Giá thép có thể chấm dứt đà giảm

Bức tranh chung của ngành thép hiện tại vẫn ảm đạm, nhưng dấu hiệu phục hồi dần xuất hiện từ cả thị trường nội địa và xuất khẩu.

Giá thép từ đầu năm đến nay có 19 đợt giảm, hiện ở mức thấp nhất 3 năm qua.

Giá thép từ đầu năm đến nay có 19 đợt giảm, hiện ở mức thấp nhất 3 năm qua.

Giá giảm sâu, sản lượng tiêu thụ bắt đầu tăng

Từ tháng 3/2023 đến nay, giá thép có 19 đợt điều chỉnh, tổng cộng hơn 14%, hiện dao động quanh mức 13,7 triệu đồng/tấn, thấp nhất trong vòng 3 năm qua.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, nguyên nhân giá thép trong nước liên tục giảm là do nhu cầu tiêu thụ chậm, số lượng các công trình dân dụng được khởi công còn ít, hoạt động đầu tư công dần được đẩy mạnh nhưng chưa đủ sức giúp thị trường thép tốt hơn. Trong khi đó, các nhà sản xuất trong nước còn phải cạnh tranh với thép giá rẻ từ Trung Quốc khi nước này liên tục hạ giá xuất khẩu.

Tuy nhiên, trong tháng 9/2023, sản lượng tiêu thụ thép ghi nhận mức cao nhất kể từ đầu năm, đạt gần 2,2 triệu tấn, tăng 4,7% so với tháng 8 và tăng 9,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tiêu thụ thép xây dựng đạt gần 1 triệu tấn, lần lượt tăng 9% và 4%.

Tính cả quý III/2023, ngành thép tiêu thụ gần 6,5 triệu tấn thành phẩm, tăng 6,3%, riêng xuất khẩu đóng góp hơn 2 triệu tấn, tăng 70% so với cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, bán hàng thép thành phẩm đạt gần 19 triệu tấn, giảm 10,8%; trong đó xuất khẩu gần 6 triệu tấn, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước đó, năm 2022, tiêu thụ thép thành phẩm đạt 27,3 triệu tấn, giảm 7,2% so với năm 2021.

Tín hiệu từ một số doanh nghiệp

Trong tháng 9/2023, Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán HPG) bán được 596.000 tấn thép các loại (không bao gồm sản phẩm ống thép, tôn mạ), tăng 7% so với tháng 8. Trong đó, thép xây dựng đóng góp 352.000 tấn, cao nhất kể từ đầu năm và tăng 15%. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, sản lượng bán hàng thép các loại đạt 4,6 triệu tấn, giảm 19% so với cùng kỳ.

Kỳ vọng lợi nhuận ngành thép sẽ dần cải thiện kể từ quý IV/2023 và sang năm 2024 có thể hồi phục 70 - 80%, chấm dứt giai đoạn lợi nhuận lao dốc và thua lỗ.

Tại Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP (VNSteel, mã chứng khoán TVN), sản lượng bán hàng trong tháng 9/2023 đạt hơn 268.000 tấn, tăng 8% so với tháng 8 và tăng 9% so với cùng kỳ. Trong đó, thép xây dựng đóng góp 204.300 tấn, tăng 23% so với tháng 8 và tăng 12% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, tiêu thụ thép thành phẩm các loại của VNSteel đạt trên 2 triệu tấn (riêng thép xây dựng đạt hơn 1,5 triệu tấn), giảm 23% so với cùng kỳ.

VNSteel dự báo, tình hình kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh toàn cầu nhiều khả năng sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường trong những tháng cuối năm 2023 và các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc phục hồi sản xuất - kinh doanh. Ngoài ra, rủi ro tỷ giá tạo sức ép lên chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu. Do đó, VNSteel đã xin ý kiến cổ đông về việc điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận trước thuế Công ty mẹ năm 2023 từ 52 tỷ đồng xuống 1 tỷ đồng.

Sau khi trải qua nửa đầu năm có nhiều khó khăn, thách thức, dẫn tới thua lỗ 371 tỷ đồng, Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại SMC (mã chứng khoán SMC) phấn đấu không lỗ trong nửa cuối năm 2023. Trong tháng 7/2023, SMC đã giải thể một công ty con do kinh doanh không hiệu quả. Mới đây, Công ty đã thông qua chủ trương thu hẹp hoạt động sản xuất - kinh doanh, nhân sự, tiết giảm tất cả các chi phí nhằm duy trì hoạt động.

Một số doanh nghiệp ghi nhận kết quả sản xuất kinh doanh trong quý gần nhất có sự cải thiện. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Thép lá tấm Thống Nhất (mã chứng khoán TNS) lãi 3,1 tỷ đồng trong quý III/2023, trong khi cùng kỳ lỗ 6,2 tỷ đồng. Do 2 quý trước đó lỗ lớn, nên lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, Công ty chỉ lãi 120 triệu đồng, giảm 86% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, khó khăn tiếp tục bủa vây Công ty cổ phần Gang Thép Thái Nguyên (mã chứng khoán TIS) khi quý III/2023 lỗ 58,5 tỷ đồng, đánh dấu quý thứ 5 lỗ liên tiếp. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, doanh nghiệp lỗ sau thuế 194 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 7 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Thép Vicasa - VNSteel (mã chứng khoán VCA) lỗ 2,7 tỷ đồng trong quý III/2023, trong khi cùng kỳ lỗ gần 22 tỷ đồng. Xét 9 tháng đầu năm, Công ty lãi 3,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 12,5 tỷ đồng.

Kỳ vọng cuối năm sẽ ổn định hơn

Theo ông Đào Minh Châu, Phó giám đốc Phân tích cổ phiếu, Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI, năm ngoái, phần lớn các doanh nghiệp thép ghi nhận mức lỗ cao nhất lịch sử do sự sụt giảm sản lượng và giá thép.

Dự báo, nửa cuối năm nay, lợi nhuận các doanh nghiệp sẽ cải thiện so với nửa cuối năm ngoái, với kỳ vọng sản lượng xuất khẩu ổn định hơn, các doanh nghiệp cũng không phải ghi nhận trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho.

“Giá thép đang ở mức thấp trong nhiều năm nên thời gian tới có khả năng dần phục hồi, song dự báo ở mức độ nào là rất khó. Sang năm 2024, các doanh nghiệp có thể phục hồi 70 - 80% lợi nhuận”, ông Châu nói.

Trong báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam nhận định, giá thép sẽ có xu hướng tăng nhẹ trong quý IV/2023, sau giai đoạn hàng tồn kho giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc được tiêu thụ. Do đó, biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp sẽ ít bị ảnh hưởng bởi đà tăng của giá quặng trong thời gian qua. Bên cạnh đó, chính sách hạn chế sản xuất thép thô trong quý IV/2023 của Trung Quốc (nhằm giảm tác hại tới môi trường) sẽ thúc đẩy giá bán tăng trong những tháng cuối năm.

Ngoài ra, giải ngân đầu tư công tính đến hết tháng 9 đạt 51,38% kế hoạch năm 2023. Giá thép chiếm khoảng 30% trong cơ cấu chi phí vật liệu xây dựng cơ sở hạ tầng. Vì thế, sự gia tăng đầu tư công trong những tháng cuối năm sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ đối với ngành thép. Như với Hòa Phát, một trong những nguyên nhân giúp tiêu thụ thép tháng 9 của doanh nghiệp này cao hơn tháng 8 chủ yếu là nhờ các dự án giao thông như Cao tốc Bắc - Nam, các dự án sân bay mới được triển khai và đẩy nhanh tiến độ.

Kiều Trang

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/gia-thep-co-the-cham-dut-da-giam-post332707.html