quế cũng thừa nhận, mặc dù hiện tại chính quyền cùng cộng đồng nơi đây luôn nỗ lực để bảo tồn cảnh quan làng nghề. Tuy nhiên, Trà Quế cũng chịu những áp lực không nhỏ từ quá trình đô thị hóa, việc phát triển kinh tế cũng ảnh hưởng đến không gian xanh, cảnh quan truyền thống.
Ở góc độ nông dân trực tiếp tham gia sản xuất, ông Chinh cũng chia sẻ thêm về mô hình quản lý du lịch hiện tại lấy người dân làm trung tâm, nhưng thực tế thì việc tạo ra sinh kế và thu nhập bền vững từ du lịch cho người dân ở đó còn rất ít. Đang xảy ra nguy cơ thế hệ trẻ không còn mặn mà với nghề canh tác rau truyền thống, làm mai một các tri thức dân gian quý giá.
Nếu không có sự vận động, đổi mới, mô hình quản lý du lịch hiện tại sẽ đối mặt với sự cạnh tranh từ các làng nghề, điểm đến du lịch xanh có giá trị tương đồng.
Các giải pháp đề xuất
Trong bối cảnh mới, cần có những giải pháp, mô hình quản lý để hoạt động du lịch tại làng rau Trà Quế tiếp tục phát triển một cách bền vững theo hướng du lịch xanh, phát huy hiệu quả danh hiệu "Làng du lịch tốt nhất 2024" do UN Tourism vinh danh.
Đây cũng là vấn đề được chính những người dân ở làng Trà Quế, doanh nghiệp du lịch, lữ hành, các chuyên gia, những nhà hoạch định chính sách, cũng như ngành du lịch Quảng Nam (cũ) và Đà Nẵng (mới) quan tâm, đặt ra tại hội thảo “Mô hình quản lý điểm đến du lịch xanh - Cách tiếp cận từ các bên liên quan” do Sở VHTTDL Quảng Nam (cũ) tổ chức ngay trước thời điểm sắp xếp, sáp nhập vào TP. Đà Nẵng (mới).

Thông qua các hoạt động du lịch đã góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa – lịch sử, nghề trồng rau truyền thống, lễ hội cầu bông độc đáo của địa phương.
Nhiều gợi ý về các giải pháp, mô hình quản lý du lịch bền vững tại làng rau Trà Quế trong bối cảnh mới cũng được trao đổi, để từ đó có thể hoạt động hiệu quả, nâng tầm thương hiệu, thu hút du khách và hướng đến khả năng nhân rộng mô hình tại nhiều điểm đến du lịch xanh, du lịch cộng đồng của TP. Đà Nẵng.
Ở góc độ đơn vị được giao tổ chức, khai thác hoạt động hướng dẫn, tham quan tại làng rau Trà Quế trước thời điểm sáp nhập, Trung tâm VH-TT&TT-TH Hội An trước đây (nay là Trung tâm QLBTDSVH Hội An, thuộc Sở VHTTDL thành phố Đà Nẵng) đưa ra một số đề xuất như:
Tiếp tục kế thừa định hướng phát triển đô thị sinh thái – văn hóa – du lịch, trên cơ sở Nghị quyết số 31 của Tỉnh ủy Quảng Nam trước đây. Cùng với đó, cụ thể hóa các nhiệm vụ xây dựng Hội An- Thành phố sáng tạo, nghiên cứu phát triển, tạo giá trị gia tăng cho các sản phẩm văn hóa mang dấu ấn làng rau Trà Quế gắn với phát triển du lịch.
Tiếp tục củng cố, phát triển hoạt động du lịch tại làng rau trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa bản địa đặc sắc, lấy cộng đồng cư dân làm trung tâm, hình thành các dịch vụ, trải nghiệm du lịch xanh, du lịch văn hóa độc đáo.

Đề xuất mở rộng không gian du lịch, phát triển thêm các sản phẩm du lịch văn hóa- xanh tại làng rau trong thời gian đến
Mở rộng không gian du lịch theo hướng sông Cổ Cò và đầm Trà Quế, đồng thời chú trọng liên kết các hoạt động, dịch vụ tại 2 khu vực Đông và Tây làng rau theo hướng bổ trợ lẫn nhau, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ như: check-in vườn hoa, hoạt động trải nghiệm nghề chài lưới,, khai thác rong trên sông...
Tiếp tục thực hiện các cam kết với UN Tourism nhằm duy trì và nâng cao các tiêu chí “Làng du lịch tốt nhất”, tận dụng cơ hội nhằm quảng bá, nâng cao giá trị thương hiệu làng rau và tăng cường tìm kiếm các cơ hội hợp tác. Đẩy mạnh hợp tác, liên kết phát triển du lịch, mô hình liên kết công - tư, liên kết các điển đến để cùng nhau phát triển.