Gia tăng tai nạn đuối nước: Chung tay để vơi đi những ám ảnh, xót xa…
Gần 2.000 trẻ em thiệt mạng mỗi năm, cá biệt tại một số địa phương có thời điểm điểm một tuần có tới 7 học sinh chết đuối… Đó là những con số hết sức ám ảnh. Đau xót hơn nữa là thực trạng đuối nước ở trẻ em tái diễn từ năm nay đến năm khác. Đã đến lúc toàn xã hội phải chung tay và có những hành động thiết thực để ngăn chặn thực trạng này, trong đó, việc tuyên truyền một cách quy mô, bài bản và trang bị các kỹ năng về phòng chống đuối nước, tạo môi trường sống an toàn cho trẻ là giải pháp quan trọng.
“Lúc đó khoảng hơn 1h chiều, trời nắng chang chang. Thấy có tiếng kêu cứu cùng với tiếng khóc ré lên từ phía ngoài hồ, tôi hốt hoảng chạy ra thì thấy trên bờ một em đã được vớt lên nằm thoi thóp thở còn 3 em nữa mặt mũi tím tái, chỉ biết kêu khóc. Hỏi thì một em chỉ tay xuống lòng nước sâu trong hồ và nói không nên câu vì đã kiệt sức “Ở dưới còn 7 người nữa”. Tất cả 7 em đều nằm cùng một chỗ dưới dòng nước sâu cách bờ chừng 4m nên sau đó không khó tìm các thi thể xấu số. Trước đây, anh Sĩ từng tham gia cứu người chết đuối ở hồ này nhưng chưa bao giờ anh cảm thấy kinh hoàng như vụ việc này, có đến 8 em bị chết đuối thương tâm”.
“Cơn sóng đánh mạnh cuốn phăng cả 8 em học sinh. Chúng tôi bàng hoàng như không tin vào mắt mình. Tiếng người la í ới, tiếng kêu gào thảm thiết… Cả đời tôi chưa bao giờ thấy cảnh tượng nào ám ảnh đến vậy” - bà Sen (xã Bình Minh, Thăng Bình) bàng hoàng kể lại. "9 em học sinh khoảng từ 14 - 15 tuổi đi dọc bờ biển rồi dừng lại chụp ảnh. Khi một học sinh đang đứng trên bờ chụp, 8 em khác đứng sát bờ biển cầm tay nhau tạo dáng thì cơn sóng lớn từ ngoài biển ập đến cuốn phăng cả 8 em”.
Trên đây là ba đoạn tường thuật trên báo chí, ghi lại lời kể của nhân chứng về ba vụ đuối nước. Một vụ diễn ra từ tháng 9/2012 tại Mỹ Đức (Hà Nội), một vụ xảy đến năm 2019 tại Quảng Nam, và một vụ vừa xảy đến tại Cần Thơ ngày 30/5/2024 vừa qua. Ba vụ diễn ra trong 3 khoảng thời gian khác nhau, tại 3 địa phương khác nhau, tại cả 3 miền đất nước, để thấy được điều gì? - Đó là việc đuối nước đã trở thành thực trạng ám ảnh, diễn ra tại hầu hết các địa phương trong cả nước, tái diễn từ năm nay tới năm khác, với những con số, câu chuyện hết sức đau lòng.
Mặc dù có xu hướng giảm, nhưng trung bình mỗi năm vẫn có khoảng 2.000 trẻ em, học sinh tử vong do đuối nước, khiến Việt Nam đang là quốc gia có tỷ suất đuối nước trẻ em cao trên thế giới. Thống kê năm 2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trung bình mỗi ngày Việt Nam có khoảng 6 trẻ em dưới 16 tuổi tử vong do đuối nước. Năm 2015, con số này là 7 và năm 2010 là 9.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân gây ra nhiều vụ đuối nước ở Việt Nam là do môi trường tự nhiên tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn, cả miền Bắc, miền Trung, miền Nam đều nhiều sông ngòi, kênh rạch, ao mùa nguy cơ tiềm ẩm luôn hiện hữu và đe dọa sự an toàn của trẻ em Việt Nam.
Bên cạnh đó, môi trường gia đình, cộng đồng còn nhiều yếu tố chưa bảo đảm an toàn, có thể gây đuối nước trẻ em như việc nhiều nơi còn tình trạng bể nước không có nắp đậy, nhiều công trình xây dựng không có rào chắn, thiếu biển báo tại các hố nước hoặc không lấp bỏ các hố nước sau khi kết thúc xây dựng; nhiều ao, hồ tưới tiêu trong các khu vực nương rẫy, khu dân cư không bảo đảm an toàn; các khúc sông, hồ nước sâu, nước xoáy gần khu dân cư không có rào chắn, biển cảnh báo nguy hiểm; hệ thống kè sông, hồ còn được thiết kế có dốc trượt nguy hiểm...
Điều đáng quan ngại hơn nữa là sống trong một môi trường tiềm tàng nhiều mối nguy như vậy nhưng theo một thống kê từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa ra cách đây 2 năm, trung bình cả nước chỉ khoảng 30% trẻ em biết bơi. Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, đến hết năm 2022, với hơn 25.000 trường học trên cả nước thì tổng số trường học có bể bơi là trên 2.100 trường (chiếm tỷ lệ gần 9%). Tỷ lệ học sinh cấp tiểu học và trung học được dạy bơi và biết bơi của cả nước mới đạt 33,59%; còn lại hơn 66,4% học sinh chưa được học bơi và chưa biết bơi. Phần lớn trẻ em Việt Nam thiếu kỹ năng an toàn trong môi trường nước; không quen nhận biết “vùng nguy hiểm”. Nhiều địa phương chưa hoặc bố trí ít kinh phí cho chương trình phòng chống đuối nước trẻ em.
Những tai nạn đuối nước đầy ám ảnh, những con số đáng quan ngại nói trên… cho thấy đã đang tồn tại và tái diễn sự chủ quan, thậm chí tắc trách, thiếu trách nhiệm trong công tác bảo đảm an toàn cho trẻ nhỏ, còn quá nhiều những bất cập, tồn tại, thậm chí là yếu kém, lỏng lẻo trong việc giáo dục, đào tạo, truyền thông, tuyên truyền về kiến thức, kĩ năng an toàn trong môi trường nước cho người dân nói chung, trẻ em nói riêng…
Đơn cử như công tác dạy bơi và kỹ năng cho trẻ em mới chỉ tổ chức theo đợt, tự phát, phạm vi nhỏ lẻ, chưa liên tục, đôi khi theo phong trào... nên hiệu quả chưa đáng được bao nhiêu. Nhiều diễn đàn, giải pháp, họp bàn, cam kết nhưng đâu lại vào đó, các vụ đuối nước năm sau lại nhiều hơn năm trước.
Chống đuối nước hiện trở thành ưu tiên hàng đầu trong Kế hoạch hành động quốc gia phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021 - 2030 mà Chính phủ ban hành. Việt Nam đã đặt mục tiêu giảm 10% trẻ em tử vong do đuối nước năm 2025 và 20% vào năm 2030.
Trên hết, để không còn những ám ảnh, day dứt, xót xa từ những tai nạn đuối nước quá đỗi thương tâm, để cha mẹ ông bà không mất con, mất cháu, anh/chị không mất đi những đứa em… thì cần hơn nữa sự chung tay thực chất và quyết liệt hơn của toàn xã hội.
Đơn cử như các địa phương cần dựng các biển báo, biển cấm tại những nơi có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước, quy hoạch, tạo nhiều sân chơi an toàn, lành mạnh để thu hút các em học sinh, nhất là thời điểm nghỉ hè. Bố trí hoặc có cơ chế thu hút các nhà đầu tư xây dựng các bể bơi đảm bảo tiêu chuẩn để các em có nơi học bơi. Tại các nhà trường cũng cần xem xét đầu tư bể bơi, đưa môn bơi, kỹ năng thoát hiểm vào thành một bài học. Các cơ quan truyền thông báo chí cần đẩy mạnh hơn nữa mức độ và hiệu quả tuyên truyền về phòng chống đuối nước… Đưa thông tin tuyên truyền phòng chống đuối nước lên các nền tảng mạng xã hội nhiều người sử dụng...
Và trên hết là sự quan tâm, giám sát từ chính mỗi gia đình: Có cách quản lý thời gian của con cái; cảnh báo về các mối nguy hiểm, đặc biệt là chủ động dạy bơi cho con em, hoặc trang bị cho trẻ những kỹ năng an toàn cần thiết khi tiếp xúc với sông nước, kỹ năng tự bảo vệ mình... Các cụ ngày xưa từng có câu “Có phúc đẻ con biết lội, có tội đẻ con biết trèo’’… là vì vậy.