Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều rủi ro và bất ổn, kinh tế Việt Nam cũng chịu tác động nặng nề. Tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 5,05%, giảm sâu so với mức 8,02% của năm 2022 và thấp hơn kế hoạch 6,5% Chính phủ đề ra.
Theo các chuyên gia của Trường đại học Kinh tế quốc dân (NEU), dù cao hơn mức bình quân các nước ASEAN (4,3%), chất lượng tăng trưởng của Việt Nam chưa thực sự được cải thiện.
Chất lượng tăng trưởng kinh tế được thể hiện trên 3 khía cạnh.
Về hiệu quả kinh tế, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) của Việt Nam liên tiếp ở mức suy giảm trong hai năm 2022-2023, so với mức tăng trung bình 2,77%/năm trong thời kỳ 2015-2019. Trong khi đó, một số nền kinh tế có điều kiện khá tương đồng với Việt Nam về cơ cấu kinh tế, cơ cấu xuất nhập khẩu như Trung Quốc, Thái Lan, Phillippines và Indonesia đã có sự phục hồi trong tăng trưởng TFP sau đại dịch COVID-19.
Bên cạnh TFP, năng suất lao động của Việt Nam cũng đang có dấu hiệu giảm sút với mức chỉ tăng 0,5% trong năm 2023 (so với mức trung bình 6,35%/năm thời kỳ 2016-2019).
Về khía cạnh chuyển đổi số của nền kinh tế, giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực, mặc dù quy mô dân số chỉ đứng sau Indonesia và Philippines. Trung bình thời kỳ 2020-2023, trị giá gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 20% vào năm 2020.
Kinh tế số tại hai địa phương có quy mô lớn nhất nước là Hà Nội và TP.HCM cũng chỉ đạt 15,8% và 14,7% trong năm 2023.
Ngoài ra, việc số hóa nền kinh tế đòi hỏi nguồn lực lớn dành cho vốn tài sản công nghệ thông tin và truyền thông (ICT). Tuy nhiên, mức đóng góp của vốn ICT vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam gần như không đáng kể.
Một điểm sáng đối với kinh tế số tại Việt Nam là tốc độ tăng trưởng cao, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực thương mại điện tử, du lịch, truyền thông và vận tải trực tuyến.
Về khía cạnh đổi mới sáng tạo, kinh tế Việt Nam chưa cho thấy có sự cải thiện đáng kể, đặc biệt là khi so sánh với các nước tương đương trong khu vực.
Báo cáo về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) cho thấy Việt Nam đã bị tụt lại sau Ấn Độ và Thái Lan sau giai đoạn COVID-19. Một số quốc gia đang phát triển khác như Trung Quốc, Malaysia đều có thứ hạng cao hơn Việt Nam.
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng kinh tế số, khoa học công nghệ có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc chuyển đổi nền kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, nhất là 2024 là năm bản lề rất quan trọng.
“Các động lực cũ khó có thể giúp kinh tế Việt Nam tạo được sự đột phá và đi lên nấc thang cao hơn, do đó bên cạnh việc phát huy các động lực cũ thì cần đẩy mạnh các động lực mới như kinh tế số, kinh tế xanh, đổi mới sáng tạo”, ông Thịnh nói.
Ông Thịnh cũng cho biết hiện nay ngày càng nhiều các tập đoàn lớn về công nghệ tìm đến Việt Nam. Để tận dụng được làn sóng đầu tư này, Việt Nam cần thay đổi mạnh mẽ về cơ chế, chính sách cho đến đào tạo nguồn nhân lực công nghệ.
Cũng băn khoăn vấn đề này tại một hội thảo mới đây, ông Chử Đức Hoàng, Chánh văn phòng Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (Bộ KH-CN) cho rằng khó khăn mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt là khả năng tiếp cận các nguồn vốn đầu tư cho công nghệ xanh, công nghệ số.
“Nguyên nhân chính là thị trường vốn cho các dự án công nghệ xanh như trái phiếu xanh, chứng khoán xanh ở Việt Nam mới đang ở giai đoạn sơ khai”, ông Hoàng nói.
Ngoài ra, ông Hoàng cũng cho biết các doanh nghiệp cũng gặp khó ở khâu kết nối và chia sẻ dữ liệu, khi gần 80% dữ liệu nằm rải rác ở các bộ ngành, chỉ có khoảng 30% đơn vị hành chính công cung cấp dữ liệu mở. Khi chuyển đổi số, nguy cơ rủi ro an ninh mạng gia tăng, nhiều doanh nghiệp chưa có chiến lược ứng phó.
“Doanh nghiệp của Việt Nam chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa, năng lực công nghệ hạn chế, hơn 97% doanh nghiệp là nhỏ và siêu nhỏ; chỉ có khoảng 5% doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; 70% doanh nghiệp sử dụng công nghệ trung bình; hạ tầng 5G còn hạn chế, thiếu nhân lực phục vụ cho quá trình chuyển đổi kinh tế số, kinh tế xanh... đều đang là những thách thức của nền kinh tế Việt Nam”, ông Hoàng nhấn mạnh.
Phân tích cụ thể hơn, ông Hoàng cho rằng Việt Nam hiện có nguồn nhân lực công nghệ thông tin khoảng 500.000 người, trong khi nhu cầu tới năm 2025 là 1 triệu người; gần 77% lao động trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo chưa qua đào tạo hoặc chỉ được đào tạo sơ cấp.
"Trong ngành bán dẫn, các doanh nghiệp nên đầu tư vào cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ để phát triển các nghiên cứu, nếu chỉ làm các mảng nhỏ là thiết kế vi mạch thôi thì đến một lúc nào đó, chúng ta sẽ đi làm thuê cho các nước thôi", ông Hoàng nhận định.