Giá thịt lợn quay đầu giảm, hàng nhập khẩu tăng mạnh, dân lại 'treo' chuồng
Sau khi giảm về dưới ngưỡng 60.000 đồng/kg, đến nay giá lợn hơi vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục. Trong khi, thịt lợn nhập khẩu giá rẻ những tháng gần đây tăng mạnh.
Chia sẻ vớiPV. VietNamNetchiều 8/9, ông Nguyễn Văn Toản - chủ trang trại quy mô lớn ở Khoái Châu (Hưng Yên), cho biết, đàn lợn nhà ông đã bán cách đây nửa tháng nhưng ông không dám vào đàn mới vì rủi ro quá lớn.
Ông Toản kể, cuối tháng 4 đầu và tháng 5 năm nay, ông vào lứa lợn 1.000 con, giá lợn giống khi đó chỉ 1,15 triệu đồng/con. Cuối tháng 8 vừa qua, dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, ông phải bán tháo đàn lợn khi trọng lượng mới đạt hơn 1 tạ/con.
“Lúc đó, giá bán dao động từ 58.000-59.000 đồng/kg. Hàng ế ẩm, xuất bán gần nửa tháng mới hết lứa. Cũng may, bán xong tôi vẫn thu lãi nhẹ”, ông nói. Nhưng sau đó, ông đành bỏ chuồng trống, bởi dịch bệnh nhiều, giá lợn chưa có dấu hiệu phục hồi, giá lợn giống tăng cao (1,5 triệu đồng/con) và quan trọng hơn là hàng vẫn rất ế ẩm.
"Những năm trước, dù giá đắt hay rẻ 1.000 con lợn chỉ khoảng 1-2 ngày bán hết. Nay không có người mua, lượng lợn thương lái tới bắt không nhiều", ông chia sẻ.
Theo báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tháng 8/2023, giá lợn hơi trên cả nước có xu hướng giảm, xuống dưới mốc 60.000 đồng/kg.
Hiện, giá lợn hơi khu vực miền Bắc dao động ở mức 58.000-59.000 đồng/kg; miền Trung và Tây Nguyên giảm còn 55.000-58.000 đồng/kg; khu vực miền Nam 56.000-59.000 đồng/kg.
Theo ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, từ đầu tháng 6 đến hết tháng 7, giá lợn hơi tăng cao. Nhưng từ tháng 8 đến nay, mặt hàng này quay đầu giảm nhanh. Cộng với việc giá lợn ở mức thấp trong thời gian dài trước đó khiến người chăn nuôi nhỏ lẻ treo chuồng, lượng tái đàn thấp, nguồn cung giảm.
Nguyên nhân giá giảm là bởi bước vào tháng 7 Âm lịch (mùa ăn chay), theo quy luật thị trường đây là thời điểm tiêu thụ thịt lợn thấp nhất trong năm. Tiêu thụ tại các trường học cũng ở mức thấp do học sinh nghỉ hè. Tuy nhiên, mức giá này vẫn cao hơn nhiều so với hồi đầu năm nay.
Trong bối cảnh giá lợn hơi giảm và chưa có dấu hiệu hồi phục, thị trường tiêu thụ chậm nhưng nhập khẩu thịt lợn vẫn tăng mạnh.
Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, tháng 7/2023, nước ta chi gần 35,4 triệu USD để nhập khẩu 13,18 nghìn tấn thịt lợn tươi ướp lạnh/đông lạnh, tăng 31,5% về lượng và tăng 63,9% về trị giá so với tháng 7/2022.
Đây là tháng thứ 3 liên tiếp lượng thịt lợn nhập khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2022.
Giá nhập khẩu thịt lợn trung bình về Việt Nam là 2.683 USD/tấn (khoảng 64.000 đồng/kg), tăng 24,6% so với tháng 7/2022. Tuy nhiên, so với giá thịt lợn nội địa, thịt nhập khẩu vẫn có giá rất rẻ.
Lũy kế 7 tháng năm 2023, nhập khẩu thịt lợn tươi ướp lạnh/đông lạnh đạt 54,76 nghìn tấn, trị giá 142,61 triệu USD, giảm 1,2% về lượng nhưng tăng 20,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Tháng 7/2023, Việt Nam nhập khẩu thịt lợn từ 21 thị trường, trong đó chủ yếu từ Nga, Brazil, Mỹ, Đan Mạch, Canada. Ngoại trừ Canada, lượng thịt lợn nhập khẩu từ các thị trường này đều tăng so với cùng kỳ năm 2022.
Trong 7 tháng năm nay, cơ cấu thị trường cung cấp thịt lợn cho Việt Nam có sự thay đổi, khi tỷ trọng nhập khẩu từ Nga, Mỹ tăng; trong khi tỷ trọng nhập khẩu từ Brazil, Đức, Canada, Hà Lan lại giảm.
Cục Xuất nhập khẩu dự báo, năm 2023, nguồn cung lợn sẽ không biến động lớn vì nhiều hộ chăn nuôi khó tái đàn ngay lập tức với quy mô lớn sau khi chịu lỗ trong 2 năm liên tiếp. Bên cạnh đó, lạm phát duy trì ở mức thấp, lương cơ bản tăng có thể là yếu tố hỗ trợ cho tiêu thụ cuối năm dù giá thực phẩm đã tăng nhẹ. Ngoài ra, việc giá thức ăn chăn nuôi hạ nhiệt cũng là yếu tố hỗ trợ các doanh nghiệp.
Làn sóng dịch bệnh mới cùng lũ lụt tại Trung Quốc cũng có thể làm giảm nguồn cung, đẩy giá thịt lợn ở nước này tăng trở lại, ảnh hưởng một phần đến thị trường lợn của Việt Nam.
Nhận định về giá thịt lợn cuối năm, lãnh đạo Cục Chăn nuôi cho rằng giá sẽ theo quy luật thị trường. Với mức giá 59.000-62.000 đồng/kg lợn hơi xuất chuồng, người chăn nuôi vẫn có lãi.
Về nguồn cung, những tháng cuối năm sẽ không thiếu hàng. Từ tháng 9 người dân và doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh tái đàn, cùng với đó là nguồn nhập khẩu để các doanh nghiệp đưa vào chế biến.