Giá thép xây dựng gặp khó khăn do nhu cầu trong nước thấp

Thị trường thép Việt Nam đã trải qua nhiều biến động từ đầu năm đến nay. Đến quý IV/2024, mặc dù thị trường giá thép trong nước vẫn ổn định, nhưng triển vọng tiêu thụ còn gặp nhiều thách thức, khiến giá bán chưa thể bứt phá.

Dù có những dấu khả quan nhưng các chuyên gia cho rằng ngành Thép hiện đang gặp khó khăn, đặc biệt do nhu cầu trong nước thấp. (Ảnh minh họa)

Dù có những dấu khả quan nhưng các chuyên gia cho rằng ngành Thép hiện đang gặp khó khăn, đặc biệt do nhu cầu trong nước thấp. (Ảnh minh họa)

Trong 9 tháng đầu năm 2024, giá thép xây dựng và giá thép cuộn cán nóng (HRC) đã lần lượt giảm 32% và 28% so với cùng kỳ năm 2023 do nhu cầu trong nước thấp. Nguyên nhân của tình trạng này đến từ lượng tiêu thụ thép ở thị trường lớn nhất thế giới là Trung Quốc giảm mạnh, nền kinh tế tăng trưởng chậm và thiếu các chính sách kích thích kinh tế mới, dẫn đến tồn kho quặng sắt tăng lên 140 triệu tấn. Từ quý II, giá sắt thép trên thế giới dần hồi phục nhờ nhu cầu tại Trung Quốc khởi sắc, đặc biệt trong mùa xây dựng cao điểm và sự hỗ trợ kinh tế từ Chính phủ.

Đối với thị trường trong nước, sự khởi sắc của thị trường bất động sản cuối năm 2023 và mùa xây dựng cao điểm đầu năm 2024 đã tạo bước đệm cho ngành Thép duy trì ổn định. Trong quý I, sản xuất thép thô đạt 5,38 triệu tấn, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, sau những tín hiệu phục hồi của quý I, ngành Thép trong nước lại nhanh chóng bước sang giai đoạn ảm đạm do nhu cầu tiêu thụ còn yếu do lĩnh vực bất động sản chưa phục hồi rõ rệt và các hoạt động xây dựng đang trong mùa thấp điểm. Kể từ tháng 6 đến nay, giá thép trong nước vẫn đi theo chiều hướng giảm.

Theo khảo sát của phóng viên, tại các đại lý phân phối, giá bán thép ngày 22/10 được người bán đánh giá là mức giá tốt cho người tiêu dùng. Chủ một cửa hàng đại lý phân phối thép Hòa Phát tại Hà Nội cho biết, chưa thể dự báo trước được xu hướng giá thép trong đầu năm 2025, vì vậy, khách hàng có nhu cầu đặt hàng thép xây dựng có thể đặt cọc tại thời điểm này và gửi tại kho của đại lý đến khi cần sử dụng.

Tuy nhiên, có một số đại lý khác lại cho rằng, giá thép trong quý I năm 2025 sẽ không thay đổi, vì vậy người tiêu dùng không cần phải lo lắng về giá cả và không cần đặt cọc trước.

Bảng báo giá của đại lý phân phối thép Hòa Phát ngày 22/10 tại Hà Nội.

Bảng báo giá của đại lý phân phối thép Hòa Phát ngày 22/10 tại Hà Nội.

Là khách hàng có nhu cầu mua thép để xây nhà vào tháng 2/2025, anh Nguyễn Việt Hùng (trú tại Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, anh đã khảo sát giá cả trên thị trường và nhận thấy giá thép ở thời điểm này đang rất tốt, nên đã đặt cọc trước 50%.

“Người bán hàng tư vấn cho tôi, nếu đầu năm 2025 thép có hạ giá, sẽ tính cho tôi theo giá mới. Còn nếu giá tăng, đại lý sẽ tính cho tôi theo giá tại thời điểm đặt cọc”, anh Hùng cho biết.

Theo anh Nguyễn Việt Anh (trú tại Đống Đa, Hà Nội), gia đình anh đã đặt cọc mua thép từ tháng 2/2024. Tại thời điểm đó, giá thép đang tăng cao, nên anh chỉ đặt cọc trước 30%, số còn lại chờ đến khi giá thép hạ mới mua tiếp để xây nhà. “Theo tôi, có dự định xây nhà thì cứ đặt tầm tháng 10 là được giá tốt nhất. Từ đầu năm, tôi đã xem nhiều dự đoán về giá thép nên đợi đến khi thị trường giá giảm mới đặt thêm tiền”, anh Việt Anh nói.

Ông Nguyễn Đức Dũng, Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) nhận định, thị trường thép trong nước sẽ trầm lắng từ tháng 9 và tiếp tục duy trì xu hướng giảm. Thời điểm cuối quý III vẫn đang trong mùa mưa, khiến cho các hoạt động xây dựng vẫn chưa có sự bứt phá. Đồng thời, lĩnh vực bất động sản mặc dù đã có dấu hiệu chuyển biến nhưng vẫn chưa thực sự cải thiện rõ rệt. Theo ông Dũng, sự phục hồi của ngành Thép trong năm nay chủ yếu vẫn xuất phát từ sự so sánh với mức nền thấp của năm ngoái.

Hà Trần

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/gia-thep-xay-dung-gap-kho-khan-do-nhu-cau-trong-nuoc-thap-386817.html