Giá trị mỹ thuật về đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng
Nền mỹ thuật cách mạng Việt Nam từng có tác phẩm đồ sộ 'Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ' của họa sĩ Nguyễn Sáng. Tác phẩm đã tạo những ảnh hưởng mạnh mẽ đến xã hội, được coi là bản hùng ca về chủ nghĩa yêu nước và tinh thần cách mạng của nhân dân Việt Nam trong hội họa.
Từ khi nền mỹ thuật cách mạng Việt Nam ra đời, trải qua những năm tháng chiến tranh vệ quốc, các nghệ sĩ tạo hình đã coi việc phản ánh hiện thực cách mạng như một sứ mệnh nghệ thuật qua hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.
Vào dịp kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 / 22-12-2019), một cuộc triển lãm mang chủ đề “Từ nhân dân mà ra” được tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Triển lãm mang đến cho công chúng cái nhìn khái quát về hình tượng người chiến sĩ và chiến tranh cách mạng (CTCM). 60 tác phẩm với nhiều thể loại, như: Hội họa, đồ họa, điêu khắc và các chất liệu khác nhau, như sơn mài, sơn dầu, lụa, màu nước, bột màu... được các họa sĩ sáng tác từ năm 1948 cho đến thập niên 2000, phản ánh chân thực và sống động cuộc sống, chiến đấu của quân, dân ta từ miền Bắc tới miền Nam trong những năm kháng chiến. Có thể kể đến các tác phẩm: “Du kích Bến Tre” (Diệp Minh Châu); “Ra đảo” (Nguyễn Văn Tỵ); “Nữ du kích Phú Yên" (Nguyễn Đỗ Cung); “Đêm hậu cứ” (Hoàng Tích Chù); “Để bảo vệ xóm làng” (Trần Đình Thọ); “Vượt sông” (Lê Trí Dũng); “Đón bộ đội về bản” (Cao Trọng Thiềm); “Những cô gái Trường Sơn” (Vũ Giáng Hương); “Chiến lũy” (Lê Anh Vân)... Một số tác phẩm được sáng tác trong thời gian chiến tranh như: “Giữa hai trận đánh” của họa sĩ Phan Kế An, sáng tác năm 1968; “Gác phòng không” của họa sĩ Mai Văn Nam sáng tác năm 1966; “Mở đường trên đỉnh Trường Sơn” của họa sĩ Trần Huy Oánh sáng tác năm 1973; “Trận địa pháo” của họa sĩ Quang Phòng sáng tác năm 1965...
Luôn quan tâm đến lĩnh vực sáng tác mỹ thuật nên từ năm 1991 đến nay, 5 năm một lần, Tổng cục Chính trị tổ chức cuộc vận động sáng tác về đề tài LLVT và CTCM. Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đảm nhận nhiệm vụ này và đã tổ chức nhiều cuộc vận động sáng tác với quy mô toàn quốc; phối hợp với Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức các chuyến đi thực tế sáng tác tại nhiều đơn vị của bộ đội hải quân, Bộ đội Biên phòng, khu di tích lịch sử quân sự và mở các trại sáng tác ở cả 3 miền đất nước, nhằm tạo nguồn tác phẩm chất lượng. Rất nhiều tác phẩm từ các trại sáng tác đó giúp chúng ta cảm nhận được những tìm tòi mới mẻ của các nghệ sĩ đương đại về đề tài khó nhưng luôn có sức hút này. Nổi bật có các tác phẩm: “Đường mòn Hồ Chí Minh” (Nguyễn Thế Hữu), “Kỷ vật Đồi A1-Điện Biên Phủ 1954” (Phan Oánh), “Trận địa trên cầu” (Đinh Công Khải)... Nhiều tác giả trẻ, không trải qua chiến tranh nhưng cũng mạnh dạn thể hiện góc nhìn của mình như: “Ngày về-1954” (Bùi Anh Hùng), “Giải phóng Phước Long” (Ngô Đức Trung)... Những tác phẩm về hình tượng Bộ đội Cụ Hồ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày hôm nay cũng đã xuất hiện, tiêu biểu là: “Củng cố đảo” (Nguyễn Phú Hậu), “Xưởng đóng tàu” (Bùi Quang Đức), “Đưa nước ngọt ra đảo Bình Ba” (Đặng Thị Dương)... Gần đây nhất là trại sáng tác tranh lụa và đồ họa được Trung tâm Mỹ thuật đương đại (thuộc Hội Mỹ thuật Việt Nam) tổ chức, số lượng tác phẩm về người chiến sĩ hôm nay vượt trội, 23/36 tác phẩm, trong đó có thể kể đến: “Ngày phép” (Đặng Tiến), “Hành quân qua bản” (Nguyễn Hoàng Linh), “Khi cơn lũ đi qua” (Trần Hải Anh)...
Nhìn lại các tác phẩm, với nhiều cách thể hiện khác nhau, hình tượng người chiến sĩ bảo vệ Tổ quốc vẫn luôn là nguồn cảm hứng bất tận đối với nhiều thế hệ họa sĩ, không chỉ các họa sĩ trong quân đội mà cả với rất nhiều hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Nhưng hiện nay, số lượng tác phẩm về đề tài LLVT, CTCM đang thưa vắng dần. Tại các gallery ở Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh, loại tranh về đề tài này hầu như không xuất hiện. Lỗi không phải ở thị trường tranh nội địa mà quan trọng hơn là việc tiếp cận và thể hiện đề tài này đang đặt các nghệ sĩ trước những thách thức mới.
Những họa sĩ tham gia cuộc chiến có tâm huyết, giàu xúc cảm phần lớn tuổi đã cao, sức khỏe đã giảm sút. Lớp nghệ sĩ trẻ sung sức lại chưa từng trải qua chiến trận, thiếu thực tế, thiếu cảm hứng nên ngại bắt tay vào một lĩnh vực khó, không phù hợp với tâm tư, đời sống hiện tại của mình. Ðó cũng là điều khó tránh khỏi.
Một vấn đề nữa tác động đến các sáng tác về đề tài LLVT và CTCM, đó là việc sử dụng tác phẩm. Hầu hết tác phẩm tham dự các cuộc vận động sáng tác, họa sĩ được chọn trưng bày mang "đứa con tinh thần" đến triển lãm, sau đó lại mang về. Bởi các bảo tàng quốc gia và quân đội không lưu giữ thường xuyên; các cơ quan, đơn vị trong quân đội không mua, không sử dụng thì khó có ai mua tác phẩm về đề tài CTCM để treo trong nhà.
Hội Mỹ thuật Việt Nam luôn khuyến khích hội viên sáng tác đề tài LLVT và CTCM. Đó là điều Đảng và Nhà nước cần. Hằng năm, ngân sách của hội được Nhà nước đầu tư, phải sử dụng đúng và đa dạng đề tài, nội dung tác phẩm. Câu chuyện lịch sử, CTCM, hình tượng người chiến sĩ chưa bao giờ cũ. Đứng trước một tác phẩm thể hiện sinh động mang giá trị sử liệu về một thời hào hùng của đất nước hay phản ánh về những người chiến sĩ tinh nhuệ, hiện đại hôm nay, người xem thêm tự hào về lịch sử của dân tộc. Những thành tựu đã có trong việc thể hiện đề tài CTCM thời gian qua, mặc dù rất đáng trân trọng, nhưng chưa đủ, và chúng ta vẫn hy vọng sắp tới, từ các cuộc vận động sáng tác lớn, đúng hơn là từ tài năng và tâm hồn các nghệ sĩ tạo hình Việt Nam, những tác phẩm xứng đáng về đề tài này sẽ đến với công chúng.
Họa sĩ LƯƠNG XUÂN ĐOÀN - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam