Giá thực phẩm toàn cầu tăng trong tháng Sáu

Trong tháng Sáu, chỉ số giá thực phẩm của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO), thước đo chuẩn mực cho giá hàng hóa thực phẩm thế giới, tăng trở lại do mức tăng giá của các sản phẩm từ sữa, thịt và dầu thực vật lấn át mức giảm giá của giá ngũ cốc và đường.

FAO cho biết giá gạo quốc tế giảm nhẹ trong tháng Sáu do nhu cầu yếu. Ảnh: Fao.org

FAO cho biết giá gạo quốc tế giảm nhẹ trong tháng Sáu do nhu cầu yếu. Ảnh: Fao.org

Theo báo cáo của FAO công bố hôm 4-7, chỉ số giá thực phẩm toàn cầu trong tháng Sáu tăng 0,5% so với tháng trước đó và 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức đỉnh điểm vào tháng 3-2022.

Cụ thể, chỉ số giá ngũ cốc giảm 1,5% vào tháng Sáu so với tháng trước đó. Giá bắp thế giới giảm mạnh trong tháng thứ hai liên tiếp nhờ nguồn cung dồi dào từ Argentina và Brazil. Giá lúa miến (cao lương) và lúa mạch cũng giảm. Ngược lại, giá lúa mì tăng do lo ngại về thời tiết ở một số khu vực của Liên minh châu Âu (EU), Nga và Mỹ. Giá gạo quốc tế giảm nhẹ, chủ yếu ảnh hướng đến các giống gạo hạt dài trồng ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, phản ánh nhu cầu yếu hơn.

Chỉ số giá dầu thực vật tăng 2,3% so với tháng Năm, dẫn đầu là mức tăng của dầu cọ, đậu nành và dầu hạt cải. Giá dầu cọ quốc tế tăng gần 5 % do nhu cầu mạnh mẽ trên toàn cầu.

Giá dầu đậu nành cũng tăng vào trong tháng trước khi do kỳ vọng nhu cầu nhiên liệu sinh học cao hơn ở Brazil và Mỹ, cũng như giá đậu nành cao hơn ở Nam Mỹ trong bối cảnh nhu cầu quốc tế vững chắc.

Giá dầu hạt cải cũng tăng trong bối cảnh triển vọng nguồn cung toàn cầu thắt chặt. Trong khi đó, giá dầu hướng dương giảm do triển vọng sản xuất được cải thiện ở khu vực Biển Đen.

Chỉ số giá thịt của FAO tăng 2,1% vào tháng Sáu, đạt mức cao kỷ lục mới. Giá thịt bò, thịt heo và thịt cừu trên thế giới đều tăng, trong khi giá thịt gia cầm tiếp tục giảm.

Chỉ số giá bơ sữa tăng hàng tháng 0,5% trong tháng Sáu, với giá bơ đạt mức cao kỷ lục mới trong bối cảnh nguồn cung thắt chặt ở Châu Đại Dương và EU cùng với nhu cầu tiếp tục mạnh mẽ từ châu Á. Giá phô mai tăng trong tháng thứ ba liên tiếp, trong khi giá bột sữa gầy và sữa nguyên kem giảm do nhu cầu toàn cầu yếu và nguồn cung dồi dào.

Chỉ số giá đường giảm hàng tháng 5,2%, đánh dấu mức giảm hàng tháng thứ tư liên tiếp và xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4-2021. Sự sụt giảm này phản ánh triển vọng sản xuất được cải thiện ở Brazil, Ấn Độ và Thái Lan, nơi thời tiết thuận lợi và diện tích trồng trọt được mở rộng, dẫn đến sản lượng cao hơn.

Cùng ngày, FAO cũng công bố báo cáo cung cầu ngũ cốc mới, với dự báo sản lượng ngũ cốc toàn cầu vào năm 2025 sẽ đạt mức cao nhất mọi thời là 2.925 triệu tấn, tăng 0,5% so với tháng trước và cao hơn 2,3% so với mức năm 2024. Việc điều chỉnh tăng này được thúc đẩy bởi triển vọng cải thiện đối với lúa mì, bắp và gạo. Tuy nhiên, dự báo về thời tiết nóng và khô ở một số vùng sản xuất chính có thể ảnh hưởng đến tiềm năng năng suất, đặc biệt là bắp.

Sản lượng lúa mì dự báo đạt 805,3 triệu tấn trong năm nay, nhờ năng suất cao hơn dự kiến ở Ấn Độ và Pakistan. Sản lượng bắp toàn cầu cũng được dự báo tăng nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi ở Brazil và diện tích trồng trọt lớn hơn dự kiến ở Ấn Độ, bù đắp cho tình trạng giảm sản lượng ở Ukraine và EU do thời tiết khô hạn và diện tích trồng trọt giảm.

Sản lượng gạo toàn cầu trong năm niên vụ 2025-2026 dự kiến đạt mức kỷ lục là 555,6 triệu tấn nhờ triển vọng cải thiện ở Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan và Việt Nam.

Sản lượng ngũ cốc tiêu thụ trên toàn cầu trong niên vụ 2025-2026 dự báo tăng lên 2.900 triệu tấn, cao hơn 0,8 % so với niên vụ trước.

Lượng tiêu thụ gạo dự kiến tiếp tục tăng, được thúc đẩy bởi nhu cầu lương thực và sản lượng nhiên liệu ethanol tăng ở Ấn Độ.

Theo Fao.org

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/gia-thuc-pham-toan-cau-tang-trong-thang-sau/