Giá trị của việc xác định họ và thành phần dân tộc hiện nay
Quá trình giao lưu, hội nhập và phát triển, hôn nhân của cộng đồng các dân tộc thiểu số (DTTS) đang có nhiều biến đổi. Vì vậy, việc xác định họ và dân tộc cho trẻ em khi cha, mẹ đẻ khác dân tộc là vấn đề rất quan trọng cần được hiểu về giá trị của nó.
Cơ sở pháp lý để xác định họ và dân tộc
Việc xác định họ và thành phần dân tộc không chỉ là quyền cơ bản mà còn là vấn đề thiêng liêng của mỗi người. Khoản 1 Điều 26 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Cá nhân có quyền có họ, tên (bao gồm cả chữ đệm, nếu có). Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó”; khoản 2 Điều 26 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ; nếu không có thỏa thuận thì họ của con được xác định theo tập quán”.
Khoản 2 Điều 29 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Cá nhân khi sinh ra được xác định dân tộc theo dân tộc của cha đẻ, mẹ đẻ. Trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau thì dân tộc của con được xác định theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha đẻ, mẹ đẻ; trường hợp không có thỏa thuận thì dân tộc của con được xác định theo tập quán; trường hợp tập quán khác nhau thì dân tộc của con được xác định theo tập quán của dân tộc ít người hơn”.
![Hiện nay, hôn nhân của đồng bào S’tiêng đang có nhiều biến đổi. Trong ảnh là hôn lễ của người S’tiêng với người Hoa (minh họa)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_415_51449501/49261cf829b6c0e899a7.jpg)
Hiện nay, hôn nhân của đồng bào S’tiêng đang có nhiều biến đổi. Trong ảnh là hôn lễ của người S’tiêng với người Hoa (minh họa)
Đây là vấn đề khá phức tạp không chỉ liên quan đến văn hóa, tập quán mà còn liên quan đến chính sách, pháp luật cho người mang thành phần dân tộc. Vì vậy, việc xác định họ và thành phần dân tộc đối với những trường hợp có cha đẻ, mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau cần được tiếp cận cả góc độ văn hóa truyền thống và góc độ chính sách, pháp luật. Dù là hôn nhân nội tộc hay ngoại tộc nhưng có thể tóm lại gồm các trường hợp sau:
Trường hợp thứ nhất: Trẻ em có cha đẻ là dân tộc Kinh, mẹ đẻ là DTTS thì việc xác định họ và thành phần dân tộc cho con tương đối phức tạp, tùy thuộc vào nhận thức, quan niệm, sự thỏa thuận giữa cha và mẹ. Theo tập quán, văn hóa của người Kinh thì con thường chọn dân tộc Kinh, con mang họ cha hoặc họ của cha lẫn mẹ (trừ khi người mẹ thuộc DTTS theo xã hội mẫu hệ, con phải lấy họ mẹ). Những trường hợp như vậy đứa con sẽ không được hưởng chính sách dân tộc. Vì vậy, không ít trường hợp cha mẹ phải đổi từ dân tộc Kinh sang DTTS để con được hưởng chính sách dân tộc, nhưng không đổi họ.
Trường hợp thứ hai tương đối phổ biến: Nếu cha đẻ là dân tộc Kinh, còn mẹ đẻ là người DTTS (mẹ không thuộc DTTS theo xã hội mẫu hệ) thì con có thể mang họ cha, hoặc họ của cha và mẹ và mang thành phần DTTS, nên con được hưởng đầy đủ chính sách DTTS. Trường hợp này không phải vì người chồng có trình độ văn hóa thấp hơn người vợ, hoặc người chồng bị lệ thuộc vào người vợ, mà là do vợ chồng muốn con cái được hưởng chính sách dân tộc, thậm chí là do người chồng nhận thức, không phân biệt đối xử, hiểu văn hóa DTTS, không mặc cảm con mình mang thành phần DTTS. Vì vậy, nhiều người thắc mắc vì sao người DTTS lại mang họ Nguyễn, Trần, Phan, Phạm… Trường hợp này rất phổ biến đối với DTTS ở các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và người Khmer ở miền Tây Nam Bộ.
Trường hợp thứ ba: Nếu cha đẻ là DTTS và mẹ đẻ là người Kinh thì con thường lấy dân tộc theo cha và mang họ của cha, hoặc họ của cha và mẹ. Xu hướng này vừa đảm bảo được hưởng chính sách dân tộc, đồng thời tạo sự tôn trọng giữa chồng và vợ, hai dân tộc. Để đạt được điều này phụ thuộc vào sự hiểu biết, nhận thức của hai vợ chồng, thậm chí của ông bà nội, ngoại hai bên.
Trường hợp thứ tư: Nếu cha và mẹ đẻ đều là DTTS nhưng thuộc hai dân tộc khác nhau, khác họ (mẹ không thuộc DTTS theo xã hội mẫu hệ) thì con đương nhiên là DTTS, con sẽ mang họ cha, hoặc họ của cha và mẹ.
Trường hợp thứ năm: Nếu cha đẻ và mẹ đẻ thuộc hai DTTS khác nhau nhưng đều thuộc dân tộc theo xã hội mẫu hệ (hôn nhân giữa người Chăm và Ê Đê, Ê Đê và Jrai…) thì con đương nhiên là DTTS, người con mang họ mẹ. Hoặc, nếu cả cha đẻ và mẹ đẻ cùng một DTTS theo xã hội mẫu hệ (người Ê Đê lấy người Ê Đê…) thì con đương nhiên là DTTS, người con mang họ mẹ. Đây là vấn đề rất quan trọng, đặc trưng trong văn hóa các DTTS. Đối với người Ê Đê, người cùng họ (họ Niê, Mlô, Kđăm, Nuôl, Buôn Krông...) không được lấy nhau dù không có liên quan đến huyết thống và sinh sống ở những địa phương khác nhau nên việc xác định họ cho con tương đối thuận lợi.
Yếu tố dân tộc quyết định việc hưởng chính sách
Đối với một người có cha đẻ là người Kinh, mẹ đẻ là DTTS thì việc người đó mang họ cha hoặc họ mẹ, hoặc họ cha và mẹ, hoặc họ mẹ và cha chỉ có giá trị liên quan đến dòng họ, văn hóa truyền thống của cha đẻ hoặc mẹ đẻ, không quyết định đến việc hưởng chính sách DTTS. Việc người đó mang dân tộc gì mới là yếu tố quan trọng đến việc hưởng chính sách DTTS. Ngay cả trường hợp cha đẻ và mẹ đẻ đều là DTTS nhưng thuộc hai nhóm DTTS khác nhau, cha đẻ thuộc nhóm DTTS phát triển (Tày, Mường, Thái…) và mẹ đẻ thuộc nhóm DTTS chưa phát triển, thuộc nhóm dân tộc rất ít người (người Ơ Đu, RơMăm, BRâu…) hoặc ngược lại thì cha mẹ đẻ cũng có thể lựa chọn thành phần dân tộc cho con theo hướng có lợi nhất để hưởng chính sách dân tộc.
Khuyến khích đồng bào sử dụng họ truyền thống
Trong quá khứ, dân tộc S’tiêng có nhiều dòng họ khác nhau như: Bu Sar, Bu N'har, Bu Pêl, Bu Trêl (nay thuộc thôn Bình Hà 1, Bình Hà 2, xã Đa Kia, huyện Bù Gia Mập); hay Bu Khâu, Bu Lôh Sưr (thôn Đắk Son 2, xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập); Bu Dru, Bu Krwai (thôn 7, xã Long Giang, thị xã Phước Long); hoặc họ Drênh, Chang… của người S'tiêng huyện Hớn Quản, thị xã Bình Long. Trong các từ: Bu Sar, Bu N'har, Bu Trêl, Bu Pêl... thì từ Bu là cộng đồng người (chữ B không phát âm như chữ B hay V trong tiếng Việt), còn từ Sar, N'har, Trêl, Pêl... là những địa danh.
Điểu là họ do nhà Nguyễn ban, cách nay hơn 2 thế kỷ. Sách “Đại Nam nhất thống chí” (tái bản năm 2006, tr.43), Quốc sử quán triều Nguyễn thời Minh Mạng (1820-1840) có ghi chép nhà Nguyễn ban các họ: “Sơn, Lâm, Hồng, Nhạn, Ngưu, Mã” cho các “thổ dân” ở Bắc Trấn Biên (trong đó có tỉnh Bình Phước ngày nay). Đến nay, vẫn chưa tìm được tài liệu viết về sự thay đổi từ họ “Nhạn” sang họ “Điểu”. Tác giả Nguyễn Đình Đầu (1991, Địa chí tỉnh Sông Bé, tr.148) cho rằng tộc người S’tiêng và Mạ mang họ Mã. Đây có thể là sự nhầm lẫn, vì nếu dịch sang tiếng Việt thì chữ “Nhạn” chính là “Điểu”. Như vậy, họ “Điểu” có nguồn gốc từ họ “Nhạn” có sức thuyết phục hơn.
Tại khoản 1 Điều 6 Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 28-5-2020 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15-11-2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch: “Việc xác định họ, dân tộc, đặt tên cho trẻ em phải phù hợp với pháp luật và yêu cầu giữ gìn bản sắc dân tộc, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của Việt Nam…”.
Vì vậy, cán bộ làm hộ tịch cần hiểu văn hóa truyền thống của các DTTS, đặc biệt là chữ cái để viết họ, tên, tránh sai sót về chính tả. Đối với người S’tiêng, UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành Quyết định số 2684/QĐ-UBND ngày 22-11-2018 về công bố “Bộ chữ cái và hệ thống âm, vần tiếng dân tộc S’tiêng”, vì vậy cần tuân thủ nguyên tắc khi sử dụng chữ S’tiêng để viết họ, tên đối với người S’tiêng.