Gia tăng trẻ nhập viện do thời tiết nồm ẩm

Thời tiết nồm ẩm hiện nay là điều kiện thuận lợi cho vi rút, vi khuẩn phát triển khiến số trẻ mắc bệnh hô hấp, tiêu hóa, truyền nhiễm gia tăng.

Các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Hạ Hòa thăm khám cho bệnh nhi.

Tại Khoa Nhi, Trung tâm Y tế huyện Hạ Hòa, những ngày gần đây ghi nhận số trẻ nhập viện gia tăng. Đa số trẻ bị bệnh cúm, viêm phế quản, viêm phổi, tiêu chảy. Hiện trung bình mỗi ngày, Khoa điều trị từ 70-80 bệnh nhi.

Ở nhà liên tục sốt cao, bệnh nhi N.H.T xuất hiện tình trạng mệt mỏi, lờ đờ nên được gia đình đưa đến khám tại Trung tâm Y tế huyện Hạ Hòa. Tại đây, bé được chẩn đoán nhiễm cúm A và được điều trị kịp thời nên đã cắt sốt, đỡ mệt mỏi và ăn uống được.

Cúm mùa xảy ra hàng năm, thường vào mùa đông xuân. Có 4 chủng virus cúm mùa gồm: A, B, C và D, trong đó cúm A và B là hai chủng virus chính ở người có thể gây ra các đợt dịch. Bệnh cúm thông thường diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày. Nhưng cúm ác tính có thể gây nên những tổn thương phổi rất nhanh chóng, từ đó dẫn tới tử vong.

BSCKII. Đỗ Văn Hòa - Trưởng khoa Nhi – Trung tâm Y tế huyện Hạ Hòa cho biết: “Biểu hiện chính của cúm A là sốt, đau cơ, mệt mỏi, viêm long đường hô hấp, đau họng, có thể kèm theo các triệu chứng của đường tiêu hóa (buồn nôn, nôn, tiêu chảy), trẻ mệt mỏi, ăn kém, quấy khóc. Vì vậy, trẻ nhỏ khi có các triệu chứng như ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời. Ngoài cúm mùa, độ ẩm không khí cao gây tụ hơi nước, đặc biệt trên sàn, kính, quần áo, đồ dùng, là môi trường thuận lợi cho nấm mốc và các loại virus, vi khuẩn phát triển mạnh, là nguyên nhân khiến nhiều căn bệnh khác như sởi, thủy đậu, các bệnh hô hấp... có nguy cơ gia tăng. Trẻ nhỏ, người già, người có bệnh nền là những người có hệ miễn dịch yếu, sức chống chọi với vi khuẩn, vi rút kém nên dễ nhiễm bệnh”.

Dự báo thời gian tới, số trẻ khám và điều trị sẽ tiếp tục tăng, do hình thái khí hậu nồm, ẩm dự kiến còn kéo dài. Để phòng bệnh, các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần cho trẻ tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các bệnh đã có vắc xin dự phòng; thường xuyên lau khô sàn nhà, cửa kính, vật dụng, tránh đồ đạc bị ẩm mốc, tạo điều kiện virus, vi khuẩn phát triển. Ngoài ra cần chú ý nâng cao thể trạng cho trẻ: Cho trẻ ăn uống đủ chất, bổ sung vitamin khoáng chất, vitamin tổng hợp theo lứa tuổi…; tăng cường thực phẩm giàu đạm để bổ sung dinh dưỡng giúp cơ thể nhanh phục hồi; giữ gìn vệ sinh cá nhân như rửa tay sạch với xà phòng diệt khuẩn hoặc dung dịch sát khuẩn trước khi ăn, khi đi từ ngoài về nhà, sau khi đi vệ sinh; hạn chế đưa tay tiếp xúc vùng mắt, mũi, miệng; tránh tập trung nơi đông người, đặc biệt là tiếp xúc với những người bị cúm; cần đeo khẩu trang khi đi ra ngoài để để hạn chế lây nhiễm. Nếu bố mẹ phát hiện những dấu hiệu bất thường của con, cần sớm đưa trẻ đến cơ sở y tế, tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ.

Hiền Nguyễn

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//y-te/gia-tang-tre-nhap-vien-do-thoi-tiet-nom-am/192162.htm