GIÁ TRỊ 'NGỌN NẾN' NGƯỜI THẦY

Cách đây ít năm, dư luận xã hội từng bức xúc khi một số trường sư phạm lấy điểm chuẩn đầu vào các trường đại học, cao đẳng chưa nổi mỗi môn 5 điểm.

Người dân cả nước, các thầy cô giáo, thậm chí cả những sinh viên sư phạm không khỏi thất vọng, nhiều người bày tỏ thái độ hoài nghi chất lượng của các thầy, cô giáo trong tương lai như thế sẽ ảnh hưởng tới chất lượng học trò, từ đó gây ra nhiều hệ lụy trong xã hội.

Nhận thấy nguy cơ trên, Đảng, Chính phủ thời gian qua đã luôn quan tâm sát sao, chỉ đạo ngành giáo dục đưa ra nhiều đổi mới giúp sinh viên sư phạm có kiến thức giỏi, kỹ năng sư phạm tốt để trở thành những giáo viên đủ đức, đủ tài, gương mẫu về nhân cách đứng trên bục giảng, kế tục xứng đáng sự nghiệp "trồng người"; tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước trước cuộc cách mạng khoa học công nghệ đang phát triển như vũ bão. Chính sách hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí lên tới 36,3 triệu đồng/năm (10 tháng học) đối với một sinh viên sư phạm (theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP vừa ban hành), cùng với chủ trương siết chặt chất lượng đầu vào với sinh viên ngành sư phạm thể hiện tầm nhìn chiến lược, tạo điều kiện để các trường đại học, cao đẳng sư phạm thu hút học sinh giỏi thi vào ngành sư phạm; tạo bước đột phá mới về chất lượng giáo viên trong tương lai; thể hiện rõ sự coi trọng của xã hội đối với một nghề cao quý, luôn được nhân dân coi trọng.

 Thí sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia. Ảnh minh họa: TTXVN.

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia. Ảnh minh họa: TTXVN.

Nhìn sâu xa, Nghị định số 116/2020/NĐ-CP sẽ giúp xây dựng cơ chế đào tạo gắn với việc sử dụng sinh viên sau tốt nghiệp, khắc phục cơ bản tình trạng thừa-thiếu giáo viên cục bộ; tăng hiệu quả sử dụng ngân sách; gắn nhu cầu đào tạo với nhu cầu sử dụng. Đứng ở góc độ quản trị, việc cạnh tranh trong đào tạo nhân lực sẽ giúp các cơ sở đào tạo giáo viên nâng cao chất lượng, tập trung phát triển cơ sở vật chất, đồng thời thúc đẩy quá trình tự chủ, phát triển của nhà trường, tạo nên cuộc đua công bằng giữa các trường trong nâng cao chất lượng, giúp chất lượng học tập cao hơn; ý thức trách nhiệm, thái độ gắn kết với nghề sư phạm, với sự nghiệp giáo dục cũng tăng lên; từ đó, cơ hội tìm việc làm khi ra trường cũng như phát triển nghề nghiệp trong tương lai cũng tăng lên.

Từ giáo viên, những người làm chính sách... cho tới các nhà quản lý giáo dục và các sinh viên đều bày tỏ sự phấn khởi trước sự quan tâm của toàn xã hội. Song, mỗi cương vị lại có nỗi lo riêng, khi nhiều người nhận định, đây vẫn chỉ là bước đầu. Sinh viên thì lo, nếu ra trường không làm đúng nghề sẽ phải đền bù thế nào? Các nhà quản lý lo rằng, học thì được hỗ trợ như thế, nhưng ra trường, lương giáo viên vẫn thấp, liệu có giữ chân được những thầy cô giáo có tài? Bản thân giáo viên thì chỉ mong muốn, trong một môi trường đặc thù như ngành sư phạm, các chính sách cần đồng bộ. Nếu đất nước còn khó khăn, lương giáo viên chưa thể cao như nhiều ngành nghề khác, thì cần có các quy định, tạo điều kiện cho giáo viên có việc làm thêm chính đáng, đúng pháp luật, đúng sở trường để tăng thu nhập.

Nhìn từ kinh nghiệm thu hút giáo viên giỏi của tỉnh Hải Dương thấy rõ, tỉnh này luôn tạo điều kiện bố trí việc làm cho các sinh viên sư phạm giỏi, xuất sắc khi ra trường về công tác tại địa phương, nhưng phải đủ điều kiện đã được quy định như: Việc tốt nghiệp đại học, cao đẳng loại giỏi, xuất sắc chưa đủ để khẳng định năng lực bản thân, mà sinh viên ra trường ngoài kiến thức thì phải là người có kỹ năng sống, đạo đức nhà giáo, chuyên môn nghiệp vụ và đặc biệt phải có thực tiễn..., cho thấy xã hội yêu cầu rất cao với ngành sư phạm.

Thực tế, không dễ gì có được sinh viên sư phạm giỏi, càng không dễ gì có được và giữ được những thầy, cô giáo giỏi, tâm huyết, yêu nghề, cống hiến cho ngành... Bước đầu chúng ta đã làm rất tốt khi có chính sách hỗ trợ cụ thể cho sinh viên sư phạm. Tuy nhiên, về lâu dài, những vấn đề về lương, chế độ đãi ngộ, cơ hội làm việc, cống hiến, phát triển cũng cần được cải thiện, đồng bộ, thể hiện rõ ưu việt. Khi ấy, người tài sẽ tự tìm tới ngành giáo dục, sinh viên sẽ tự tìm tới ngành sư phạm, đó chính là phương sách sâu rễ bền gốc.

Một người thầy giỏi giống như ngọn nến,nó đốt cháy chính mình để soi sáng đường cho những người khác. Khi chúng ta vận hành tốt các chính sách hợp lý với ngành giáo dục, nhất định đất nước sẽ có thêm nhiều thầy tốt, nhiều ngọn nến cùng soi đường tương lai, giúp xã hội phát triển nhanh, bền vững hơn.

NGUYỄN HÒA

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/lang-kinh-van-hoa/gia-tri-ngon-nen-nguoi-thay-639723