Gia tộc Nguyễn Quận trên đất làng Cát Xuyên

Làng Cát Xuyên (nay là xã Hoằng Cát, huyện Hoằng Hóa) là quê hương của người thầy mẫu mực Nhữ Bá Sỹ. Nơi đây, còn có gia tộc họ Nguyễn nổi danh khắp vùng, từng đời nối đời làm quan lớn trong triều đình Lê - Trịnh. Và dân gian trong vùng vẫn thường gọi là dòng họ Nguyễn Quận (trong đó, chữ Quận được hiểu là tước vua phong cho những vị quan họ Nguyễn ở Cát Xuyên).

Các vị Quận công họ Nguyễn góp phần rạng danh gia tộc được hậu thế tưởng nhớ, tri ân.

Các vị Quận công họ Nguyễn góp phần rạng danh gia tộc được hậu thế tưởng nhớ, tri ân.

Về Cát Xuyên, theo con đường đê tả sông Lạch Trường, chúng tôi ghé thăm nhà thờ họ Nguyễn. Trong không gian làng quê thanh bình, nhà thờ dòng họ Nguyễn tuy không lớn nhưng uy nghiêm, đã được con cháu tôn tạo. Dẫn chúng tôi tham quan nơi thờ tự các vị tiền nhân, ông Nguyễn Huy Trường, hậu duệ dòng họ Nguyễn niềm nở giới thiệu đầy tự hào: “Trong lịch sử thời Lê - Trịnh dòng họ Nguyễn chúng tôi là gia tộc lớn, nhiều đời làm quan, lập nhiều công trạng nên được trọng dụng lắm. Trong đó ba cụ Nguyễn Quang Tuyền, Nguyễn Quang ích, Nguyễn Quang Tiến - cũng chính là ông nội, con trai và cháu nội là vẻ vang hơn cả. Cả ba cụ đều được ban phong tước Quận công”.

Đặc biệt, bên cạnh các tài liệu sử sách thì hiện nay tại nhà thờ dòng họ Nguyễn ở Cát Xuyên còn lưu giữ được cuốn gia phả được cụ Đỗ Xuân Cát - vị danh sĩ xứ Thanh nổi danh thời Nguyễn, cũng đồng thời là học trò xuất sắc của thầy giáo Nhữ Bá Sỹ biên soạn năm 1862. Đây là tư liệu quý giá để hậu thế tìm hiểu, tra cứu.

Dòng họ Nguyễn ở Cát Xuyên vốn có nguồn gốc ở huyện Nghi Xuân, sau đó dời nhà đến làng Cát Xuyên sinh sống, có truyền thống làm quan. Đến đời Nguyễn Quang Tuyền thì truyền thống gia đình thêm rực rỡ.

Theo sách Danh nhân văn hóa Hoằng Hóa: “Nguyễn Quang Tuyền là người có chí lớn, khi nhà Mạc tiếm quyền, ông đầu quân theo họ Trịnh phù Lê diệt Mạc. Là người có thao lược và tinh thông võ nghệ nên ông nhiều lần được Trịnh Tùng cử đi đánh dẹp nhà Mạc... ông được giao chỉ huy quân tiên phong thảo trừ nhà Mạc ở Đông Đô (Thăng Long). Trận này ông giành chiến công lớn, giết được tướng của nhà Mạc, thu nhiều chiến lợi phẩm... Với chiến công này ông được vua Lê Kính Tông ngợi khen, tuyên phong Cương chính Tuyên lực Công thần, Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân Cẩm Y vệ Đô chỉ huy sứ, Thị vệ sự thắng Trung hầu Trụ quốc trung trật”.

Phả đồ họ Nguyễn Quận ở làng Cát Xuyên.

Phả đồ họ Nguyễn Quận ở làng Cát Xuyên.

Bấy giờ, dù quân Lê - Trịnh đã lấy lại được Thăng Long nhưng tàn dư nhà Mạc ở vẫn còn mạnh, thường xuyên quấy phá. Con cháu họ Mạc chiếm cứ nhiều nơi ở đồng bằng, trung du và cả miền núi phía Bắc. Là một võ quan dày dạn kinh nghiệm trận mạc, Nguyễn Quang Tuyền tiếp tục theo Bình An vương Trịnh Tùng và sau này là Thanh Đô vương Trịnh Tráng tổ chức các cuộc truy quét tàn dư họ Mạc, lập nhiều công lớn. Năm 1629, ông được vua Lê thăng chức Tham đốc. Sau đó, ông lại được thăng tặng Vũ uy dũng Tán trị Công thần, tước Thắng Quận công Trụ quốc thượng trật”.

Sau khi Nguyễn Quang Tuyền qua đời, người con thứ của ông là Nguyễn Quang Ích tiếp tục nối chí cha, tận lực phục vụ cho triều đình Lê - Trịnh.

“Nguyễn Quang Ích là người có sức khỏe, giỏi võ nghệ. Vốn là con nhà võ tướng, ông sớm tham gia quân đội chiến đấu bảo vệ triều đình Lê - Trịnh. Vào thời vua Lê Thần Tông, ông được tham gia nhiều cuộc chinh phạt, thảo trừ những lực lượng chống đối triều đình. Do có nhiều công trong chiến đấu ông được thăng chức Phụ quốc Thượng tướng quân Cẩm y vệ Đô chỉ huy sứ” (sách Danh nhân văn hóa Hoằng Hóa).

Thế lực chúa Nguyễn ở Đàng Trong ngày một mạnh lên, vì thế mà xung đột hai bên Trịnh - Nguyễn cũng ngày càng căng thẳng, nhiều lần xảy ra giao chiến. Năm 1655, chúa Nguyễn Phúc Tần cử “Hổ tướng” Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Hữu Dật đưa quân vượt sông Gianh ra đánh vùng Nghệ An. Ở trận này, quân triều đình Lê - Trịnh thua. Một năm sau đó, chúa Trịnh Tráng cử Trịnh Tạc thống lĩnh quân đội vào vùng đất Nghệ An đánh trả quân Đàng Trong.

Về sau, Trịnh Căn lại cử các tướng Lê Thì Hiến, Hoàng Nghĩa Giao chia thành các đạo quân cùng tiến đánh Đàng Trong, Nguyễn Quang Ích làm quân tiên phong. Trong trận đánh này, quân triều đình Lê - Trịnh thắng lớn, từng bước đẩy quân Đàng Trong về cửa biển Nhật Lệ, lấy lại 7 huyện ở Nam sông Gianh trở về Đàng Ngoài.

Sau khi thắng trận trở về, triều đình định công ban thưởng cho tướng sĩ. Nguyễn Quang Ích được thăng Trụ Quốc thượng trật khi mới 42 tuổi. Về sau, ông tiếp tục lập nhiều công trạng vẻ vang, đến đời vua Lê Gia Tông đã được thăng Tham đốc Thần vũ Tứ vệ Quân vụ. Đến thời vua Lê Hy Tông lại được gia phong Đông Quân đô đốc phủ Đô đốc Thiêm sự Thượng trụ quốc Thượng giai, rồi Đô đốc Đồng tri, ban ân trí sĩ. Năm 1690, Nguyễn Quang Ích qua đời, nhà vua xuống chiếu ban tặng Đô đốc phủ Tả đô đốc, sau đó lại được triều đình Lê - Trịnh truy tặng chức Thái bảo. Người dân Cát Xuyên cũng được triều đình ban cho ruộng tốt để làm hương hỏa thờ cúng vị tướng tài.

Vùng đất Cát Xuyên nay là xã Hoằng Cát (Hoằng Hóa) nằm bên tả sông Lạch Trường (theo cách gọi của người dân địa phương).

Vùng đất Cát Xuyên nay là xã Hoằng Cát (Hoằng Hóa) nằm bên tả sông Lạch Trường (theo cách gọi của người dân địa phương).

Tiếp nối truyền thống gia tộc của ông nội và cha mình là Nguyễn Quang Ích, Nguyễn Quang Tiến từ những ngày còn trẻ đã chọn theo nghiệp kiếm cung, võ nghệ. Ông theo cha đánh trận, lập nhiều công trạng trong các trận chiến với quân Đàng Trong. Vì thế, năm 1662 đã được phong chức Anh Vĩ tướng quân Kim ngô vệ Đô chỉ huy sứ ty Đô chỉ huy sứ, tước Ân Trạch hầu, Trụ quốc. Đến thời vua Lê Hy Tông tiếp tục được tiến thăng Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân Tham đốc thần vũ Tứ vệ quân vụ sự.

Năm 1687 thời vua Lê Hy Tông, Nguyễn Quang Tiến được triều đình cử làm Phó chỉ huy cho Quận công Lê Thì Hải và Đốc thị Đặng Đình Tuấn dẫn quân chinh phạt quân chống đối triều đình ở miền ngược Tuyên Quang. Đáng tiếc, khi đang tham gia đánh trận thì ông chẳng may qua đời. Thương tiếc vị tướng tài, triều đình Lê - Trịnh sau đó truy phong tước Ân Quận công.

Theo lời kể của các bậc cao niên ở dòng họ Nguyễn, trước đây nhà thờ (đền thờ) họ Nguyễn ở Cát Xuyên có quy mô khá bề thế, lưu giữ nhiều sắc phong, hiện vật quý giá. Song đáng tiếc, do biến thiên thời gian, lịch sử nên đến nay phần nhiều đều không còn.

Lần giở lại từng trang gia phả dòng họ Nguyễn được danh sĩ Đỗ Xuân Cát ghi chép chi tiết, giữ gìn cẩn trọng, ông Nguyễn Huy Trường cho biết thêm: Gia tộc họ Nguyễn với những bậc tiền nhân tài năng xuất chúng như cụ Nguyễn Quang Tuyền, Nguyễn Quang Ích, Nguyễn Quang Tiến từng một thuở lừng danh khắp vùng. Hậu thế chúng tôi luôn lấy đó là niềm tự hào để phấn đấu, tiếp nối truyền thống ông cha. Hằng năm, vào ngày 3 tháng 11 (âm lịch) con cháu khắp nơi lại tập trung về nhà thờ dòng họ, chung tay tổ chức lễ giỗ họ tưởng nhớ, tri ân công đức tiền nhân.

(Bài viết có tham khảo, sử dụng nội dung trong sách Danh nhân văn hóa Hoằng Hóa; Gia phả họ Nguyễn ở làng Cát Xuyên).

Bài và ảnh: Khánh Lộc

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/gia-toc-nguyen-quan-tren-dat-lang-cat-xuyen-32415.htm