'Giá thuốc cần phải quản lý đặc thù chứ không chỉ đơn thuần theo Luật Giá'

Thuốc là sản phẩm hàng hóa đặc biệt. Không ai đi mặc cả giá thuốc như khi đi mua các loại hàng hóa khác. Vì thế, giá thuốc cũng phải quản lý rất đặc thù chứ không chỉ tuân theo Luật Giá.

Vấn đề quản lý giá thuốc được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm tại phiên thảo luận dự án Luật Dược sửa đổi tại hội trường sáng 22/10.

Giá thuốc liệu có “loạn”?

Theo đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà, đoàn Hà Nội, nguyên Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, qua báo cáo Nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới trong hồ sơ do Bộ Y tế trình Quốc hội, chủ yếu mô hình quản lý giá thuốc là cơ quan quản lý nhà nước quy định trần giá thuốc như ở Nhật Bản, Indonesia, Thái Lan…

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà, đoàn Hà Nội, nguyên Giám đốc Sở Y tế Hà Nội (Ảnh: Quốc hội)

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà, đoàn Hà Nội, nguyên Giám đốc Sở Y tế Hà Nội (Ảnh: Quốc hội)

Dự thảo hiện nay quy định mức giá bán buôn tối đa lại do cơ sở nhập khẩu thuốc, cơ sở sản xuất thuốc xác định, và các doanh nghiệp kinh doanh thuốc khác phải thực hiện theo.

“Quy định này có thể dẫn đến nguy cơ độc quyền thuốc trên thị trường. Ví dụ, trong trường hợp cơ sở nhập khẩu thuốc xác định mức giá bán buôn dự kiến rất thấp và thành lập chuỗi nhà thuốc để bán lẻ. Sau đó đẩy giá thuốc tăng lên ở hệ thống bán lẻ của mình. Đây chính là kênh bán hàng trực tiếp cho người dân và người dân vẫn phải mua thuốc giá cao”, đại biểu Trần Thị Nhị Hà phân tích.

Theo nữ đại biểu, quy định tại Điều 107 đã nêu những biện pháp quản lý giá thuốc, tuy nhiên, về quy trình khi tiếp nhận hồ sơ công bố giá bán buôn thuốc dự kiến, Bộ Y tế không thực hiện rà soát mà chỉ thực hiện kiến nghị về mức giá khi thuốc đã được lưu hành.

Ngoài ra, Dự thảo quy định chỉ công bố, công bố lại giá bán buôn thuốc dự kiến với thuốc kê đơn.

“Vậy câu hỏi đặt ra là đối với thuốc không kê đơn của cơ sở nhập khẩu và cơ sở sản xuất thì quản lý giá thế nào? Khi quản lý về chuyên môn thì cần phân biệt các loại thuốc kê đơn và không kê đơn, tuy nhiên tôi cho rằng quản lý về giá thì cần phải quản lý tất cả các loại thuốc”, đại biểu đoàn Hà Nội nêu ý kiến.

Dự thảo Luật quy định tại Điều 112 sửa đổi, UBND cấp tỉnh “Tổ chức tiếp nhận hồ sơ kê khai giá thuốc của các cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn theo quy định tại Luật Giá”.

Quốc hội thảo luận dự án Luật Dược sửa đổi tại hội trường sáng 22/10 (Ảnh: Quốc hội)

Quốc hội thảo luận dự án Luật Dược sửa đổi tại hội trường sáng 22/10 (Ảnh: Quốc hội)

Như vậy, nếu không có tiêu chí để các địa phương có thể ban hành danh sách các cơ sở kinh doanh dược phải kê khai giá sẽ dẫn đến mỗi địa phương sẽ có cách tổ chức thực hiện khác nhau, và cùng một doanh nghiệp kinh doanh trên nhiều địa bàn thì việc thực hiện kê khai giá cũng sẽ khác nhau.

“Với các tỉnh thành có quy mô lớn như Hà Nội (gần 10.000 cơ sở bán lẻ và 1500 cơ sở bán buôn), quy định này tạo thêm nhiều công việc cho chính quyền địa phương, tăng gánh nặng về thủ tục cho các cơ sở kinh doanh dược khi thực hiện kê khai giá”, đại biểu Trần Thị Nhị Hà nêu vấn đề.

Trong khi đó, ngay từ năm 2018 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 23 về việc kết nối liên thông các cơ sở cung ứng thuốc. Bộ Y tế cũng đã ban hành Quyết định 540 về chuẩn dữ liệu đầu ra phần mềm kết nối liên thông cơ sở bán lẻ thuốc trong đó có đầy đủ trường thông tin về giá thuốc để quản lý. Hơn nữa theo quy định thì mục đích của kê khai giá chỉ là tổng hợp, dự báo thị trường…

“Từ những phân tích nêu trên, tôi đề xuất Ban soạn thảo quy định tiêu chí đối với cơ sở dược phải kê khai giá thuốc để các địa phương tổ chức thực hiện. Trong trường hợp chưa nghiên cứu đánh giá tác động, tôi đề xuất chưa thực hiện việc kê khai giá đối với cơ sở bán lẻ thuốc vì tất cả các cơ sở đều phải thực hiện niêm yết giá khi bán thuốc, và phải thực hiện quy định liên thông dữ liệu trên hệ thống dược quốc gia”, đại biểu đoàn Hà Nội kiến nghị.

Thuốc là sản phẩm đặc biệt cần phải quản lý đặc thù

Thuốc là sản phẩm hàng hóa đặc biệt, cử tri rất mong muốn và hy vọng giá thuốc cũng phải quản lý rất đặc thù theo các quy định của Luật chuyên ngành, tuy nhiên các biện pháp quản lý giá thuốc được nêu trong dự thảo luật dược sửa đổi hầu hết lại quy định tuân thủ theo Luật Giá.

“Tôi trân trọng đề nghị Ban soạn thảo cần có những quy định việc công bố giá, kê khai giá phù hợp hơn nữa với thực tiễn và có tính khả thi khi triển khai thực hiện”, bà Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Công Hoàng, đoàn Thái Nguyên (Ảnh: Quốc hội)

Đại biểu Nguyễn Công Hoàng, đoàn Thái Nguyên (Ảnh: Quốc hội)

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Công Hoàng, đoàn Thái Nguyên cho rằng, đang có sự bất cập giữa quy định về kê khai giá thuốc trong dự thảo Luật này và Luật Giá hiện hành. Do vậy, để tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo Luật và đảm bảo tính khả thi, đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định để đảm bảo tính thống nhất giữa hai luật, tránh ảnh hưởng đến quá trình đấu thầu và quản lý giá thuốc…

“Thuốc là sản phẩm hàng hóa đặc biệt. Không ai đi mặc cả giá thuốc như khi đi mua các loại hàng hóa khác. Vì thế, giá thuốc cũng phải quản lý rất đặc thù chứ không chỉ tuân theo Luật Giá”, đại biểu đoàn Thái Nguyên nêu ý kiến.

Ngoài ra, theo đại biểu, hiện nay số lượng thuốc được cấp giấy đăng ký lưu hành là rất lớn (khoảng 22.000 thuốc). Có rất nhiều thuốc có hoạt chất, nồng độ và hàm lượng tiêu chuẩn giống nhau, trong khi các thuốc có hoạt chất mới hoặc có tiêu chuẩn kỹ thuật cao hơn lại rất ít.

“Cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định hoặc hàng rào kỹ thuật để hạn chế cấp mới giấy phép đăng ký lưu hành đối với các thuốc có sự trùng lặp, nhằm khuyến khích nghiên cứu và phát triển sản xuất thuốc mới”, đại biểu Nguyễn Công Hoàng đề nghị.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh (Ảnh: Quốc hội)

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh (Ảnh: Quốc hội)

Trước đó, trình bày Báo cáo tiếp thu giải trình ý kiến đại biểu về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định giá thuốc cần có sự vào cuộc và điều tiết của Nhà nước để thuốc đến tay người dân có chất lượng với giá hợp lý.

“Vì vậy, dự luật yêu cầu kê khai giá thuốc trước khi lưu hành trên thị trường và kê khai lại khi thay đổi giá. Việc này nhằm hạn chế việc tăng giá bán buôn thuốc qua mỗi khâu trung gian, từ cơ sở sản xuất đến cơ sở kinh doanh dược và người tiêu dùng”, bà Nguyễn Thúy Anh cho hay.

“Dự luật cũng cụ thể về quy trình, cách thức công bố giá bán buôn thuốc dự kiến và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Cơ quan của Bộ Y tế có quyền kiến nghị cơ chế kiểm soát khi phát hiện cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc công bố giá bán cao bất hợp lý”, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội thông tin.

Dự kiến, ngày 21/11, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Vân Anh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/gia-thuoc-can-phai-quan-ly-dac-thu-chu-khong-chi-don-thuan-theo-luat-gia-post1130023.vov