Giá tăng từng ngày, nông dân miền Tây hồ hởi trồng lúa

Ấn Độ cấm xuất khẩu một số loại gạo nên giá lúa gạo tại đây liên tục tăng. Nông dân trồng lúa và ngành nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long vui mừng vì thêm cơ hội mở rộng thị trường, xuất khẩu giá tốt.

Nông dân phấn khởi

Bà Nguyễn Thị Tiền là một trong nhiều nông dân ở xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang xuống giống lúa hè thu sớm và hiện đã thu hoạch. Vụ này bà Tiền làm 2ha giống lúa OM18. Do gieo sạ sớm, né được thời tiết bất lợi nên trúng đậm, đạt trên 6 tấn/ha. Bà Tiền cho biết lúa mới trổ đòng đã có thương lái đến đặt cọc. "Không khen chê như mọi khi, thương lái còn tranh nhau mua, cân tại chân ruộng 6.500 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, tôi còn lời khoảng 60 triệu đồng", bà Tiền nói.

Tương tự tại Cần Thơ, hàng chục nghìn ha lúa thu đông ở huyện Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, đang giai đoạn làm đòng. Giá lúa ở mức cao từ đầu năm đến nay và liên tục tăng mấy ngày qua khiến nhiều nông dân rất phấn khởi. Cùng với đó, giá nhiều loại phân bón giảm mạnh nên chi phí đầu vào trồng lúa cũng bớt căng thẳng như năm trước.

Ông Phan Văn Ơn ở xã Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ cho biết hiện 2 ha lúa thu đông của gia đình đang trổ bông, khoảng 40 ngày sau mới thu hoạch, dự kiến sản lượng khoảng 9 tấn mỗi ha. "Lúa đang trổ bông nhưng thương lái đã đến hỏi mua", ông Ơn nói. Cuối tuần trước, thương lái đòi đặt cọc mua lúa OM 5451 giá 6.400-6.500 đồng mỗi kg. Trong khi, sáng qua đã lên 6.700 đồng, còn lúa thơm là 7.000 đồng mỗi kg. Riêng lúa hạt dài vụ Đông Xuân trước, thương lái lùng sục mua giá 9.000 đồng mỗi kg.

Ông Huỳnh Ngọc Nhã, giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, cho hay do giá lúa từ đầu năm đến nay ở mức cao nên nông dân phấn khởi, đẩy diện tích gieo trồng tăng 1.500ha so với cùng kỳ năm ngoái, được khoảng 141.000ha, vượt 1,9% kế hoạch.

Nhiều tỉnh khác cũng tương tự. Như báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang, sáu tháng đầu năm 2023 toàn tỉnh đã xuống giống lúa được hơn 231.000ha. Riêng vụ hè thu, đến nay nông dân đã xuống giống trên 205.500 ha, tăng 6% so với vụ hè thu cùng kỳ năm trước.

 Nông dân miền Tây thu hoạch lúa hè thu phấn khởi vì giá lúa tăng.

Nông dân miền Tây thu hoạch lúa hè thu phấn khởi vì giá lúa tăng.

Số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, xuất khẩu gạo sáu tháng đầu năm 2023 đạt 4,27 triệu tấn với 2,3 tỷ USD, tăng 22,2% về khối lượng và tăng 34,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

Giá gạo Việt Nam xuất khẩu bình quân sáu tháng đầu năm nay ước đạt 539 USD một tấn, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Mới đây, gạo Việt có cơ hội tăng giá và ký hợp đồng lâu dài với các đối tác khi Ấn Độ - nước cung ứng lớn nhất thế giới - cấm xuất khẩu mặt hàng này.

Cần cẩn trọng

Ông Lê Quốc Điền, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho rằng để giữ vững vị thế gạo Việt trên thị trường thế giới, các địa phương cần nâng cao chất lượng bằng các giống lúa đặc sản; hướng dẫn nông dân giảm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận; liên kết nông dân và doanh nghiệp...

"Tuy nhiên theo ông Điền, khả năng năm sau sẽ rơi vào hạn hán, thiếu nước ở một số vùng cục bộ. Vì thế nông dân cần tính toán kỹ việc xuống giống tránh vì lợi nhuận trước mắt mà ào ạt xuống giống lúa vụ 3 ở những vùng đất không thuận lợi, nguy cơ bị ngập úng ảnh hưởng vụ mùa", ông Điền khuyến cáo.

Nông dân tập kết lúa chờ thương lái đến thu mua.

Nông dân tập kết lúa chờ thương lái đến thu mua.

Ở góc độ chuyên gia, Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, nguyên giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Cần Thơ cho rằng Ấn Độ là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Việc quốc gia này cấm xuất khẩu giới kinh tế gọi đây là cú sốc cung. Thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc giữa Nga và Ukraine cũng bị tạm hoãn, nên giá cả sẽ có tác động. "Đây không phải là lần đầu Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, họ thường làm thế. Mỗi lần như vậy đều có kết hợp diễn biến căng thẳng lương thực lúa gạo thế giới có ảnh hưởng đến giá xuất khẩu ngũ cốc, trong đó có gạo, ảnh hưởng đến lạm phát. Ngoài ra, giá lúa cao, người dân sẽ gia tăng diện tích, kéo theo sản lượng tăng, đầu vào sử dụng phân bón, thuốc... cũng nhiều hơn. Khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo giá lúa có tăng nhưng sau một thời gian giá lúa sẽ bình thường trở lại. Lúc này, sản lượng mình quá lớn, đi tìm nguồn cung sẽ rất vất vả", Tiến sĩ Võ Hùng Dũng nhấn mạnh.

Bài, ảnh: NGỌC THẢO

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/gia-tang-tung-ngay-nong-dan-mien-tay-ho-hoi-trong-lua-735926