Giá trâu, bò xuống thấp, người chăn nuôi, buôn bán gặp khó
Giá thịt trâu hiện giảm từ 20.000-30.000 đồng/kg so với trước đây, chỉ còn 280.000-310.000 đồng/kg tùy từng loại.
Được coi là nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình nhưng giá bán trâu, bò đang xuống thấp, khiến người chăn nuôi, buôn bán đại gia súc gặp nhiều khó khăn.
Trang trại của anh Thành Công (ở xã Ngô Quyền, Thanh Miện) có khoảng 200 con bò, trong đó gần 30 con bê, bò thịt đến kỳ tiêu thụ. Trong hàng chục năm chăn nuôi, chưa khi nào anh Công thấy việc tiêu thụ bê, bò thịt lại khó khăn như hiện nay. Theo anh Công, vào thời điểm này năm trước, 1 con bê 5 tháng tuổi có giá từ 20-23 triệu đồng thì hiện nay giảm chỉ còn 14-15 triệu đồng; bò cũng giảm 6-8 triệu đồng/con. Do chủ động được nguồn con giống, không phải đi mua nên trang trại lãi được chút ít, còn nếu tính các chi phí như nhân công chăn nuôi, chuồng trại, máy móc... thì chỉ hòa, thậm chí lỗ vốn.
Chăn nuôi bò hơn chục năm nay, anh Nguyễn Quang Sỹ (ở xã Thanh Hải, Thanh Hà) cũng chưa bao giờ thấy giá bán bê, bò hơi lại thấp như hiện nay. Để có thêm thu nhập, anh Sỹ chấp nhận mổ thịt bán nhưng tiêu thụ cũng khá chậm. "Trước đây thịt 1 con bê hoặc con bò chỉ trong 1 ngày là bán hết nhưng năm nay phải để sang cả ngày hôm sau. Không chỉ các nhà hàng mà nhu cầu tiêu thụ của người dân cũng giảm rõ rệt", anh Sỹ nói.
Nhà anh Sỹ hiện còn 8 con bê, bò cần bán mà anh vẫn chưa biết làm thế nào. Nếu bán cho thương lái thì gần như không được lãi, còn nếu để xẻ thịt tự bán thì không biết có tiêu thụ được không. Bao nhiêu công sức chăn nuôi dồn vào dịp Tết nhưng không được như mong muốn nên anh Sỹ khá buồn.
Một số người buôn bán thịt trâu ở huyện Ninh Giang cũng trong tình trạng tương tự. Không chỉ giá bán giảm mà việc tiêu thụ cũng chậm. Gia đình bà Đỗ Thị Thắm (ở thôn Vé, xã Đồng Tâm) có 2 quán bán thịt trâu. Những năm trước đây, trung bình mỗi tháng 2 cửa hàng tiêu thụ khoảng 20 con trâu nhưng hiện chỉ bán được hơn chục con. Giá thịt trâu cũng giảm từ 20.000-30.000 đồng/kg so với trước đây, hiện chỉ còn 280.000-310.000 đồng/kg tùy từng loại. Bà Thắm cho biết: "Không chỉ giá bán thịt thấp, khó tiêu thụ mà các phụ phẩm như da, lòng... cũng khó tiêu thụ. Trước đây phụ phẩm của trâu cũng bán được 4-5 triệu đồng/con thì nay giảm chỉ còn khoảng 2-3 triệu đồng. Với giá bán như vậy, thu nhập của chúng tôi giảm đáng kể".
Theo nhiều người chăn nuôi, nguyên nhân giá trâu, bò giảm một phần do thời gian qua giá lợn, gà, cá... xuống thấp nên nhiều người đã chuyển sang đầu tư chăn nuôi trâu, bò. Nhiều thương lái nhập khẩu trâu, bò từ Lào, Campuchia, Thái Lan vào trong nước sau đó xuất sang Trung Quốc nhưng gặp nhiều khó khăn khiến trâu, bò bị tồn đọng. Ngoài ra, thịt bò từ Mỹ, Úc nhập khẩu vào nước ta khá nhiều, giá từ 180.000-240.000 đồng/kg tùy từng loại, rẻ hơn từ 20.000-30.000 đồng/kg so với giá thịt bò trong nước. "Với giá bán như vậy, người tiêu dùng sẽ chọn mua những loại thịt này. Để cạnh tranh được với thịt bò nhập khẩu, chúng tôi buộc phải bán giá thấp hơn", bà Thắm cho biết thêm.
So với những vật nuôi khác, nuôi trâu, bò cần nguồn vốn khá lớn. Một con bò sinh sản có giá từ 35-40 triệu đồng, nếu chăn nuôi quy mô lớn cần đầu tư hệ thống chuồng trại, bãi cỏ... lên đến cả tỷ đồng. Vì thế, người chăn nuôi trâu, bò trong tỉnh mong muốn Nhà nước có cơ chế hạn chế nhập khẩu thịt bò, kiểm soát chặt chẽ việc nhập lậu thịt qua đường tiểu ngạch để bảo hộ việc chăn nuôi trong nước. Có cơ chế hỗ trợ về lãi suất tại các ngân hàng cho người vay vốn đầu tư vào chăn nuôi để vượt qua khó khăn.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Ngọc Thái, Giám đốc Trung tâm Tư vấn, bồi dưỡng và phát triển khoa học công nghệ (Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh), đây là thời điểm người chăn nuôi trâu, bò gặp nhiều khó khăn. Để chăn nuôi hiệu quả, Nhà nước cần có định hướng rõ ràng, đưa thông tin thị trường tới người chăn nuôi. Người chăn nuôi cũng cần tìm hiểu rõ thị trường, không nên đầu tư ồ ạt tránh tình trạng cung vượt quá cầu như hiện nay.