Gia tăng trẻ ở TP.HCM nhập viện do tai nạn sinh hoạt

Khi thời gian nghỉ hè bắt đầu, số lượng trẻ gặp tai nạn gia tăng do độ tuổi hiếu động và sự bất cẩn, thiếu cảnh giác từ phía người nhà.

Đêm 23/6, bé trai 3 tuổi được chuyển đến khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), sau tai nạn điện giật. Trong phòng lọc bệnh, các bác sĩ nỗ lực cấp cứu, hỗ trợ hô hấp cho bé. Bên ngoài dãy ghế chờ, gia đình bệnh nhi bần thần, thấp thỏm lo âu.

Hàng năm, cứ vào kỳ nghỉ hè, số lượng trẻ nhỏ phải cấp cứu do gặp tai nạn sinh hoạt tại nhà, khu vui chơi lại bắt đầu gia tăng.

Bé trai 3 tuổi nói trên được cấp cứu kịp thời, không ảnh hưởng tính mạng. Tuy nhiên, nhiều trẻ khác không may mắn như thế.

Nhiều tai nạn bất ngờ

Bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết nhờ được phát hiện và đưa đến bệnh viện kịp thời, bé trai bị điện giật may mắn được cứu, tình trạng đã ổn và không ảnh hưởng tính mạng.

Trước đó, một trẻ 4 tuổi bị đuối nước khi được gia đình đưa đi chơi tại khu du lịch ở Bình Dương.

"Thời điểm được phát hiện, bé đã rơi vào nguy kịch và chết não trên đường chuyển đến đây. Chúng tôi cố gắng nhưng không thể cứu được", bác sĩ Phương nói với Zing.

 Các bác sĩ khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1, đang cấp cứu cho bệnh nhi có tình trạng nặng lúc chiều 24/6. Ảnh: Bích Huệ.

Các bác sĩ khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1, đang cấp cứu cho bệnh nhi có tình trạng nặng lúc chiều 24/6. Ảnh: Bích Huệ.

Theo bác sĩ Phương, dịp nghỉ hè luôn là thời điểm số ca cấp cứu gia tăng do trẻ gặp nhiều tai nạn sinh hoạt. Tùy theo điều kiện sinh sống, các tai nạn thường gặp có sự khác nhau, đa số đều là các tình huống bất ngờ do tính hiếu động và sự chủ quan của người lớn, như điện giật, bỏng, đuối nước, hóc dị vật...

Đa số ca tai nạn nhẹ được chuyển đến phòng khám ngoại khoa để can thiệp, riêng khoa Cấp cứu sẽ tiếp nhận ca cấp cứu nặng, cần xử trí hồi sức.

Tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Cát Phương Vũ, khoa Khám bệnh, cho biết ở các bệnh viện nhi đồng nói chung, số lượng trẻ phải cấp cứu do tai nạn sinh hoạt thường khá cao, trong đó nhiều nhất là giai đoạn trẻ nghỉ hè.

Trung bình mỗi tháng, các phòng khám sàng lọc cấp cứu tiếp nhận khoảng 30-50 ca tai nạn sinh hoạt. Các tai nạn này chủ yếu là bất cẩn nuốt dị vật, hóc sặc, uống nhầm thuốc, ngã xe, tủ đè, ngạt nước, ngộ độc thực phẩm chủ ý hoặc vô tình.

 Bàn tay sưng phù, tím tái của bé gái do bị vật nặng đè lên. Ảnh: Phương Vũ.

Bàn tay sưng phù, tím tái của bé gái do bị vật nặng đè lên. Ảnh: Phương Vũ.

Điển hình là mới đây, bé gái 2 tuổi (ngụ Vĩnh Lộc B, Bình Chánh) suýt mất mạng do chui đầu vào dây ba lô đang treo ở vách tường. Lúc nhập viện, cả người bé tím tái, lơ mơ, trợn mắt, thở yếu. May mắn, em được cứu sống do chuyển viện kịp thời.

Trước đó, một bé gái gặp sinh hoạt đáng tiếc khiến phần bàn tay sưng phù, dập nát do vật nặng đè lên tay. Lúc chuyển viện, bàn tay đã tím tái, nguy cơ đoạn chi cao. Sau nhiều lần mổ tái thông mạch máu và truyền máu và ghép da, các bác sĩ mới giữ được bàn tay cho bé.

Bác sĩ chuyên khoa II Vũ Hiệp Phát, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho hay số ca cấp cứu do tai nạn sinh hoạt nhập tại đơn vị này đang có dấu hiệu gia tăng trong khi thời điểm nghỉ hè của trẻ bắt đầu.

"Hầu hết tai nạn này đến từ bỏng nước sôi, uống nhầm hóa chất, đuối nước, ong đốt, rắn cắn, ngã cầu thang, ngoài ra còn có những tai nạn từ các thiết bị điện, tai nạn do thú cưng, hít phải các chất độc hại, ngộ độc...", bác sĩ Phát thông tin.

Nguy hiểm “rình rập” bất kỳ thời điểm nào

Theo bác sĩ Vũ Hiệp Phát, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các tai nạn sinh hoạt ở trẻ là sự bất cẩn, thiếu cảnh giác từ phía người nhà. Bên cạnh đó, trẻ nhỏ có tính cách hiếu động nhưng một số phụ huynh chủ quan trong quá trình chăm sóc con.

Với các ca cấp cứu đuối nước, trẻ thường gặp tại nạn ở nơi nhiều ao, hồ, sông, suối và cả trong hồ bơi. Trẻ nhỏ có xu hướng tụ tập lại để tắm mát, giải trí và gặp phải các tai nạn ngạt nước đau lòng.

Tùy thuộc vào thời gian đuối nước, nếu ngắn, trẻ có thể được cứu chữa kịp thời nhưng vẫn để lại di chứng não. Nguy hiểm hơn, đuối nước quá lâu có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của trẻ.

 Phụ huynh cùng trẻ nhỏ chờ trước phòng khám tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Ảnh: Duy Hiệu.

Phụ huynh cùng trẻ nhỏ chờ trước phòng khám tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Ảnh: Duy Hiệu.

Trường hợp bị bỏng do nước sôi, cháy nổ nhập viện cũng không ít. Thương tích của bỏng không chỉ làm da hư, nhiễm trùng mà còn để lại sẹo co rút, sẹo lồi, thậm chí không qua khỏi.

Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng đang điều trị cho các trẻ bị ong đốt, rắn cắn. Qua tìm hiểu bệnh sử, các em gặp những sự cố này khi tham gia hoạt động vui chơi ngoài trời. Trẻ được mang đến đây trong tình trạng tổn thương đa cơ quan (gan, thận...) và được các bác sĩ hồi sức tích cực.

Một tai nạn sinh hoạt không mong muốn khác là trượt chân, ngã. Bác sĩ Phát cho biết tuần qua, đơn vị này tiếp nhận những bệnh nhi nhập viện trong tình trạng tụ máu dưới màng cứng do ngã cầu thang. Trẻ may mắn giữ được mạng sống nhưng không loại trừ khả năng di chứng sau này.

"Trước tình hình này, chúng ta rất cần sự chủ động phòng tránh từ phía người nhà, người chăm sóc trẻ, hãy thường xuyên để mắt tới mọi hoạt động của trẻ bởi nguy hiểm luôn rình rập bất kỳ thời điểm nào", bác sĩ Phát cảnh báo.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết trong thời điểm một số bệnh truyền nhiễm như tay chân miệng, sốt xuất huyết tiếp tục lây nhiễm nhanh ở phía nam, phụ huynh cũng nên chú ý đến những tai nạn sinh hoạt ở trẻ nhỏ.

"Gia đình phải luôn có người trông trông nom trẻ, đặc biệt là nhóm trẻ dưới 3 tuổi. Các tai nạn này có thể để lại di chứng nặng nề nếu cấp cứu muộn. Do đó, phụ huynh hãy cẩn thận thiết kế ngôi nhà an toàn cho trẻ", bác sĩ Tiến khuyến cáo.

Bích Huệ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/gia-tang-tre-o-tphcm-nhap-vien-do-tai-nan-sinh-hoat-post1329421.html