Giá thực phẩm trên toàn cầu tiếp tục neo cao, nhiều nước vẫn hạn chế xuất khẩu lương thực và phân bón

Ngân hàng Thế giới cho biết giá thực phẩm tại nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những nước có thu nhập trung bình thấp, tiếp tục neo ở mức cao.

Ngân hàng Thế giới vừa cảnh báo mức giá thực phẩm trong giai đoạn từ tháng 12/2022 đến tháng 3/2023 tại hầu hết quốc gia có thu nhập thấp và trung bình trên thế giới vẫn đang ở mức cao so với các giai đoạn trước đây.

Đồng thời, lạm phát tại các quốc gia này cũng đang ở mức cao. Theo đó, lạm phát cao hơn 5% được ghi nhận tại 70,6% các quốc gia có thu nhập thấp, 90,9% các quốc gia có thu nhập trung bình thấp, và 87,0% ở những nước có thu nhập trung bình cao. Nhiều quốc gia đang trải qua lạm phát ở trên ngưỡng 10%, Ngân hàng Thế giới cho biết.

Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, 84,2% các quốc gia có thu nhập cao đang chứng kiến tình trạng giá thực phẩm tăng cao. Cơ quan này cũng cho biết sau khi xung đột quân sự Nga – Ukraine bùng nổ, những chính sách liên quan đến việc hạn chế xuất khẩu thực phẩm do các nước áp đặt đã tăng nhanh.

Tính đến ngày 13/3, có 23 quốc gia áp dụng 29 lệnh cấm xuất khẩu thực phẩm và 10 quốc gia thực hiện 14 biện pháp hạn chế xuất khẩu. Nếu tính cả các biện pháp hạn chế đối với phân bón - vật tư đầu vào quan trọng để gia tăng sản lượng nông sản thì hiện có 67 quốc gia áp dụng lệnh cấm hoặc hạn chế xuất khẩu phân bón.

Những biện pháp hạn chế thương mại trên trực tiếp lẫn gián tiếp khiến cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu trở nên nghiêm trọng hơn, đẩy giá thực phẩm tại nhiều quốc gia tăng cao, bao gồm cả các nền kinh tế phát triển.

Giá nhiều loại thực phẩm trên thế giới vẫn tiếp tục neo ở mức cao, đặt ra nhiều thách thức về an ninh lương thực trên quy mô toàn cầu. (Ảnh: Reuters)

Giá nhiều loại thực phẩm trên thế giới vẫn tiếp tục neo ở mức cao, đặt ra nhiều thách thức về an ninh lương thực trên quy mô toàn cầu. (Ảnh: Reuters)

Điển hình, dữ liệu tại Anh cho thấy giá nhiều mặt hàng thực phẩm cơ bản trong chế độ ăn hàng ngày của người Anh trong tháng 4/2023 đã tăng từ 14% - 80% so với cách đây 1 năm. Trong khi đó, tại Philippines, giá bán lẻ loại gạo rẻ nhất tại nước này đã tăng khoảng 15% từ đầu năm đến nay.

Theo Báo cáo Triển vọng thương mại toàn cầu được Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) công bố đầu tháng 4, giá phân bón trên toàn cầu hiện cao hơn 63% so với mức trung bình hàng năm. WTO cho biết, về mặt lý thuyết, chi phí lương thực cao hơn "sẽ khuyến khích sản xuất nông nghiệp nhiều hơn, dẫn đến nguồn cung lương thực dồi dào hơn và giá lương thực thấp hơn trong tương lai", nhưng việc giá phân bón neo cao có thể làm giảm năng suất cây trồng và cuối cùng là giá lương thực lại tăng lên.

Chỉ số Giá Lương thực thế giới (FAO Food Index) trong tháng 3 vừa qua đã giảm tháng thứ 12 liên tiếp, xuống còn 126,9 điểm. Nếu so với mức cao kỷ lục được xác lập khi cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine bùng phát hồi tháng 2/2022, chỉ số này đã giảm 20,5%.

Nhà kinh tế trưởng của FAO Maximo Torero cho biết giá thực phẩm trên toàn cầu nhìn chung đã giảm. Tuy nhiên, mức giá thực phẩm hiện nay vẫn ở mức rất cao và vẫn duy trì xu hướng tăng nếu xét theo thị trường nội địa của một số quốc gia, đặt ra những thách thức đối với an ninh lương thực.

Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala hiện kêu gọi các nền kinh tế phát triển cảnh giác với những dấu hiệu của cuộc khủng hoảng lương thực dẫn đến nạn đói ở các quốc gia nghèo hơn. Đồng thời, bà Ngozi Okonjo-Iweala nỗ lực kêu gọi các quốc gia dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu đối với lương thực và phân bón nhằm góp phần hạ nhiệt đà tăng giá thực phẩm trên toàn cầu.

Quỳnh Trang

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/gia-thuc-pham-tren-toan-cau-tiep-tuc-neo-cao-nhieu-nuoc-van-han-che-xuat-khau-luong-thuc-va-phan-bon-104688.htm